• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Báo cáo của MTTQ cần nêu rõ giải pháp cho các thách thức quốc gia

Thời sự 30/07/2019 15:55

Báo cáo trình lên Đại hội Đại biểu Toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX cần bao quát mọi thách thức đối với quốc gia và các giải pháp liên quan.

Đây là một trong những kiến nghị được bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận Trung ương, đưa ra tại Hội nghị lần thứ 10 Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) khóa VIII, diễn ra ngày 30/7 tại Hà Nội.

mttq se cung tham gia giai quyet cac thach thuc lon cua quoc gia hinh 1
Bà Trương Thị Mai phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Quang Vinh

Phát biểu tại Hội nghị, bà Trương Thị Mai nhấn mạnh: Đại hội Mặt trận tổ quốc lần thứ IX không chỉ xác định mục tiêu cho năm 2024 mà còn là mục tiêu cho năm 2030 và tầm nhìn 2045. Mục tiêu chính là nâng cao chất lượng đời sống các tầng lớp nhân. Để đạt được mục tiêu này, bà Trương Thị Mai nhấn mạnh cần có sự ủng hộ và đoàn kết của nhân dân để vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội để đạt được mục tiêu đề ra.

"Đại hội MTTQ Việt nam lần thứ IX sẽ tiếp tục làm sâu sắc thêm quan điểm của Đảng trong Nghị quyết XII. Đó là: Đại đoàn kết dân tộc chính là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực, nguồn lực trong xây dựng, bảo vệ tổ quốc. Đại đoàn kết dân tộc phải dựa trên cơ sở giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội, bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, không ngừng nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân, đảm bảo mỗi người dân đều được hưởng thành quả của công cuộc đổi mới. Đó là tinh thần chung tiếp tục làm sâu sắc trong báo cáo chính trị trình Đại hội lần thứ IX" - Trưởng Ban Dân vận Trung ương nhấn mạnh.

Cũng theo bà Trương Thị Mai, trong thời gian qua, tình hình kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại của đất nước tiếp tục được cải thiện, thay đổi và tăng trưởng. GDP Việt Nam đến nay đạt mức 221 tỷ USD, tăng gấp 7 lần so với năm 1990 và hơn 2 lần so với năm 2000.

Trong đó, xuất khẩu nông nghiệp đã đạt mức kỷ lục là 40 tỷ USD dù chất lượng sản phẩm xuất sang thị trường thế giới vẫn chưa có được sự đồng đều. Tỷ lệ xây dựng nông thôn mới đã đạt mức 48,7%. Đến năm 2020 sẽ đạt mục tiêu hơn 50% số xã nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo xấp xỉ dưới 6%, mức giảm đáng kể so với năm 1993, thời điểm trên toàn quốc có hơn 58% hộ nghèo.

Công tác đối ngoại đã đạt được những bước tiến đáng kể, đến nay, Việt Nam có quan hệ với 188 quốc gia, hợp tác kinh tế, thương mại với 224 quốc gia và các tổ chức kinh tế lớn trên thế giới. Việt Nam là thành viên của 71 tổ chức quốc tế.

Việt Nam đã ký kết 16 Hiệp định Thương mại Tự do thế hệ mới trong đó nổi bật là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Điều này mở ra những cơ hội nhưng cũng đặt ra những thách thức rất lớn đối với Việt Nam. Mới đây nhất, Việt Nam vừa được bầu là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

mttq se cung tham gia giai quyet cac thach thuc lon cua quoc gia hinh 2
Toàn cảnh hội nghị. 

Tuy nhiên, bà Trương Thị Mai cũng chỉ rõ những thách thức rất lớn, trong đó đặc biệt là năng lực cạnh tranh quốc gia khi hàng hóa Việt Nam khó có thể cạnh tranh lại với nhiều mặt hàng của nước ngoài khi thuế suất giảm còn 0%. Năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực còn chưa cao. Việc Việt Nam tham gia các Công ước 87, 98, 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đặc biệt là Công ước 87 đặt ra rất nhiều vấn đề bởi khi đó, Việt Nam sẽ phải chấp nhận việc người lao động có thể tham gia vào các tổ chức không phải là Công đoàn để đại diện cho họ trong quan hệ lao động.

Một bộ phận người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, đồng bào dân tộc thiểu số vẫn sống trong cảnh đói nghèo trong khi sự phân hóa giàu nghèo ngày càng rõ rệt gây tác động xấu đến công bằng xã hội. Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh cũng ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, buộc họ phải hy sinh miếng đất, căn nhà của họ cho quá trình này.

"Báo cáo của Mặt trận sẽ phải bao quát mọi vấn đề theo như đóng góp của các đại biểu và sẽ tiếp tục hoàn thiện để có bản báo cáo tốt nhất để trình ra Đại hội Đại biểu Toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX", bà Trương Thị Mai nêu rõ.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn nêu rõ: Báo cáo chính trị yêu cầu phải đánh giá thẳng thắn kết quả, hạn chế trong tổ chức thực hiện nhiệm kỳ 2014-2019, nhận diện rõ thực tiễn, xu hướng, nhiệm vụ mới, cách thức giải quyết mới những vấn đề lớn của đất nước trong giai đoạn mới, góp phần cùng Đảng, Nhà nước thực hiện phát triển hài hoà kinh tế, xã hội, văn hoá, con người, môi trường, quốc phòng, an ninh và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Hội nghị hôm nay có ý nghĩa rất quan trọng vì tiến hành thảo luận, cho ý kiến cuối cùng vào các dự thảo văn bản, những nội dung cơ bản nhất, quyết định sự thành công của Đại hội Đại biểu Toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX.

Trước đó, ngày 29/7, Hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ 17 đã thành công tốt đẹp, cùng với kết quả Hội nghị hôm nay, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ hoàn chỉnh các nội dung, tiếp tục xin ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân vào báo cáo chính trị Đại hội.

Hội nghị cũng đã cho ý kiến cuối cùng vào các dự thảo văn bản trình Đại hội như dự thảo báo cáo chính trị; Báo cáo kiểm điểm nhiệm kỳ; Chương trình, Quy chế của Đại hội; Sửa đổi Điều lệ MTTQ Việt Nam; Giới thiệu nhân sự cán bộ chuyên trách cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam tham gia UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa IX; Tờ trình về nhân sự tham gia UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa IX nhiệm kỳ 2019-2024./.

Theo VOV

NỔI BẬT TRANG CHỦ