(Tổ Quốc) - Sáng 31/21, tại Hà Nội đã diễn ra Đại hội Đại biểu Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2021. Ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư tới dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội.
Đại hội còn có sự tham dự của ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và gần 500 đại biểu đại diện cho hơn 27.000 Hội viên nhà báo thuộc 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, 20 Liên chi hội và 205 Chi hội trực thuộc.
Đại hội có ý nghĩa quan trọng
Phát biểu khai mạc Đại hội, ông Lê Quốc Minh – Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam diễn ra trong bối cánh báo chí trong nước và đang có những thay đổi sâu sắc về nhiều mặt. Những nội dung thảo luận tại Đại hội và những nhiệm vụ, giải pháp do Đại hội đề ra sẽ có ý nghĩa thiết thực góp phần xây dựng tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam ngày càng vững mạnh, thúc đẩy nền báo chí cách mạng Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, nhân văn, chủ động hội nhập với báo chí khu vực và thế giới, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới phù hợp với văn hóa dân tộc Việt Nam.
Báo cáo chính trị tại Đại hội, ông Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đã khẳng định: Đại hội lần thứ XI diễn ra vào năm 2021, năm đầu tiên toàn Đảng toàn dân toàn quân nỗ lực thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, có nhiệm vụ kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội X Hội Nhà báo Việt Nam; đánh giá, tổng kết các hoạt động báo chí và hoạt động của Hội trong nhiệm kì qua; xác định phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp cho nhiệm kỳ XI; bầu Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam khóa XI. Với phương châm "Đoàn kết – Kỷ cương – Đổi mới – Sáng tạo – Phát triển", Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, sẽ định hướng cho các cấp Hội Nhà báo Việt Nam và đội ngũ những người làm báo cả nước tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của báo chí Cách mạng Việt Nam, chung sức đồng lòng, ra sức phấn đấu xây dựng nền báo chí Cách mạng Việt Nam giàu tính chiến đấu, nhân văn, chuyên nghiệp, hiện đại, vì lợi ích của đất nước và nhân dân, vì Tổ quốc Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam nhận thức sâu sắc vai trò quan trọng và trách nhiệm nặng nề nhưng rất vinh quang của báo chí đối với đất nước và nhân dân. Đại hội kêu gọi các cấp hội, đội ngũ những người làm báo cả nước phát huy truyền thống vẻ vang của báo chí Cách mạng Việt Nam, tăng cường đoàn kết, phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, không ngừng rèn luyện bản lĩnh chính trị, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nêu cao đạo đức nghề nghiệp, chủ động, năng động sáng tạo, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, khó khăn, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu mà Đại hội lần thứ XI đã đề ra, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước, sự tin yêu của nhân dân.
Những kết quả nổi bật của Hội Nhà báo Việt Nam trong nhiệm kỳ qua
Những năm qua, báo chí nước ta phát triển mạnh cả về quy mô, loại hình, công nghệ, số lượng, chất lượng, hiệu quả xã hội. Tính đến cuối năm 2021, cả nước có trên 830 cơ quan báo chí thuộc bốn loại hình: báo in, phát thanh, truyền hình và báo điện tử. Nhiều cơ quan báo chí đã phát triển nhiều loại hình báo chí, áp dụng công nghệ hiện đại. PT-TH đã phủ sóng rộng khắp lãnh thổ Việt Nam, một số đài phát sóng ra thế giới bằng các công nghệ tiên tiến. Số lượng người sử dụng Internet đạt hơn 73%, sử dụng mạng xã hội đạt trên 75% dân số cả nước. Đồng thời, các cơ quan báo chí cũng phải đối mặt với những thách thức, khó khăn.
Báo chí đã tích cực, chủ động, kịp thời phản ánh, tuyên truyền, cổ vũ thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; phản ánh chân thực đời sống chính trị, kinh tế- xã hội của đất nước và quốc tế; đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; thực hiện ngày càng có hiệu quả chức năng giám sát, phản biện xã hội. Báo chí là lực lượng chủ lực, đi đầu trong tuyên truyền phòng chống, đẩy lùi đại dịch Covid - 19. Đặc biệt, báo chí tiên phong trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, khẳng định quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước "không có vùng cấm, không có ngoại lệ", trong đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Báo chí tích cực thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ, góp phần tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Báo chí đẩy mạnh các hoạt động thông tin về quốc phòng, an ninh và đối ngoại, về hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; về bảo vệ chủ quyền của đất nước, nhất là trên Biển Đông, tích cực quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam và thành tựu đổi mới, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Các cơ quan báo chí đã tích cực tham gia các hoạt động xã hội – từ thiện, như xây nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, xây cầu, trường học, tặng học bổng, giúp đỡ người nghèo, người khuyết tật, đồng bào bị thiên tai, quyên góp xây dựng Quỹ phòng, chống Covid - 19.
