• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Báo cáo năng lực cạnh tranh du lịch 2019: Những điểm sáng và cảnh báo

Thời sự 26/09/2019 14:17

(Tổ Quốc) - Mới đây, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đã công bố Báo cáo năng lực cạnh tranh du lịch 2019. Theo đó, du lịch Việt Nam đã tăng 4 bậc từ 67/136 lên 63/140.

Những con số tăng và giảm

"Đây là một tin vui cho ngành du lịch Việt với mức tăng trưởng tốt nhất so với các nước trong khối ASEAN. Các nước khác như Thái Lan tăng 3 bậc, Singapore giảm 4 bậc, Malaysia giảm 3 bậc…  Nhìn một cách khách quan, ngành du lịch Việt Nam đã có sự tăng trưởng về năng lực cạnh tranh tốt và đây là tín hiệu đáng mừng" - ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) đánh giá.

Sự tăng hạng chủ yếu nhờ cải thiện của các nhóm chỉ số: Mức độ mở cửa đối với quốc tế tăng 15 bậc, trong đó tăng mạnh nhất là chỉ số Yêu cầu về thị thực với mức tăng 63 bậc từ 116/136 lên 53/140. Đây được coi là chỉ số tăng trưởng nhanh nhất ở khu vực Châu Á- Thái Bình Dương. Chỉ số Yêu cầu về thị thực của Việt Nam năm 2019 đã có sự cải thiện rõ rệt so với năm 2017.

2-15691107894641118127150

Xếp hạng du lịch Việt Nam tăng 4 bậc. Hình minh họa: Ánh Dương

Nhóm chỉ số Hạ tầng vận tải hàng không của Việt Nam tăng 11 bậc cũng có mức tăng trưởng nhanh nhất ở khu vực Châu Á- Thái Bình Dương. Trong đó tăng mạnh nhất là chỉ số số lượng hãng hàng không đang khai thác tăng 10 bậc.

Ngoài ra, các chuyên gia cho hay, một số nhóm chỉ số khác của Việt Nam cũng có mức tăng trưởng tốt như Cạnh tranh về giá tăng 13 bậc với sự tăng trưởng của các chỉ số Thuế và lệ phí sân bay và Mức giá nhiên liệu. Hay nhóm Môi trường bền vững tăng 8 bậc nhờ có sự tăng trưởng mạnh của chỉ số Hiệp ước về môi trường được phê chuẩn. Đặc biệt, nhóm Hạ tầng dịch vụ du lịch cũng tăng được 7 bậc do tăng chỉ số buồng khách sạn và chất lượng hạ tầng du lịch.

Các chuyên gia cũng cho hay, nhóm chỉ số bị tụt hạng trong báo cáo nhiều như: Hạ tầng cảng biển và mặt đất hạ 13 bậc; Nguồn nhân lực và thị trường lao động hạ 10 bậc; Sức khỏe và vệ sinh hạ 9 bậc... Đáng lưu ý, nhóm Mức độ ứng dụng CNTT hạ 3 bậc. Theo ông Hoàng Nhân Chính, sự tụt hạng ở nhóm chỉ số này nằm cả ở chỉ số Ứng dụng CNTT trong giao dịch giữa các DN, số người sử dụng mạng internet, số thuê bao di động.

"Việt Nam hiện nay được đánh giá có số lượng người truy cập internet và mạng xã hội khoảng 7 tiếng mỗi ngày. Theo khuyến cáo của 1 tổ chức thế giới thì trung bình tỉ lệ này ở mức dưới 6 tiếng mỗi ngày thì tốt nếu không sẽ bị hội chứng nghiện internet. Các nước phát triển như Nhật, số giờ trung bình chỉ hơn 3 tiếng một ngày.

Hoặc trong nhóm chỉ số ứng dụng CNTT giao dịch giữa các DN bị hạ tới 24 bậc cho thấy, người Việt vào internet thì nhiều nhưng ứng dụng nó cho công việc thì chưa nhiều. Việc này không ổn"- ông Hoàng Nhân Chính phân tích.

Cần tập trung vào 5 nhóm vấn đề

Nhìn sâu hơn vào báo cáo, theo ông Hoàng Nhân Chính, năm 2017 một trong những trụ cột mạnh của Việt Nam là Nguồn nhân lực và thị trường lao động xếp thứ 37 thì nay tụt xuống 47. Mặc dù vẫn nằm trong top 50 nhưng đây là tín hiệu cho thấy, Việt Nam cần chú ý nhiều hơn về nhân sự cho ngành du lịch nếu đất nước muốn cạnh tranh hơn.

Hay dù đã có những cải thiện đáng kể với nhóm chỉ số Hạ tầng vận tải hàng không và Mức độ mở cửa đối với quốc tế trong hai năm qua chủ yếu là do sự gia tăng của số lượng hãng hàng không đang khai thác và mở rộng danh sách miễn thị thực, thị thực điện tử. Nhưng ngược lại, chất lượng hạ tầng vận tải hàng không thì đang bị tụt 14 bậc và hầu hết các sân bay đều quá tải. Nhiều sân bay lẽ ra phải đóng cửa đường băng để sửa chữa nhưng chưa thể thể đóng được…

"Thời gian qua có sân bay Vân Đồn, Quảng Ninh được xây dựng mới, tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, được vận hành bởi tư nhân, đó là dự án tuyệt vời. Hiện TAB đã kêu gọi Chính phủ thay vì chúng ta trông chờ vào ACV (Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam) thì nên chăng có cơ chế cho các DN tư nhân tham gia đấu thầu, xây dựng và quản lý các sân bay. Từ đó chất lượng các sân bay được cải thiện nhanh"- ông Hoàng Nhân Chính nêu.

Hay nhóm chỉ số về môi trường bền vững, tuy đã có sự cải thiện nhưng vẫn nằm trong nhóm chưa tốt: xếp ở mức 121, tức là từ nhóm quá tệ nâng lên đỡ tệ hơn…

Để ngành du lịch phát triển, theo ông Hoàng Nhân Chính cần tập trung vào các nhóm vấn đề: đào tạo con người chuyên môn tốt cho thị trường lao động du lịch; ưu tiên marketing và xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam; đánh giá chiến lược thương hiệu quốc gia về du lịch; phát triển du lịch bền vững và cải thiện chất lượng hạ tầng du lịch Việt Nam./.

Song Đào

NỔI BẬT TRANG CHỦ