(Tổ Quốc) - Khi nói về các vụ bạo hành y tế diễn ra thời gian qua, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu – Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã cho rằng, nguyên nhân cốt lõi là do quá tải bệnh viện dẫn đến bức xúc cho người dân, từ đó xảy ra các vụ việc hành hung y, bác sỹ.
Quá tải, tiêu cực dẫn đến bạo lực?
Tại một buổi giao lưu trực tuyến mới đây, có ý kiến đã cho rằng, nguyên nhân sâu xa dẫn đến các vụ việc hành hung y bác sỹ thời gian qua là do chi phí y tế của Việt Nam rất thấp, các bệnh viện hoạt động không có lãi.
Có thời điểm quá tải bệnh viện, một giường bệnh được bố trí từ 2 - 3 bệnh nhân. Ảnh minh họa. |
Việc này dẫn đến các hoạt động y tế chắp vá, trang thiết bị lạc hậu, đội ngũ nhân viên y tế không được trả công tương xứng với lao động, các dịch vụ trong bệnh viện trở nên tạm bợ và tạo ra quá tải, tiêu cực gây bức xúc cho người dân dẫn đến những hành vi bạo lực.
Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu khẳng đinh: “Đây chính là cốt lõi của vấn đề. Tuy nhiên, không chỉ mình ngành Y giải quyết được vì đây là vấn đề của toàn xã hội. Ở các xã hội phát triển, chi phí cho y tế và giáo dục luôn nhận được sự quan tâm lớn của tất cả các chính phủ như một tiêu chí để tranh cử. Chính vì vậy, chi phí cho y tế giáo dục luôn ở mức cao nhất.”
Cũng theo PGS.TS Hiếu, vừa qua, Nghị quyết TW 6 đã nhấn mạnh đến đầu tư và chi phí cho y tế với rất nhiều hướng đi mở. Tôi hy vọng, Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan cần sớm đưa ra các nghị định và quy định cụ thể nhằm nâng cao chi phí cho y tế, đặc biệt là ở các tuyến cơ sở.
PGS.TS Hiếu nhấn mạnh: “Riêng ý kiến cá nhân tôi, cần có một giải pháp tổng thể trong việc phát triển y tế, không để y tế phát triển chạy theo các kỹ thuật cao, chỉ chú ý đến lợi ích kinh tế của từng bệnh viện mà không có chiến lược chăm sóc sức khoẻ cho toàn dân.”
Xóa bỏ phân tuyến – giải pháp giảm bạo hành y tế
Khi nói về nguyên nhân dẫn đến quá tải bệnh viện và giảm chất lượng khám chữa bệnh, nhiều ý kiến nhận định đó là do phân tuyến kỹ thuật. Trên thực tế đã xảy ra tình trạng phân bố không đều bệnh nhân giữa các bệnh viện, bệnh nhân và bác sỹ có xu hướng bỏ bệnh viện nhỏ tuyến trước để về các bệnh viện lớn tuyến sau.
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - người đã nhiều lần lên tiếng trước Quốc hội về vấn đề bạo hành y tế. |
Trao đổi về vấn đề này, TS.BS Võ Xuân Sơn – Phòng khám Quốc tế EXSON (TP.Hồ Chí Minh) cho hay: “Với sự phát triển về kinh tế và khả năng của ngành y tế thì việc phân tuyến trở thành một rào cản cho ngành y. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã nỗ lực để phát triển các tuyến cho phù hợp, bất kể tuyến nào mà có đủ điều kiện để làm được các kỹ thuật ở tuyến cao hơn thì đều được phép.”
Tuy nhiên, vấn đề tương đối chưa bình đẳng lắm là về đầu tư. Tuyến Trung ương do Nhà nước đầu tư, tỉnh do tỉnh đầu tư, huyện do huyện đầu tư. Hiện tại bệnh viện tuyến Trung ương đã được đầu tư rất tốt, còn ở các bệnh viện tỉnh và huyện thì tùy thuộc vào sự quan tâm của lãnh đạo địa phương.
Theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu: “Chúng ta không thể phát triển y tế theo hình "quả chôm chôm", có nghĩa là bệnh viện nào cũng phát triển tất cả các mũi nhọn, cần phát triển hệ thống y tế cơ sở với nền tảng vững chắc, trong một khu vực không có quá nhiều các bệnh viện cùng phát triển các kỹ thuật cao tương tự như nhau.”
PGS.TS Hiếu cho rằng, hiện nay, nỗi lo lớn nhất của ngành y tế không phải là thiếu phương tiện thuốc men mà là thiếu yếu tố con người. Sự tôn trọng các chỉ định điều trị cũng như sự an toàn của người bệnh đang bị rất nhiều các bác sĩ bỏ qua vì chạy theo số lượng cũng như danh tiếng của các bệnh viện mình. Về lâu dài, cần xoá bỏ các tuyến, phát triển các bệnh viện khu vực có trình độ đồng đều.
Thế Công (ghi)