(Tổ Quốc) - Sáng 16/5, Ủy ban Dân tộc, Viện tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng cùng Nhóm hành động vì Công lý, Môi trường và Sức khỏe phối hợp tổ chức Hội thảo Amiăng trắng và sức khỏe cộng đồng. Trong dịp này, BTC cũng đã tổng kết và trao giải cuộc thi Tác hại tiềm ẩn của Amiăng và sức khỏe cộng đồng.
Amiăng được biết đến là một trong những chất gây ung thư nhiều nhất đối với con người nhưng vẫn được sử dụng rất nhiều. Mười năm trở lại đây, Việt Nam là một trong 5 nước sử dụng Amiăng nhiều nhất thế giới.
Tại Việt Nam, Amiăng được dùng để sản xuất tấm lợp Fibro-ximăng và được xem như là loại chất lợp rẻ tiền, dễ sản xuất và sử dụng. Bên cạnh đó, Amiăng còn được sử dụng rộng rãi để sản xuất các loại vật liệu chống cháy, cách âm, cách nhiệt dùng trong xây dựng, đóng tàu biển, chế tạo vỏ bọc cho các thiết bị chịu nhiệt, các đường ống ngầm…
Phần lớn các gia đình miền núi Việt Nam đều dùng tấm lợp Fibro-ximăng làm mái nhà
Tuy nhiên, từ những năm 1980, tính độc hại và khả năng gây ra một số dạng ung thư của Amiăng dã được phát hiện và cảnh báo. Amiăng trắng được khẳng định là có hại cho sức khỏe, chủ yếu là xâm nhập qua đường hô hấp.
Người tiếp xúc thường xuyên với Amiăng có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến phổi, ung thư biểu mô, thanh quản… Trong đó, những nơi sử dụng vật liệu có chứa Amiăng phổ biến là vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Amiăng (kể cả Amiăng trắng), là một trong những chất gây ung thư nghề nghiệp, là nguyên nhân gây ung thư phổi, ung thư trung biểu mô, bệnh bụi phổi Amiăng, ung thư vòm họng và ung thư buồng trứng. Hàng năm thế giới có trên 107.000 người chết vì các bệnh ung thư này.
Trước những hậu quả về sức khỏe, tính mạng do Amiăng gây ra, WHO thống kê (đến tháng 7/2017) đã có 64 nước cấm sử dụng Amiăng toàn bộ hoặc một phần, 56 nước cấm hoàn toàn Amiăng trong sản xuất và sử dụng. Tuy nhiên còn nhiều nước vẫn chưa quyết liệt trong hành động không sử dụng Amiăng, trong đó có Việt Nam.
Trước thực trạng này, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã xây dựng một lộ trình dừng sử dụng Amiăng trắng để chấm dứt sản xuất tấm lợp Amiăng, chậm nhất là năm 2023.
PGS.TS Bùi Thị An phát biểu tại Hội thảo
Cùng tiến trình này, Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng (đại diện cho Nhóm hành động vì Công lý, Môi trường và Sức khỏe gồm 5 tổ chức xã hội) đã đề nghị Ủy ban Dân tộc cùng phối hợp thực hiện các hoạt động tuyên truyền về tác hại của Amiăng tới sức khỏe con người, đặc biệt là đồng bào vùng dân tộc thiểu số.
Chia sẻ tại Hội thảo, các ý kiến đều chỉ rõ tác hại của Amiăng trắng tới sức khỏe của cộng đồng và các bệnh liên quan đến Amiăng, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số… Hội thảo cũng cung cấp thông tin về các giải pháp thay thế vật liệu này, tình hình vận động ngừng sử dụng Amiăng trắng ở Việt Nam và trên thế giới.
Các ý kiến đưa ra tại Hội thảo góp phần nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt những người đang sinh sống tại các vùng sử dụng Amiăng nhiều nhất, về tác hại của Amiăng trắng tới sức khỏe. Từ đó giúp mọi người tìm hiểu về các tấm lợp thay thế để giảm thiểu tác hại, giúp người dân có điều kiện tốt hơn để tiếp cận, sử dụng các vật liệu thay thế tấm lợp có hợp chất Amiăng.
Trong khuôn khổ Hội thảo, BTC đã ghi nhận những bài viết về Amiăng với chủ đề "Tác hại tiềm ẩn của Amiăng và sức khỏe cộng đồng". Phát động từ tháng 8/2018 đến tháng 5/2019, BTC đã nhận được nhiều tin bài viết của các tác giả, phóng viên trên nhiều kênh thông tin với những bài viết chất lượng, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của Amiăng với sức khỏe.
Để động viên các tác giả có những bài viết hay, đóng góp trong việc tuyên truyền về tác hại của Amiăng với sức khỏe cộng đồng, BTC đã trao các phần thưởng cho các tác giả, nhà báo đến từ các cơ quan báo chí: giải Nhất thuộc về tác giả Phạm Xuân Hùng công tác tại báo VTV2; 3 giải Nhì được trao cho các tác giả, nhà báo từ Truyền hình TTXVN, báo Công thương, báo Cựu chiến binh; 4 giải Ba được trao cho các nhà báo từ tạp chí Lao động công đoàn, Truyền hình TTXVN, báo Biên phòng, báo Cựu chiến binh; và 3 giải Khuyến khích được trao cho các tác giả từ báo Điện tử Tổ Quốc, báo Biên phòng và báo Tin tức-TTXVN.