Bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp có tiếp tục được hưởng trợ cấp thất nghiệp?
(Tổ Quốc) - Bảo hiểm thất nghiệp là một trong những chế độ an sinh xã hội rất quan trọng và cần thiết cho người lao động, đặc biệt trong trường hợp bị mất việc làm.
Trong những tháng cuối năm, đã có hàng ngàn người lao động chịu ảnh hưởng của làn sóng cắt giảm nhân sự. Giảm giờ làm, hoãn hợp đồng, mất việc làm... là tình trạng của các lao động đang gặp phải tại những doanh nghiệp có tình hình sản xuất kinh doanh gặp khó khăn hiện nay. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người lao động, đặc biệt tại thời điểm cuối năm, Tết Nguyên đán đang cận kề.
Trong bối cảnh như vậy, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đối với người lao động như một phao cứu sinh bên cạnh nhưng những hỗ trợ đến từ doanh nghiệp, đoàn thể địa phương. Đây được coi là khoản hỗ trợ thiết thực, là phao cứu sinh mà đa số người lao động đều mong muốn được nhận sau khi nghỉ việc.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà người lao động chưa kịp hưởng hoặc bị chấm dứt hưởng trợ cấp. Vậy làm thế nào để BHTN của người lao động không bị huỷ và NLĐ vẫn giữ được những quyền lợi liên quan. Đây cũng là một trong những vấn đề mà rất nhiều người lao động băn khoăn trong quá trình hưởng trợ cấp thất nghiệp?
Các trường hợp được bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp
Theo quy định của Luật việc làm năm 2013, các trường hợp sau đây người lao động sẽ được bảo lưu thời gian hưởng BHTN:
Trường hợp 1: Người lao động không đến nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp
Căn cứ vào Khoản 3, Điều 18 của Nghị định 61/2020/NĐ-CP ban hành ngày 12/03/2015, Sau 03 ngày kể từ ngày ghi hạn đến nhận giấy trả kết quả hưởng BHTN, người lao động không đến lấy thì được xét là không có nhu cầu hưởng BHTN. Sau 7 ngày mà người lao động không có mặt để nhận kết quả thì quyết định giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp của người lao động bị hủy.
Mặt khác, theo Điều 5 của Nghị định này, trường hợp người lao động bị hủy quyết định hưởng trợ cấp việc làm theo trường hợp trên, khoảng thời gian đóng BHXH chưa được hưởng sẽ được cộng dồn cho các lần kế tiếp. Như vậy, trường hợp người lao động không đến nhận giấy hẹn trả kết quả sau thời gian quy định thì thời gian đóng BHTN sẽ được bảo lưu.
Trường hợp 2: Người lao động không đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp
Căn cứ vào Khoản 6, Điều 18 của Nghị định 28/2015/NĐ-CP, sau 3 tháng kể từ ngày người lao động hết thời hạn hưởng trợ cấp thất nghiệp mà người lao động không đến lấy trợ cấp và cũng không có thông báo bằng văn bản về lý do thì được coi là không có nhu cầu hưởng BHTN. Thời gian được hưởng BHTN của người lao động sẽ được bảo lưu cho những lần hưởng kế tiếp.
Trường hợp 3: Người lao động chưa hưởng đủ trợ cấp thất nghiệp
Thời gian tính hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động được căn cứ theo tổng thời gian đóng BHXH và tuân theo quy định của Luật Việc làm. Trường hợp người lao động đã tham gia bảo hiểm trên 3 năm thì các tháng lẻ chưa tính trợ cấp sẽ được bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp và tính trợ cấp thất nghiệp trong lần hưởng BHTN kế tiếp.
Trường hợp 4: Người lao động bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp
Căn cứ vào Khoản 5, Điều 21 của Nghị định 28/2015/NĐ-CP, các trường hợp sau người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ bị chấm dứt hưởng và tiến hành bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp trong lần kế tiếp:
a) Người lao động có việc làm
Người lao động tìm được việc làm mới sẽ không còn nằm trong diện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định, bao gồm các đối tượng:
Người lao động ký kết hợp đồng lao động có thời hạn hoặc không có thời hạn, hợp đồng mùa vụ với đơn vị sử dụng lao động.
Người lao động không nằm trong diện ký kết hợp đồng thì được xác định bằng quyết định tuyển dụng,
Người lao động đã có việc làm có trách nhiệm thông báo lên trung tâm dịch vụ việc làm mà mình đang làm
Như vậy, khi người lao động tìm được việc làm mới sẽ không còn nằm trong diện hưởng trợ cấp thất nghiệp và số tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp còn lại sẽ được bảo lưu trong lần kế tiếp.
b) Người lao động thực hiện nghĩa vụ quân sự, công an
c) Người lao động đi học với thời hạn từ 12 tháng trở lên
d) Người lao động thuộc diện áp dụng biện pháp giáo dưỡng, giáo dục bắt buộc, cai nghiện
e) Tòa án tuyên bố người lao động mất tích
f) Người lao động bị tạm giam để điều tra, thi hành án hoặc bị phạt tù
Thời gian tính trợ cấp thất nghiệp
Thời gian để tính trợ cấp thất nghiệp phụ thuộc vào thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp để xét hưởng bảo hiểm thất nghiệp là tổng các khoảng thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục hoặc không liên tục được cộng dồn từ khi bắt đầu đóng bảo hiểm thất nghiệp cho đến khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.
Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu tính như thế nào?
Tại khoản 1 Điều 9 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH, thời gian bảo lưu được tính bằng tổng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trừ đi thời gian đóng đã hưởng trợ cấp thất nghiệp, cụ thể:
Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu = Tổng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp - Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp đã hưởng trợ cấp thất nghiệp
Trong đó, thời gian đóng đã hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo nguyên tắc, mỗi tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp tương ứng 12 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp.