• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bạo hành trẻ em: Xin đừng tiếp tay cho sự vô cảm và tàn nhẫn với thế hệ sau

Thời sự 29/11/2017 08:09

(Tổ Quốc) -Chỉ trong một thời gian ngắn, clip người giúp việc bạo hành trẻ mới hơn một tháng tuổi còn chưa khiến dư luận nguôi ngoai thì clip bạo hành trẻ tại cơ sở giáo dục Mầm Xanh TP. Hồ Chí Minh lại xuất hiện với mức độ nặng nề và rộng hơn.

Hẳn nhiều người đã không còn đủ can đảm và sức chịu đựng để xem trọn vẹn clip bạo hành trẻ em trong những ngày vừa qua. Bởi bất cứ một lý do nào có thể được đưa ra, có thể đổ tội, thì một thực tế mà ai cũng phải thừa nhận sự thật không ai muốn tin và xảy ra: những đứa trẻ đã bị bạo hành.

Những đứa trẻ mà mới chỉ hơn một tháng tuổi chỉ có thể có những phản xạ theo bản năng chứ không phải ý thức, khó chịu – khóc, đói – khóc, no quá – khóc, lạnh – khóc, nóng – khóc… nghĩa là tất cả mọi sự biểu đạt được thể hiện qua tiếng khóc. Cho đến những đứa trẻ lớn hơn, vài ba tuổi đã có ý thức hơn về nề nếp, sự trừng phạt… nhưng cho dù thế nào thì đó vẫn là trẻ con, không có sự chống đỡ, phản kháng, không thể tự bảo vệ được bản thân. Đánh một kẻ mà họ không có sức chống đỡ đã là hèn. Đằng này không phải đánh mà là bạo hành trẻ em vốn được ví như búp trên cành, là thế hệ tương lai, là kết tinh tình yêu thương  của mỗi gia đình… thì quả thật quá đau xót, không thể tha thứ và chấp nhận được.

Trẻ hơn 1 tháng tuổi bị bạo hành. Ảnh cắt từ clip/trí thức trẻ

Nhìn những hình ảnh đầy nước mắt thương tâm của trẻ em, nhiều người bỗng tự hỏi tại sao con người lại có thể vô cảm đến vậy. Họ cũng từng làm mẹ, từng có lúc yêu con quá đỗi mà đôi khi chỉ vì một vấp ngã thường tình cũng đổ vấy cho kẻ ngoại đạo, từng đau xót khi nhìn thấy một vết xước nhỏ trên người con… vậy mà chỉ rời vòng tay của gia đình, các con đã phải hứng chịu những đau đớn, bạo hành quá sức. Những hình ảnh này người lớn dù chỉ xem một lần nhưng có sức ám ảnh như thước phim được tua đi tua lại trong  đầu bởi nỗi bất an, lo lắng, mất niềm tin của không ít các bậc cha mẹ.

Cuộc sống ngày một bận rộn, đời sống cũng được nâng lên, tình trạng đô thị hóa, những gia đình hạt nhân có xu hướng tăng lên, nên nhu cầu chăm sóc và trông trẻ là một nhu cầu có thật nhưng đang tồn tại rất nhiều bất cập. Với trẻ vài tháng tuổi còn chăm sóc tại gia đình thì người giúp việc kiêm luôn trông trẻ. Họ không có nghiệp vụ, kỹ năng về chăm sóc trẻ, có chăng chỉ là một số kinh nghiệm đã từng chăm sóc trẻ. Trường tư thục mọc lên ồ ạt, chất lượng đầu vào một số cơ sở đào tạo mầm non quá dễ dàng, nên chất lượng đầu ra không đảm bảo. Hẳn không ít người lựa chọn việc trông trẻ bởi mưu sinh với cơm áo gạo tiền hơn là tình yêu trẻ. Phải chăng những dã tâm, sự lạnh lùng vô cảm, tàn bạo cộng với những mệt mỏi, áp lực tinh thần của cuộc sống hiện đại họ đã trút lên đầu những đứa trẻ ngây thơ vô tội?.

Chắc hẳn những clip phanh phui câu chuyện bạo hành trẻ em thời gian qua là nằm ngoài kiểm soát của kẻ bạo hành. Bởi theo thông tin được biết cơ sở giáo dục Mầm xanh TP. Hồ Chí Minh cũng vừa có đoàn kiểm tra đến nhưng không phát hiện bạo hành trẻ. Phải đến khi những thiết bị được bí mật quay thì nhiều hình ảnh chân thực đầy phẫn nộ mới bị phát giác. Và liệu còn bao nhiêu đứa trẻ nữa đã và đang “sống chung với bạo hành” mà chưa được đưa ra ánh sáng để ngăn chặn?. Liệu cái giá của những kẻ bạo hành trẻ em phải trả có đủ sức răn đe và ngăn chặn tình trạng bạo hành trẻ em không?. Liệu trường của con mình đang theo học có bạo hành như vậy không?.

Những hình ảnh đầy đau xót từ một lớp mẫu giáo. Ảnh: vtc.vn

Gần đây, chúng ta phải chứng kiến không ít những hình ảnh phản cảm, đầy bức xúc, phẫn nộ về bạo lực học đường. Vậy từ đâu mà tình trạng này lại diễn ra ngày một trầm trọng đến vậy?. Có phải vì những năm tháng ấu thơ các em bị chứng kiến, bị đối xử bằng bạo lực nên mọi mâu thuẫn sau này cũng được các em giải quyết bằng bạo lực không?. Sự phỏng đoán này có thể đúng, có thể sai. Nhưng rõ ràng câu chuyện bạo lực trẻ em ở đây không chỉ là những tổn thương thể xác mà còn cả tổn thương tinh thần. Trẻ em sẽ phát triển với quan niệm và hành xử lệch lạc, hoặc chấp nhận thiệt thòi chịu đòn, hoặc bắt chước hành động bạo lực.  

Có ý kiến cho rằng cần phải lắp tất cả camera ở tất cả các cơ sở trường mầm non để ngăn chặn nạn bạo hành trẻ em.  Tuy nhiên, việc lắp đặt này có thể chỉ  giảm bớt phần nào tình trạng bạo hành trẻ em, bởi đây là giải quyết phần ngọn chứ không phải phần gốc. Camera có thể dễ dàng bị vô hiệu hóa, qua mặt, hoặc không được bật lên, bị hỏng, hoặc không thể theo sát đứa trẻ mọi nơi…  Cái gốc của vấn đề bền vững chỉ có thể xuất phát từ sự yêu thương ở những người thầy cô mà cha mẹ, xã hội đặt niềm tin, trao trọng trách trông giữ, chăm sóc con em mình. Giáo dục mầm non phải được xác định là bước rất quan trọng, có ý nghĩa nền tảng cho sự phát triển nhân cách, tâm hồn và thể xác của con người chứ không đơn thuần là gửi trẻ một nơi để đỡ ảnh hưởng đến mưu sinh của cha mẹ. Từ đó chú trọng hơn chất lượng của giáo viên mầm non.

Giáo dục trẻ bằng roi vọt là một sự bất lực trong giáo dục. Xin đừng tiếp tay tạo ra thế hệ vô cảm với đồng loại.  Xin đừng để tình yêu thương trẻ em là thứ xa xỉ.

Nhị Xuân

NỔI BẬT TRANG CHỦ