(Tổ Quốc) -Đây là nhận định của TS. Khuất Thu Hồng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển xã hội, nằm trong chuỗi hoạt động về Hội nghị Quốc gia về Tình dục, Sức khỏe và Xã hội lần thứ 3 tại Hà Nội ngày 28/11.
Bạo lực tình dục đang diễn biến phức tạp
Bạo lực tình dục bao gồm hiếp dâm và các hình thức bạo hành tình dục khác trong và ngoài hôn nhân, gây ra bởi thành viên gia đình, bởi bạn tình dị tính và đồng tính, người quen hay khách hàng của những phụ nữ trong khu vực lao động giải trí. Cưỡng ép bán dâm và cưỡng ép kết hôn, xâm hại tình dục trẻ em, quấy rối tình dục ở trường, nơi làm việc hay các địa điểm công cộng, là những hình thức bạo lực tình dục đã được ghi nhận trong xã hội Việt Nam
Theo bà Khuất Thu Hồng: Bạo lực tình dục là một tội ác nghiêm trọng chống lại phụ nữ và trẻ em. Nó chà đạp quyền cơ bản nhất của con người là được sống an toàn và được tôn trọng nhân phẩm.
TS. Khuất Thu Hồng. Ảnh: vtc.vn |
Bạo lực tình dục có thể xảy ra với bất kỳ phụ nữ và trẻ em nào chứ không chỉ với những phụ nữ trẻ, ăn mặc gợi cảm hoặc có cử chỉ hớ hênh như nhiều người vẫn lầm tưởng –bà Hồng nhấn mạnh.
Bà Hồng cho biết thêm: trong số 322 vụ bạo lực tình dục được đưa tin trên báo từ năm 2011 – 2016; 21,2% nạn nhân dưới 10 tuổi, trong đó có cả những em bé chỉ mới 2 tuổi. 60% nạn nhân từ 11-25 tuổi. Gần 50% nạn nhân trên 40 tuổi, trong đó có những cụ bà đã 85 – 86 tuổi, 32% là các vụ bạo lực kép; nạn nhân bị cưỡng hiếp, cướp tài sản, bị hành hung, thậm chí bị giết, 13,5% là các vụ cưỡng hiếp tập thể.
Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thì hơn 1000 trường hợp xâm hại tình dục trẻ em mỗi năm bằng trung bình mỗi ngày 3 trẻ em bị xâm hại tình dục được báo cáo; gia tăng thông tin về lạm dung tình dục trẻ em trai.
Còn theo Tổng cục thống kê 2010 và Viện Nghiên cứu phát triển xã hội 2016 thì nghiên cứu mẫu đại diện quốc gia: 4% - 13,35% phụ nữ đã kết hôn có trải nghiệm tình dục không mong muốn với chồng trong 12 tháng trước khảo sát.
Còn khảo sát hơn 2.000 phụ nữ và trẻ em gái ở Hà Nội và TP.HCM: 87% đã từng bị quấy rối tình dục ở khu vực công cộng và trên các phương tiện giao thông công cộng (AVV,Plan 2015).
Bà Astrid Bant – trưởng đại diện UNPFA tại Việt Nam nhấn mạnh: Bạo lực tình dục không dễ xác định, đặc biệt bạo lực tình dục trong các mối quan hệ tình cảm gần gũi thậm chí còn khó được báo cáo hơn vì nó được che giấu bởi các khuôn mẫu giới và văn hóa.
Bà Hồng cũng khẳng định các con số thống kê trên chỉ là tương đối bởi thực tế còn có rất nhiều trường hợp bạo lực tình dục nhưng vì nhiều lý do như; vì sự xấu hổ, sợ mất danh dự, sợ bị trả thù, bị khuyết tật…
Khi nạn nhân thành “tội nhân”
Bà Hồng cũng cho biết: Về mặt xã hội, phụ nữ, vị thành niên và trẻ em, nhất là các em gái thuộc nhóm yếu thế. Sự yếu thế không nằm ở thể lực mà ở chính việc bị trói chặt bởi các quan niệm bất bình đẳng về giá trị giới, đặc biệt là các trói buộc về đạo đức. D o đó, là nạn nhân nhưng nhóm này lại đơn độc trong cuộc đấu tranh bảo vệ nhân phẩm, thân thể và chỗ đứng của mình trong xã hội. Với nhóm phụ nữ di cư, nhiễm HIV... càng bị kỳ thị và phân biệt đối xử và cơ hội để họ lên tiếng đòi công bằng càng hiếm hoi.
Bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái không phải một căn bệnh mà chúng ta cần phải tìm cách chữa. Vấn nạn này xuất phát từ quan niệm của nam giới và trẻ em trai về phụ nữ và trẻ em gái… đấu tranh cho bình đẳng giới phải trở thành một vấn đề của nam giới và trẻ em trai.
Trái với quan điểm cho rằng phụ nữ và trẻ em gái có thể tự bảo vệ mình bằng cách hạn chế giao du với người lạ, số liệu thống kê từ Hội thảo đưa ra cho thấy 73% thủ phạm là người quen, trong đó 10% là cha đẻ hay cha dượng. Thủ phạm gồm cả những người được cho là đáng tin cậy như người cao niên, người có uy tín, giáo viên, những người nổi tiếng… Ngoài ra, phần lớn các vụ bạo lực tình dục cũng xảy ra ở những địa điểm thường được coi là an toàn như trường học, công sở hay chính trong nhà của nạn nhân.
Những chia sẻ thiết thực cho báo giới. Ảnh: Hà Anh. |
Quan niệm gần như mặc định của nhiều người luôn cho rằng “nhu cầu tình dục” của nam giới luộn cao hơn nữ giới. Khi nữ giới bị xâm phạm tình dục phụ nữ dễ bị chỉ trích do ăn mặc hở hang, do đi đêm tối một mình…
Hiện nay không ít bài báo khi kể lại câu chuyện liên quan đến “bạo lực tình dục” thường có tâm lý trên nên rất dễ biến nạn nhân thành tội nhân. Hoặc là đổ lỗi thường tình cho đàn ông uống rượu mất tự chủ, xa vợ lâu ngày, hoặc là quay ra đổ lỗi cho phụ nữ thiếu cảnh giác, ăn mặc hở hang...
Bên cạnh đó, một tâm lý khác cũng dễ xảy ra trong cộng đồng, là khi xuất hiện một vụ bạo lực tình dục thì phần lớn đổ lỗi cho đàn ông và phụ nữ luôn được bênh vực. Nhưng có khi nguyên nhân lại chưa hẳn ở đàn ông –một ý kiến tại Hội thảo chia sẻ thêm.
Bà Hoàng Tú Anh – Giám đốc Trung tâm sáng kiến Sức khỏe và Dân số nhấn mạnh: Chúng ta chỉ thường nghĩ đến bạo lực như là những hành vi sử dụng sức mạnh, gây ra các tổn thất về thể chất,kinh tế và tinh thần có thể nhìn thấy và đo lường. Thực tế, một phần rất lớn các hành vi bạo lực và hậu quả là rất khó nhìn thấy, khó đo lường, thậm chí vô hình và không được thừa nhận. Sự vô hình và không thừa nhận khiến nhiều nhóm nạn nhân trở thành “tội nhân”.
Hà Anh