Báo chí nước ta đã có bước phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ về số lượng và chất lượng, với hơn 45.000 lao động làm việc tại các cơ quan báo chí, trong đó hơn 20.000 nhà báo được cấp thẻ hành nghề. Đa số những người làm báo đã không ngừng học tập nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nêu cao đạo đức nghề nghiệp, có tinh thần cống hiến, làm nghề vì lợi ích của đất nước và nhân dân.
Trong 5 năm (2016-2020), đã hỗ trợ sáng tạo hơn 14.000 tác phẩm báo chí chất lượng cao ở Trung ương và các địa phương. Hội Nhà báo tất cả các tỉnh, thành phố đều đã có tác phẩm tham dự Giải Báo chí quốc gia. Công tác tổ chức Giải được thực hiện bài bản từ cơ sở. Số lượng tác phẩm của các địa phương đoạt giải hằng năm chiếm hơn 50% số lượng địa phương dự giải, hội viên nhà báo tích cực tìm tòi, phát hiện nhiều đề tài mới, có giá trị. Nhiều tác phẩm đoạt giải có phương thức thể hiện mới và sử dụng có hiệu quả các công nghệ làm báo hiện đại.
Gần 300 Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam từ cấp Trung ương đến các cấp hội trực thuộc được thành lập và đã đi vào hoạt động, lên tiếng kịp thời phối hợp với các cơ quan chức năng, các địa phương thực hiện nhiều biện pháp cần thiết xử lý nghiêm minh các hành vi cản trở, đe dọa, hành hung, xúc phạm các nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp hội viên.
Trong nhiệm kỳ đã kết nạp 7.109 hội viên mới, bình quân mỗi năm kết nạp gần 1.500 hội viên. Hội đã ban hành Quyết định số 979-QĐ/HNBVN ngày 16/4/2018 về chế độ sinh hoạt Hội với những hội viên là phóng viên thường trú tại địa phương, nhằm tăng cường công tác quản lý hội viên, kịp thời phát hiện và ngăn chặn hội viên vi phạm.
Thẳng thắn chỉ ra những hạn chế
Tuy nhiên, nhiệm kỳ vừa qua Hội Nhà báo Việt Nam cũng như hoạt động của các cấp địa phương vẫn còn những mặt hạn chế được Đại hội thẳng thắn chỉ ra như: Chưa thực sự chú trọng công tác giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức nghề nghiệp. Một số tổ chức hội thiếu năng động sáng tạo, người đứng đầu thiếu nhiệt tình với công tác hội nên hoạt động hội thiếu sức sống, chưa hiệu quả, chưa tập hợp và thu hút được hội viên.
Một số cấp hội, cơ quan báo chí chưa quan tâm đúng mức công tác xây dựng Đảng, công tác tổ chức cán bộ; chưa chú trọng việc rèn luyện bản lĩnh chính trị, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nêu cao đạo đức nghề nghiệp. Một bộ phận hội viên thiếu tinh thần tự học, bồi dưỡng, chưa đáp ứng được yêu cầu tác nghiệp báo chí trong môi trường truyền thông kỹ thuật số.
Cơ quan Trung ương Hội vẫn còn một số hạn chế, thiếu sót trong sắp xếp tổ chức bộ máy, xây dựng đoàn kết nội bộ. Có lúc chưa phối hợp chặt chẽ để đảm bảo thống nhất trong việc xây dựng tổ chức đảng của Cơ quan Trung ương Hội thực sự trong sạch, vững mạnh, đoàn kết.
Một số cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ mục đích, chưa chú trọng việc nêu gương, biểu dương, cổ vũ nhân tố mới, điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt, sa đà vào thông tin về mặt trái của xã hội, thiếu tính nhân văn, phản giáo dục; một số ít người làm báo lợi dụng danh nghĩa báo chí để vụ lợi, vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, một số nhà báo tham gia mạng xã hội thiếu chuẩn mực và thiếu trách nhiệm; tình trạng vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ, bản quyền; tình trạng "báo hóa tạp chí và trang thông tin điện tử" chậm được khắc phục.
