• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bảo kê hoạt động tín dụng đen: Bộ trưởng Công an Tô Lâm nói gì?

Kinh tế 15/08/2019 15:34

(Tổ Quốc) - Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, quan điểm của Bộ Công an là xử lý nghiêm nếu phát hiện ra tình trạng bảo kê cho hoạt động tín dụng đen.

Chiều 15/8, trả lời chất vấn của ĐBQH Nguyễn Thị Yến (đoàn Vũng Tàu) về tình trạng tín dụng đen, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, đây là vấn đề gây bức xúc xã hội và cũng đã được nhiều đại biểu quan tâm, chất vấn, dư luận xã hội cũng rất quan tâm. 

Bộ Công an cũng đã nhiều lần báo cáo và đưa ra nhiều giải pháp khắc phục tình trạng này, trong đó có việc tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 12 giải quyết những vấn đề tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen hiện nay đang được tổ chức thực hiện. Trong chỉ thị này có phân công cụ thể các cấp các ngành thực hiện và Bộ Công an cũng có kế hoạch chuyên đề riêng để phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm này. 

Kết quả, riêng 6 tháng đầu năm 2019, lực lượng công an đã khởi tố 436 vụ và 766 bị can về các tội danh liên quan đến hoạt động tín dụng đen, bảo kê, đòi nợ thuê. Trong đó đã khởi tố 214 vụ và 947 bị can vì tội danh liên quan đến tín dụng đen, cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự và áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ cũng như làm tan rã nhiều băng nhóm hoạt động tín dụng đen trên toàn quốc (khoảng 1400 đường dây, tổ chức, đường dây cho vay nặng lãi có liên quan đến hoạt động tín dụng đen). 

68755992_700424213754176_1367991807270453248_n

Bộ trưởng Công an Tô Lâm trả lời chất vấn về tình trạng hoạt động tín dụng đen. Ảnh chụp màn hình: Nam Nguyễn

"Do trấn áp mạnh nên nhiều hoạt động liên quan đến tín dụng đen đã được kiềm chế, làm giảm tính phức tạp so với trước đây. Nhiều chỗ đã tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Người dân cũng đã cảnh giác hơn nên hoạt động này đã giảm", Bộ trưởng Công an thông tin. 

Dù vậy, người đứng đầu ngành công an cũng cho biết, hoạt động bảo kê, tín dụng đen vẫn còn diễn biến phức tạp, có nơi vẫn còn gây lo lắng trong nhân dân như các ĐBQH đã phản ánh. Đáng lưu ý là hoạt động cho vay ngang hàng qua internet. Đây là loại tín dụng đen biến tướng sử dụng qua không gian mạng, đang có chiều hướng gia tăng và rất khó kiểm soát.

Về nguyên nhân, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, do nhu cầu cho vay sử dụng tín dụng, thậm chí sử dụng tín dụng đen trong nhân dân vẫn còn. Việc xử lý tội phạm liên quan đến tín dụng đen hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn do các đối tượng có nhiều thủ đoạn lách luật...

Về giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Công an cho biết sẽ duy trì khí thế tấn công trấn át mạnh mẽ tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen theo kế hoạch đã đề ra. Đặc biệt, không để chủ quan, trùng xuống trong khi việc xử lý đang trên đà thực thi rất tốt.

"Lực lượng công an sẽ tiếp tục kiểm soát, lên danh sách để triệt phá các băng nhóm, hoạt động tín dụng đen, bảo kê, đòi nợ thuê từ ngay khi mới hình thành, không để hình thành các tổ chức tội phạm. Điều tra xử lý nghiêm các hoạt động liên quan đến các hoạt động tín dụng đen", Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh. 

Theo Bộ trưởng, vừa qua, để xử lý vấn đề này, lực lượng công an trên toàn quốc, nhiều địa phương cũng đã tham gia tích cực. Đặc biệt, sự phối hợp của ngành ngân hàng rất tốt. Ngân hàng đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận được vốn vay ngân hàng, góp phần xóa bỏ nạn tín dụng đen. 

Trả lời có hay không có bảo kê cho tín dụng đen, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, qua điều tra, đến nay chưa phát hiện trường hợp nào bao che, bảo kê cho hoạt động tín dụng đen, kể cả trong lực lượng công an. 

"Quan điểm của chúng tôi là xử lý nghiêm nếu phát hiện ra tình trạng này, không có vùng cấm", Bộ trưởng nhấn mạnh. 

4.000 website bán hàng điện tử chưa được đăng ký

Liên quan đến sản xuất hàng giả, hàng nhái, giả nguồn gốc xuất xứ, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, hiện tình trạng này đang có chiều hướng gia tăng với nhiều phương thức, thủ đoạn đa dạng. Các hoạt động sản xuất hàng giả, hàng cấm đang có diễn biến phức tạp. Nhất là tình trạng lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để thực hiện hành vi này. Theo Bộ trưởng, đây là vấn đề mới và cũng rất khó khăn trong việc đấu tranh, quản lý. 

Theo thống kê, hiện có hơn 4.000 website bán hàng điện tử chưa được đăng ký. "Nên rất khó khăn trong quản lý thương mại điện tử", Bộ trưởng Công an cho hay. 


Hà Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