(Tổ Quốc) - Loạt bài "Phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô Hà Nội nhìn từ Hồ Tây" của Báo điện tử Tổ Quốc đoạt giải C Giải báo chí về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh lần thứ V - năm 2022.
Tối 2/10, tại Đoan Môn - Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội đã diễn ra Lễ trao Giải báo chí về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh lần thứ V - năm 2022. Lễ trao Giải là một trong những hoạt động có ý nghĩa quan trọng, thiết thực kỷ niệm 68 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2022).
Dự Lễ trao giảo có ông Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Lê Quốc Minh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội; ông Chử Xuân Dũng, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội cùng nhiều lãnh đạo Bộ, ban ngành Trung ương, thành phố...
Theo Ban tổ chức Giải báo chí về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh lần thứ V, năm 2022, sau một năm tổ chức thực hiện, Giải Báo chí về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, lần thứ V – năm 2022 tiếp tục thu hút được sự quan tâm hưởng ứng của đông đảo phóng viên và các cơ quan báo chí.
Cụ thể, Ban Tổ chức Giải đã tiếp nhận 265 tác phẩm của 40 đơn vị, cơ quan báo chí; trong đó có 96 tác phẩm báo in, 113 tác phẩm báo điện tử, 17 tác phẩm phát thanh, 39 tác phẩm truyền hình.
Với tinh thần khách quan, công tâm và trách nhiệm cao, Hội đồng chấm Giải Báo chí về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh lần thứ V – năm 2022 đã thống nhất bình chọn được 02 cơ quan báo chí đồng hạng xuất sắc và 33 tác phẩm báo chí xuất sắc nhất để trao Giải, trong đó có 03 Giải A, 05 Giải B, 10 Giải C, 15 Giải Khuyến khích.
Ban tổ chức Giải báo chí về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh khẳng định, những kết quả đạt được thể hiện tình yêu và tinh thần lao động nghiêm túc, sáng tạo, trách nhiệm của người làm báo đối với Thủ đô Hà Nội.
Theo đánh giá của Hội đồng chấm Giải, năm nay các tác phẩm báo chí dự thi có nội dung và hình thức thể hiện phong phú, đa dạng, chất lượng đồng đều hơn. Nhiều tác phẩm báo chí được chuẩn bị công phu, bám sát thực tiễn, phản ánh đúng, trúng và kịp thời các vấn đề trong phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực trong xã hội.
Báo điện tử Tổ Quốc giành 1 giải C với loạt bài "Phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô Hà Nội nhìn từ Hồ Tây" của nhóm tác giả Ngô Thị Đào, Nguyễn Việt Hùng, Nguyễn Giang Nam.
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng năm 2021, trong bài phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Đảng ta xác định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta. Nói sâu sắc, ngắn gọn như Bác Hồ là: "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi"!
Thủ đô Hà Nội – trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học, kinh tế lớn của cả nước, "nơi lắng hồn núi sông", là Thành phố vì hòa bình, "Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người"… nhiều năm qua đã đạt nhiều thành tựu phát triển về văn hóa và cơ sở hạ tầng, tăng cường các thiết chế văn hóa, góp phần nâng cao mức thụ hưởng văn hóa cho nhân dân và tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch trong cả nước và trên toàn thế giới.
Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" đặt mục tiêu, đến năm 2030, ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô cơ bản trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác và phấn đấu doanh thu từ các ngành công nghiệp văn hóa tăng dần qua từng năm, đóng góp khoảng 8% GRDP của Thành phố.
Góp sức cho mục tiêu này, khu vực Hồ Tây được đánh giá có rất nhiều tiềm năng phát triển. Đặc biệt khu vực bán đảo Quảng An với vị trí trung tâm, tập trung nhiều di tích lịch sử văn hóa mang đặc trưng bản sắc Thăng Long – Hà Nội nếu được khai thác, phát triển hợp lý sẽ mang lại giá trị to lớn về du lịch và văn hóa cho Thủ đô.
Với góc nhìn như vậy, Báo điện tử Tổ Quốc thực hiện tuyến bài viết "Phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô Hà Nội nhìn từ Hồ Tây" với những phân tích, kiến giải của các chuyên gia, kiến trúc sư, những phân tích cụ thể về quy hoạch, kiến trúc, kinh tế- xã hội, công nghiệp văn hóa, du lịch… để góp thêm góc nhìn đa chiều về khu vực đầy tiềm năng này.