(Tổ Quốc) - "Bạo lực giới là thực trạng hiện diện ở mọi nơi và xảy ra với mọi cá nhân không phân biệt tuổi tác hay trình độ. Bạo lực giới tại trường học và khuôn viên trường đại học bao gồm quấy rối tình dục không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, tâm lý của người bị bạo lực mà còn ảnh hưởng tới chất lượng nền giáo dục, nguồn nhân lực và kinh tế của quốc gia…", bà Lê Thị Lan Phương, cán bộ quản lý chương trình, UN Women nhấn mạnh.
Những rủi ro và hình thức bạo lực mà phụ nữ và trẻ em gái phải đối mặt thay đổi trong suốt cuộc đời, cũng như các mối quan hệ và hoàn cảnh của họ. Khuôn viên trường đại học tạo ra một loạt rủi ro riêng cho phụ nữ bao gồm tiếp xúc và trải nghiệm bạo lực như tấn công tình dục, rình rập, bạo lực bạn tình / bạo lực hẹn hò và quấy rối tình dục.
Những số liệu từ nghiên cứu trên toàn cầu cho thấy bạo lực đối với phụ nữ là một vấn đề nghiêm trọng tại các trường đại học, ví dụ trong một khảo sát quốc gia cho thấy 51% sinh viên ở Úc đã từng bị quấy rối tình dục ít nhất một lần trong năm 2016 và 6,9% sinh viên từng đối mặt với tấn công tình dục ít nhất một lần vào năm 2015 hoặc 2016. Tại Ai Cập, 70% phụ nữ tại Đại học Cairo từng bị quấy rối tình dục vào năm 2015. Các chuyên gia tin rằng hầu hết các vụ việc đều không được báo cáo.
Trong khi đó, Việt Nam chưa có số liệu tương tự để so sánh với các nước khác. Tuy nhiên, Nghiên cứu Quốc gia lần 2 về Bạo lực đối với Phụ nữ tại Việt Nam năm 2019 cho thấy gần 2/3 phụ nữ trong độ tuổi 15-64 đã từng trải qua ít nhất một hình thức bạo lực trong đời do chồng hoặc bạn tình gây ra.
Nhằm chia sẻ những kinh nghiệm về thành lập, vận hành mô hình"Giảng đường an toàn" được thực hiện tại 8 trường đại học, trong khuôn khổ dự án "Chấm dứt quấy rối tình dục, bạo lực tình dục đối với phụ nữ và người đồng tính nữ" do Tổ chức Bánh mỳ cho Thế Giới (BROT), Chương trình Khuôn viên trường đại học an toàn (Safe Campus) - Cơ quan Liên Hợp Quốc vì Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UNWOMEN), ngày 07/12, Tọa đàm "Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng Giảng đường an toàn" đã được tổ chức tại Đại học Bách Khoa Hà Nội. Sự kiện do Trung tâm Nghiên cứu & Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) - Cơ quan Liên Hợp Quốc vì Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UNWOMEN) và Đại học Bách Khoa Hà Nội tổ chức.
Tọa đàm cũng nhằm hưởng ứng Chiến dịch toàn cầu 16 Ngày Hành động chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới và Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2022.
Mô hình "Giảng đường an toàn" được thực hiện với các hoạt động chính, bao gồm: đánh giá tình hình an toàn của sinh viên và cán bộ, giảng viên nữ trong các trường đại học làm cơ sở xây dựng chính sách đảm bảo an toàn cho sinh viên; xây dựng Trung tâm thông tin - tư vấn để hỗ trợ cho sinh viên, cán bộ nữ bị bạo lực giới và những người quan tâm; chiến dịch truyền thông trực tiếp và trực tuyến nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng phó cho sinh viên về bạo lực trên cơ sở giới; nâng cao hiểu biết và kỹ năng ứng phó về quấy rối và bạo lực tình dục cho các giảng viên, cán bộ nhà trường.
