• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ đã đặt con người vào vị trí trung tâm của sự phát triển

Thời sự 22/07/2021 23:48

(Tổ Quốc) - Chiều 22/7, tiếp tục lịch làm việc của kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội đã có buổi thảo luận tại tổ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, ngân sách nhà nước; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Kiến nghị năm 2021 không nên ban hành bất kể quy định nào khiến tăng chi phí của doanh nghiệp

Thảo luận tại tổ về nội dung phòng chống dịch Covid-19, đại biểu đoàn Kon Tum Tô Văn Tám cho rằng, Chính phủ đã có nhiều giải pháp kịp thời, phù hợp với diễn biến tình hình, thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội nhưng vẫn duy trì được hàng hóa thiết yếu cho người dân.

Tuy nhiên, theo đại biểu này, ở một số giai đoạn chống dịch cụ thể, từng địa phương cụ thể, từng công đoạn cụ thể thì vẫn còn có những việc chưa đồng bộ như: tổng cung hàng hóa chúng ta không thiếu nhưng khi xảy ra đột biến, chuẩn bị cách ly hay giãn cách thì có những đứt gãy trong cung cấp hàng hóa. "Khi có những đột biến, chúng ta cần dự liệu cho hết những khả năng có thể xảy ra để thực hiện phòng chống dịch hiệu quả hơn nữa"- Đại biểu Tô Văn Tám chia sẻ.

Báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ đã đặt con người vào vị trí trung tâm của sự phát triển - Ảnh 1.

Thảo luận tại tổ 8, kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV

Về những thách thức, nhiều đại biểu cho rằng, tác động của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 này rất khác so với những lần trước. Theo Đại biểu Phan Đức Hiếu đoàn Thái Bình, chúng ta cần nhìn nhận rõ đặc điểm này.

"Các giai đoạn dịch trước đây đứt gãy chuỗi cung cầu, thời điểm này, các quốc gia có kế hoạch mở cửa, thậm chí mở cửa bền vững về du lịch dịch vụ, doanh nghiệp có nhiều đơn hàng nhưng lại không sản xuất được. Tức là các đợt dịch trước chúng ta sản xuất được thì không tìm được thị trường, giờ có thị trường lại khó sản xuất do dịch lây lan nhanh"- ông Phan Đức Hiếu nói.

Do vậy, để đạt được mục tiêu thì các giải pháp cần rõ ràng hơn, mặc dù trong giai đoạn ngắn hạn Chính phủ đã đưa ra đầy đủ các giải pháp.

Về phòng chống dịch Covid-19, đồng ý với cách tiếp cận của Chính phủ rất linh hoạt nhưng đại Phan Đức Hiếu cho hay cần có thêm các giải pháp giúp kéo giảm thấp nhất các tác động tới kinh tế. "Ở đâu đó có sự thiếu vắng trong việc điều hành chung, các địa phương áp dụng tiêu chuẩn riêng dẫn tới ách tắc giao thông, hàng hóa, hay mỗi địa phương áp dụng giấy xét nghiệp PCR riêng. Việc này cần có sự phối hợp giữa các địa phương, công nhận kết quả xét nghiệm để giải tỏa ách tắc trong giao thương, hàng hóa"- Đại biểu Hiếu nêu.

Về các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, đại biểu này đề nghị phân phối nguồn lực hỗ trợ cho doanh nghiệp thực sự cần thiết và có thể sống sót được, không dành nguồn lực cho các doanh nghiệp đương nhiên rút khỏi thị trường, dù không có đại dịch Covid-19 xảy ra vẫn không thể sống nổi.

Ngoài ra, đại biểu này cũng đề nghị, cần cân nhắc miễn thuế VAT cho các doanh nghiệp đang thực hiện "3 cùng" tại các nhà máy, xí nghiệp.

Một vấn đề nữa, theo đại biểu Phan Đức Hiếu, trong bối cảnh rất khó khăn hiện nay, một số địa phương đã ban hành hoặc chuẩn bị ban hành các chính sách làm gia tăng chi phí như chi phí cảng biển, hoặc quy định về kiểm dịch… điều này tạo ra khó khăn thêm cho doanh nghiệp. "Tôi đề nghị, năm 2021 không nên ban hành bất kể quy định nào khiến tăng chi phí của doanh nghiệp. Thậm chí là tạm dừng một số chi phí không cần thiết như lắp camera cho xe kinh doanh vận tải"- Đại biểu Hiếu đề xuất.

