(Tổ Quốc) - Đại biểu Quốc hội cho rằng, đồng hành cùng với sự quan tâm đặc biệt của xã hội đối với văn hóa, báo chí đã thực sự là cầu nối rất quan trọng để văn hóa được phản ánh nhiều hơn vào các chính sách, pháp luật và thực tế sinh động của xã hội.
Báo chí là cầu nối để văn hóa được phản ánh nhiều hơn vào các chính sách, pháp luật và thực tế xã hội
Đánh giá về vai trò của báo chí nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2024), PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khẳng định thời gian qua, báo chí đã đi sâu vào thực tiễn đời sống, phát hiện, giới thiệu, cổ vũ các mô hình mới, nhân tố mới, người tốt, việc tốt; thể hiện rõ quan điểm bảo vệ và phát huy bản sắc, truyền thống văn hóa dân tộc, tuyên truyền cổ vũ toàn dân phát huy có chọn lọc nền văn hóa tiên tiến của các nước trên thế giới, góp phần nâng cao dân trí, ngăn chặn văn hóa xấu len lỏi vào Việt Nam.
"Báo chí đã khơi dậy và biến nhiều hoạt động xã hội từ thiện trở thành phong trào của toàn xã hội. Báo chí đã quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế", đại biểu Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.
Nói về vai trò của báo chí trong sự nghiệp phát triển văn hóa đất nước, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, trong thời gian vừa qua, nhất là kể từ khi Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức năm 2021, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều nỗ lực và thành công trong việc giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, trong đó, báo chí góp một phần quan trọng.
Báo chí cách mạng Việt Nam đã thông tin, tuyên truyền những tấm gương người tốt, việc tốt, câu chuyện truyền cảm hứng cũng như phản ánh những vấn đề liên quan đến bản sắc dân tộc, di sản văn hóa, để từ đó nâng cao ý thức của toàn xã hội về lĩnh vực này, hình thành nên tự hào dân tộc và tự tin văn hóa cho đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế. Không chỉ có các báo của ngành văn hóa, những kênh thông tin lớn khác đã dành nhiều thời lượng, bài viết chuyên sâu, đa dạng để tuyên truyền cho các nội dung văn hóa...
Thời gian vừa qua, đồng hành cùng với sự quan tâm đặc biệt của xã hội đối với văn hóa, báo chí đã thực sự là cầu nối rất quan trọng để văn hóa được phản ánh nhiều hơn vào các chính sách, pháp luật và thực tế sinh động của xã hội.
"Tôi đánh giá rất cao nỗ lực của các cơ quan báo chí nêu trên đã mở những chuyên mục mới, đầu tư sâu hơn, với những bài viết có chất lượng cao, phong phú, sinh động, cập nhật về những vấn đề về văn hóa.
Tất cả đã giúp cho toàn xã hội có những nhận thức đúng đắn và đầy đủ hơn về những khía cạnh đa dạng của văn hóa, những thời cơ, thuận lợi, khó khăn, thách thức đối với sự phát triển văn hóa nước nhà, từ đó, giúp chúng ta có thêm quyết tâm trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước", đại biểu Bùi Hoài Sơn bày tỏ.
Trong bối cảnh phát triển của truyền thông kỹ thuật số, đại biểu cho rằng, báo chí cách mạng Việt Nam cũng đã nhận thức và thích ứng rất nhanh với truyền thông kỹ thuật số và công nghệ thông tin. Các phương tiện truyền thông như báo điện tử và các kênh truyền hình trực tuyến đã mở rộng khả năng tiếp cận thông tin và tương tác với công chúng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển tải thông điệp về giữ gìn, phát huy bản sắc, truyền thống văn hóa.
Những nỗ lực này thực sự đã giúp cho văn hóa dân tộc được nhận biết, yêu thích nhiều hơn, nhất là trong giới trẻ, để từ tình yêu đó, họ có thêm sự tự tin, tìm tòi, sáng tạo để tạo thêm sức sống mới cho truyền thống văn hóa dân tộc.
Báo chí có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội
Đánh giá về vai trò của báo chí thời gian qua, đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội nhấn mạnh, báo chí là cầu nối giữa Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội để từ đó có vai trò quan trọng trong phản biện chính sách của Nhà nước, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, đồng thời kết nối cộng đồng xã hội nhằm kích cầu tiêu dùng, tạo đầu ra cho sản phẩm.
Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, báo chí phát hiện và tôn vinh những điển hình, mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, quản trị tốt. Song song với đó, báo chí cũng phát hiện, cảnh báo, phê phán những việc làm sai trái, vi phạm pháp luật, không vì cộng đồng của một số doanh nghiệp.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, trong bối cảnh hiện nay, sức cạnh tranh của các cơ quan báo chí đang bị ảnh hưởng rất nhiều bởi sự phát triển như vũ bão của mạng xã hội. Cũng chính vì vậy, người dân, doanh nghiệp đang rất cần những thông tin chính thống, ý kiến đủ độ tin cậy… được cung cấp từ chính các cơ quan báo chí uy tín.
"Nếu được độc giả tin tưởng thì báo chí chính thống hoàn toàn có thể tự tin thực hiện tốt các sứ mệnh của mình, và điều đó cũng sẽ giúp tạo ra lợi thế cho báo chí, giúp báo chí biến niềm tin của độc giả trở thành nguồn lực phát triển của mình", đại biểu Cường nhấn mạnh.
Chung nhận định, đại biểu Vũ Ngọc Long - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước cho rằng, vai trò của báo chí đối với sự phát triển kinh tế-xã hội nói chung cũng như hoạt động nghị trường nói riêng là cực kỳ quan trọng.
Trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 bùng nổ với sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng số và sự quan tâm ngày càng lớn của cử tri và nhân dân đều cho thấy rất rõ vai trò đặc biệt quan trọng của báo chí, nhất là những kênh quan trọng, chính thống để qua đó, cử tri, nhân dân có thể thấy được các hoạt động của xã hội một cách chính xác và đúng định hướng.
Tuy nhiên, đại biểu Vũ Ngọc Long cũng cho rằng, bên cạnh các mặt đã đạt được, mặt xấu của công nghệ cũng khiến báo chí đối mặt nhiều vấn đề, như vấn nạn tin giả.
Để phát huy vai trò của báo chí chính thống trong thời đại số, đại biểu cho rằng cần phải tăng cường các giải pháp kỹ thuật để tăng cường độ, mức độ của thông tin chính thống trên các nền tảng, qua đó giúp cử tri tiếp cận dễ dàng hơn với các thông tin chính thống.
Khẳng định thông tin chính thống là rất quan trọng, đại biểu cũng cho rằng sự phản ánh thông tin cũng cần phải đa dạng, nhiều chiều theo cách tiếp cận khách quan và khoa học.
"Nhân dân tiếp cận rất rộng mà báo chí chỉ có thông tin một chiều thì sẽ không đáp ứng được và sẽ làm giảm chất lượng cũng như uy tín của báo chí chính thống đối với cách nhìn và cách tiếp cận của nhân dân", đại biểu Long nhận định.
Báo chí phải được bảo vệ khi tác nghiệp đúng nhiệm vụ, trách nhiệm
Khẳng định vai trò của các cơ quan báo chí, truyền thông hiện nay rất quan trọng trong việc đưa tin tức nhanh, trung thực, khách quan tới đông đảo bạn đọc, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cũng nêu một vấn đề phát sinh đối với báo chí trong quá trình tác nghiệp, đó là những yếu tố bất ngờ như chưa được bảo vệ, hoặc có những trường hợp nhà báo bị hăm dọa, hành hung, bị cản trở tác nghiệp…
Theo đại biểu, đây là hiện tượng tiêu cực cá biệt cần phải có những biện pháp để khắc phục và xử lý nghiêm những trường hợp này. Đại biểu cho rằng, hiện nay đã có những quy định cụ thể về những điều báo chí được phép và không được phép làm, cũng như quy định các cơ quan, đơn vị, địa phương và nhân dân phải có trách nhiệm hợp tác và bảo vệ báo chí khi tác nghiệp đúng nhiệm vụ, trách nhiệm của mình.
Nhấn mạnh các quy định này là điều rất cần thiết, đại biểu Phạm Văn Hòa cũng bày tỏ mong muốn để điều đáng tiếc không xảy ra với báo chí, khâu tổ chức thực hiện các quy định phải được bảo đảm.
"Tôi đề nghị đối với báo chí ý chí khi tác nghiệp phải đúng quy định liên quan trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thông tin phải thật sự khách quan, trung thực đối với những vấn đề mà bà con cử tri nêu. Còn trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ pháp luật là phải bảo vệ báo chí khi tác nghiệp mọi lúc, mọi nơi, miễn sao đúng với những quy định của pháp luật đặt ra", đại biểu Phạm Văn Hòa nêu rõ.