Việc tổ chức quán triệt, thực hiện Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo, đặc biệt là Quy tắc sử dụng mạng xã hội của một số tổ chức Hội chưa nghiêm. Trách nhiệm giáo dục chính trị, tư tưởng, phẩm chất đạo đức, quản lý hội viên của một số cấp Hội chưa cao. Không ít trường hợp hội viên, nhà báo vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật, có hội viên bị thu hồi thẻ và xử lý về hình sự. Quản lý hội viên ở các cơ quan thường trú, văn phòng đại diện ở một số địa phương còn bị buông lỏng.
Báo chí với trách nhiệm nặng nề nhưng vẻ vang
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, ông Võ Văn Thưởng ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực cũng như những đóng góp tích cực về nhiều mặt của báo chí trong nhiều năm qua. Bên cạnh đó ông Võ Văn Thưởng cũng chỉ ra không ít những hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm của báo chí hiện nay. Tuy nhiên ông cũng khẳng định báo chí với trách nhiệm nặng nề nhưng vẻ vang.
Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đang bước vào giai đoạn phát triển mới. Bên cạnh những thời cơ to lớn, chúng ta cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường. Đại dịch Covid -19 đã ảnh hưởng lớn đến phục hồi và phát triển kinh tế, đến đời sống nhân dân. Thành tựu khoa học - công nghệ đã làm cho báo chí có bước phát triển vượt bậc, song cũng tác động ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của báo chí truyền thống, báo chí truyền thống phải đối mặt với những thách thức từ truyền thông xã hội... Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị vẫn tiếp tục chống phá chúng ta bằng những âm mưu, thủ đoạn thâm độc, tinh vi, xảo quyệt - ông Võ Văn Thưởng nhận định.
Bối cảnh trên đặt ra cho Báo chí cách mạng nước ta và Hội Nhà báo Việt Nam những nhiệm vụ nặng nề, nhưng cũng rất vẻ vang trên chặng đường đi tới. Báo chí phải tiếp tục đổi mới mình, thật sự trở thành kênh thông tin chính xác, kịp thời, có sức mạnh, tầm ảnh hưởng sâu rộng và trách nhiệm cao hơn nữa trong xã hội. Để Hội Nhà báo hoàn thành tốt nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới, ông Võ Văn Thưởng đã nêu một số nội dung có tính chất gợi mở để Đại hội cùng suy nghĩ.
Sự nghiệp cách mạng, công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước trong giai đoạn lịch sử mới đang đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ mới hết sức nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang cho giới báo chí cả nước. Tôi tin tưởng rằng, với truyền thống trung thành với Đảng, gắn bó với dân tộc và nhân dân, đội ngũ những người làm báo Việt Nam hôm nay sẽ ngày càng lớn mạnh, không ngừng nâng cao về phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp, hoàn thành sứ mệnh cao cả, là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng – văn hóa của Đảng; tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam ngày càng xứng đáng là tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp, là ngôi nhà chung tập hợp, đoàn kết những người làm báo cả nước – ông Võ Văn Thưởng tin tưởng/.
Đại hội đã bầu: 52 Đại biểu vào Ban chấp hành nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban kiểm tra gồm 15 người, Ban Thường vụ gồm 12 người.
Ông Lê Quốc Minh được bầu làm Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Danh sách Ban chấp hành nhiệm kỳ 2020 - 2025
Từ 63 ứng viên, Đại hội đã bầu 52 nhân sự tham gia Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khoá XI.
1. Lê Quốc Minh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Tổng Biên tập Báo Nhân Dân
2. Đoàn Xuân Bộ - Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân
3. Nguyễn Đức Nam - Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng; Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Đà Nẵng
4. Lê Ngọc Quang - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam
5. Phạm Mạnh Hùng - Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; Chủ tịch Liên Chi hội Nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam
6. Vũ Việt Trang - Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam; Chủ tịch Liên Chi hội Nhà báo Thông tấn xã Việt Nam
7. Đoàn Minh Huấn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản
8. Phạm Quang Khải - Tổng Biên tập Báo Công an nhân dân; Phó Chủ tịch Thường trực Liên Chi hội Nhà báo Bộ Công an nhân dân.