Đặt con người vào vị trí trung tâm của sự phát triển

Nhận xét về báo cáo kinh tế xã hội của Chính phủ, Đại biểu Quốc hội đoàn Kon Tum, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đánh giá, đây là báo cáo được Chính phủ chuẩn bị công phu, chu đáo. "Đây là các báo cáo thực chất, đầy đủ, bao quát, trọn vẹn và mang tính cầu thị rất cao"- Đại biểu Nguyễn Văn Hùng nhận định.

Báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ đã đặt con người vào vị trí trung tâm của sự phát triển - Ảnh 2.

Đại biểu Quốc hội đoàn Kon Tum, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng

Theo Đại biểu Nguyễn Văn Hùng, trong báo cáo, Chính phủ đã thẳng thắn, mạnh dạn nói về khó khăn, thực tế có như thế nào, báo cáo đã phản ánh đúng như vậy. Đáng chú ý, báo cáo đã đưa ra nhiều vấn đề, điểm nghẽn để từ đó rút ra bài học kinh nghiệm. Lấy ví dụ từ việc thu hút đầu tư nước ngoài, đây là việc được cho là khá thành công khi thu hút được lượng vốn đầu tư tăng cao nhưng báo cáo cũng chỉ ra việc chúng ta chưa tham gia được vào công đoạn tạo ra chuỗi giá trị hay chuyển giao công nghệ như kỳ vọng ban đầu.

Từ những phân tích thẳng thắn, đánh giá đầy đủ đó, Chính phủ đã đưa ra được những mục tiêu phát triển đất nước và lượng hóa ra các chỉ tiêu cho giai đoạn tới.

Về giải pháp phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn tiếp theo, Đại biểu Nguyễn Văn Hùng nhận xét, báo cáo đã đưa ra nhiều giải pháp có tính khả thi như các giải pháp về chuyển đổi số, giải pháp về văn hóa và con người. Trong đó, đại biểu rất đồng tình một điểm sáng đặc biệt của báo cáo là đặt con người vào vị trí trung tâm của sự phát triển.

"Ai sẽ là người xây dựng đất nước? Đó chính là người Việt Nam. Vậy nên Chính phủ mới đặt con người là trung tâm của sự phát triển"- Đại biểu Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Vừa là thành viên Chính phủ, vừa là Đại biểu Quốc hội đoàn Kon Tum, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng tại buổi thảo luận tổ cũng chia sẻ thêm về công tác phòng chống dịch Covid-19 của Chính phủ thời gian qua.

Theo đó, Việt Nam là một điểm sáng về phòng chống dịch Covid-19 khi huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc cùng với huy động sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân đã giúp chúng ta hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do Covid-19 gây ra.

"Đặt quyết tâm chống dịch như chống giặc ở Việt Nam, thông điệp này đã thể hiện tinh thần quyết liệt của Đảng và Nhà nước, đặt vấn đề ở mức cao và giúp chúng ta không chủ quan lơ là"- Đại biểu Nguyễn Văn Hùng nhìn nhận.

Nêu lên vấn đề, nếu chỉ quan sát ở một vài hiện tượng nổi lên nào đó mà cho rằng việc phòng chống dịch chưa đúng, thì rõ ràng là chúng ta đã chưa nhìn nhận và đánh giá vấn đề một cách toàn diện.

Đại biểu Nguyễn Văn Hùng lấy ví dụ, nếu lấy sự việc không am hiểu của một vị Phó Chủ tịch phường ở Khánh Hòa mà cho rằng, việc phòng chống dịch của chúng ta không đúng, việc ấy làm ảnh hưởng nghiêm trọng thì không phải là như thế. Hoặc thời điểm đầu bùng phát dịch trở lại, khi xử lý vụ việc ở địa phương này hay địa phương khác có chỉ đạo khác nhau do chưa hiểu, nhưng Chính phủ đã chỉ đạo rất rõ, giao cho bộ chủ quản xử lý khắc phục ngay. Như về vấn đề cản trở lưu thông hàng hóa trên đường, Chính phủ đã giao cho Bộ Giao thông, vận tải xử lý kịp thời.

Trong các chính sách của Đảng và Nhà nước, gần đây nhất là Nghị quyết của Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19 đã bao trùm tất cả các chỉ đạo.

Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Hùng cũng chia sẻ về vấn đề vaccine; về chủ trương thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ; các gói chính sách hỗ trợ cho đối tượng khó khăn, các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp… và khẳng định, những vấn đề trên, Chính phủ đã chỉ đạo liên tục và thấy rất rõ quyết tâm hành động của Chính phủ để đạt được kết quả như hiện nay, quyết tâm không bỏ một người dân nào ở lại phía sau./.

Song Đào

NỔI BẬT TRANG CHỦ