Phát biểu tại sự kiện, ông Đinh Văn Hải, đại diện lãnh đạo Đại học Bách Khoa Hà Nội khẳng định: "Đại học Bách Khoa Hà Nội là một trường kỹ thuật với số lượng sinh viên lớn, nên làm thế nào để trường trở thành trường có chất lượng hàng đầu, làm thế nào để xây dựng một môi trường an toàn, thân thiện với sinh viên và các thầy cô giáo, cán bộ nhà trường. Đại học Bách Khoa Hà Nội đã thực hiện nhiều biện pháp như ban hành bộ quy tắc ứng xử trong nhà trường, đưa vào nội quy sinh viên, thành lập Trung tâm thông tin - tư vấn hỗ trợ cho sinh viên để kiến tạo một môi trường học đường thực sự thân thiện, không có bất kì hình thức bạo lực nào xảy ra với các em sinh viên và cả cán bộ, giảng viên trong nhà trường".
Ông Phạm Hùng Anh - Vụ trưởng Vụ Công tác chính trị, Học sinh sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: "Tôi cho rằng, để đạt được bình đẳng giới cần có sự tham gia của không chỉ phụ nữ, mà nam giới đóng vai trò quan trọng. Vì vậy, tôi rất vui mừng được tham dự Tọa đàm về chủ đề giảng đường an toàn. Tôi cho rằng đây là một hội thảo có ý nghĩa, và chúng tôi muốn được lắng nghe, được chia sẻ ý kiến của các vị đại biểu, học sinh sinh viên về những bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai mô hình này. Những số liệu và kiến nghị thu được từ tọa đàm này sẽ là cơ sở có giá trị cho các nhà quản lí giáo dục, các nhà hoạch định chính sách, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan khác để ban hành những qui định, chính sách thiết thực, hiệu quả nhằm đảm bảo môi trường học đường an toàn không bạo lực cho sinh viên".
Phát biểu tại Tọa đàm, bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc Trung tâm CSAGA chia sẻ: "Các quy định, chính sách của một trường Đại học, một Bộ hay một ngành cũng phải theo kịp với những khát vọng thay đổi đầy tính nhân văn và tiến bộ này của người trẻ. Chúng ta cần hành động nhiều hơn nữa để một/nhiều thế hệ trí thức trẻ, người Việt trẻ có thể tự tin xây dựng một cuộc sống hạnh phúc và mạnh mẽ trong thế giới rộng lớn với những đòi hỏi ngày càng tinh tế và nghiêm khắc".
Bà Lê Thị Lan Phương, cán bộ quản lý chương trình, UN Women nhấn mạnh: "Bạo lực giới là thực trạng hiện diện ở mọi nơi và xảy ra với mọi cá nhân không phân biệt tuổi tác hay trình độ. Bạo lực giới tại trường học và khuôn viên trường đại học bao gồm quấy rối tình dục không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, tâm lý của người bị bạo lực mà còn ảnh hưởng tới chất lượng nền giáo dục, nguồn nhân lực và kinh tế của quốc gia. Các hoạt động được triển khai theo hướng dẫn toàn cầu của UN Women về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trong khuôn viên trường đại học, thể hiện cam kết của UN Women trong việc hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu 4 về giáo dục chất lượng và mục tiêu 5 về bình đẳng giới - là cơ sở nền tảng để đạt được chương trình nghị sự Các mục tiêu phát triển bền vững 2030".
Trong phần thảo luận, đại diện 18 trường đại học tham dự Tọa đàm đều khẳng định sự cần thiết của những dịch vụ hỗ trợ tâm lý có hệ thống và được đào tạo bài bản giúp sinh viên, cán bộ và giảng viên tại các trường đại học có thể bảo vệ bản thân và lên tiếng trước những hành vi bạo lực giới. Ngoài ra, các hoạt động nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, các hình thức bạo lực giới bao gồm bao lực hẹn hò và quấy rối tình dục cả trên giảng đường và trên không gian mạng cũng cần được đẩy mạnh.