9. Trương Văn Chuyển - Tổng Biên tập Báo Cần Thơ; Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Cần Thơ
10. Lê Quang Minh - Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội
11. Đào Phạm Hoàng Quyên - Tổng Biên tập Báo Phú Yên; Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Phú Yên
12. Vũ Xuân Trường - Giám đốc Đài PT-TH Tây Ninh; Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Tây Ninh
13. Mai Vũ Tuấn - Giám đốc Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh; Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh
14. Nguyễn Ngọc Hiển - Tổng Biên tập Báo Lao Động
15. Trần Trọng Dũng - Chủ tịch Hội Nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh
16. Lê Thanh Tuấn - Giám đốc Đài PT-TH Vĩnh Long, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Vĩnh Long
17. Tạ Thị Bích Loan - Chủ tịch Liên Chi hội Nhà báo Đài Truyền hình Việt Nam; Trưởng Ban Sản xuất các chương trình Giải trí
18. Nguyễn Ngọc Toàn - Tổng Biên tập Báo Thanh Niên
19. Nguyễn Ngọc Ánh - Tổng Biên tập Báo Hải Phòng; Phó Chủ tịch Hội Nhà báo thành Phố Hải Phòng
20. Lê Hồng Phước - Giám đốc Đài PT-TH Long An, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Long An
21. Trần Nam Đông - Giám đốc Đài PT-TH Đồng Nai
22. Nguyễn Thi Hồng Hạnh - Tổng Biên tập Báo Thừa Thiên Huế, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Thừa Thiên Huế
23. Vũ Xuân Chường - Tổng Biên tập Báo Phú Thọ, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Phú Thọ
24. Nguyễn Thanh Dũng - Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Cà Mau
25. Tăng Chí Huấn - Giám đốc Đài PT-TH Trà Vinh, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Trà Vinh
26. Trương Đức Minh Tứ - Tổng Biên tập Báo Quảng Trị; Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Quảng Trị
27. Đinh Xuân Toản – Tổng Biên tập Báo Đắk Lắk, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Đắk Lắk
28. Phạm Anh Tuấn – Tổng Biên tập Báo Vietnamnet; Chủ tịch Liên chi hội Nhà báo Thông tin và Truyền thông
29. Nguyễn Thị Thục Hạnh – Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Việt Nam
30. Nguyễn Tấn Phong – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo TP.Hồ Chí Minh
31. Lã Minh Tuấn – Tổng Biên tập Báo Sơn La, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Sơn La
32. Nguyễn Kim Tôn – Giám đốc Trung tâm PT-TH Quân đội
33. Nguyễn Hồng Sâm – Tổng Giám đốc Cổng Thông tin điện tử Chính phủ
34. Đoàn Minh Long – Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Khánh Hoà
35. Lê Xuân Sơn - Tổng Biên tập Báo Tiền Phong
36. Trịnh Văn Ánh – Tổng Biên tập Báo Bắc Giang; Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Bắc Giang.
37.Nguyễn Mạnh Tuấn - Tổng Biên tập Báo Hoà Bình; Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình
38. Nguyễn Bảo Lâm – Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên
39. Nguyễn Xuân Hải – Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Hà Tĩnh
40.Phạm Ngọc Hân – Tổng Biên tập Báo Điện Biên Phủ; Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Điện Biên
41. Nguyễn Thị Trường Giang – Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền
42. Nguyễn Đức Lợi – Nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam
43. Nguyễn Thành Lợi – Tổng Biên tập Tạp chí Người làm báo Việt Nam
44. Nguyễn Ngọc Thạch – Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam
45. Hà Ngọc Văn – Tổng Biên tập Báo Yên Bái; Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Yên Bái
46. Trần Thái Sơn – Phó trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam
47. Đặng Thị Thu Hương – Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Đại học KHXHNV
48. Phạm Đức Thái – Uỷ viên Ban Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
49. Phan Toàn Thắng – Quyền Chánh văn phòng Hội Nhà báo Việt Nam
50. Tạ Đình Nghĩa - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Sóc Trăng
51. Mai Ngọc Quỳnh - Ủy viên BCH Hội Nhà báo tỉnh Hà Giang; Phó Tổng Biên tập Báo Hà Giang
52. Tô Quang Phán - Chủ tịch Hội Nhà báo Thành phố Hà Nội