• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Báo Nhật: Cà phê Việt “đánh bật” Starbucks tại sân nhà

Kinh tế 14/08/2018 17:10

(Tổ Quốc) -Trong khi Starbucks mất nhiều thời gian thì các doanh nghiệp kinh doanh cửa hàng cà phê Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, nhắm tới thế hệ Y ngay tại sân nhà.

Trong khi Starbucks mất nhiều thời gian thì các doanh nghiệp kinh doanh cửa hàng cà phê Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, nhắm tới thế hệ Y (còn gọi là Millennials - những người sinh ra trong giai đoạn từ đầu thập niên 1980 đến đầu thập niên 2000) ngay tại nội địa - một trong những thị trường trẻ nhất Đông Nam Á, tờ Nikkei Asian Review nhận định.

Hàng chục chuỗi cửa hàng của các doanh nghiệp cà phê Việt Nam đang nhanh chóng mở rộng mạng lưới ngay tại thị trường nội địa. Đây là thị trường mà các nhà phân tích nói rằng các nhà khai thác địa phương hiểu rõ hơn các thương hiệu quốc tế như Starbucks.

Chuỗi cà phê Việt “ăn nên làm ra”

Một trong những công ty khởi nghiệp phát triển nhanh nhất trong lĩnh vực này là The Coffee House, có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh.

"Chúng tôi dự định mở khoảng 700 cửa hàng trên khắp Việt Nam trong 5 năm tới, với trung bình 10 cửa hàng mới mỗi tháng", người sáng lập kiểm CEO Nguyễn Hải Ninh phát biểu với tờ Nikkei Asian Review.

Cong Ca Phe- một cái tên đình đám khác, có trụ sở tại Hà Nội, đã mở rộng ra nước ngoài.

Với phong cách độc đáo, cửa hàng đầu tiên cuar Cộng Cà phê tại Hàn Quốc đã thu hút được đông đảo khách hàng. (Nguồn: Asian Nikkei Review)

Cửa hàng Cong Ca Phe đầu tiên tại Seoul đã mở cửa đầu tiên vào tháng trước và đang lên kế hoạch cho hai cửa hàng cũng tại thành phố này. Tại Việt Nam, Công Ca Phe đã phát triển lên hơn 50 cửa hàng từ năm 2007 đến nay, và dự kiến sẽ mở thêm một hoặc hai cửa hàng mỗi tháng cho đến năm 2020.

Công Ca Phe thu hút khách hàng với cách bài trí độc đáo thời bao cấp của Việt Nam vào cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980.

Chủ sở hữu của các chuỗi cà phê phát triển mạnh trên đã có hiểu biết tốt về văn hóa và người tiêu dùng Việt Nam. Họ đặt mục tiêu rõ ràng về loại khách hàng mà họ phục vụ và phát triển không gian độc đáo hướng tới người tiêu dùng trẻ bắt kịp xu hướng mới, Nikkei dẫn lời Nguyễn Phương - một nhà nghiên cứu thị trường tại thành phố Hồ Chí Minh cho biết.

Thực đơn đồ uống đa dạng và giá cả phải chăng của những chuỗi cà phê này đang trở nên phổ biến trong giới sinh viên và những người trẻ tuổi làm việc ở các thành phố lớn. Các cửa hàng này mang tới một không gian mà khách hàng có thể bỏ ra hàng giờ mà kết nối internet không bị gián đoạn - một vấn đề có thể gặp tại các quán cà phê khác.

Những điều trên đã giúp các chuỗi cửa hàng cà phê thương hiệu Việt Nam cạnh tranh mạnh mẽ với các tên tuổi nước ngoài có cách quản lý và dịch vụ tốt hơn, Nguyễn Phương cho hay.

Khi các ông lớn chậm chạp

Gã khổng lồ cà phê quốc tế Starbucks đã cho thấy sự chậm chạp hơn dự kiến khi tiến vào thị trường Việt Nam. Năm năm sau khi tới đây, số lượng cửa hàng Starbucks chỉ đứng ở mức 38. Ngược lại, Thái Lan có tới hơn 330cửa hàng  Starbucks, Indonesia có hơn 320 cửa hàng và Malaysia có hơn 190.

Một công ty khởi nghiệp cà phê khác cũng đã thành công và được đánh giá là một trong những chuỗi cà phê phổ biến nhất ở Việt Nam xét về mặt số lượng cửa hàng và định dạng thương hiệu. Được thành lập vào năm 2002 bởi một người Mỹ gốc Việt, Highlands Coffee mang tới một bầu không khí thu hút người tiêu dùng muốn trải nghiệm phong cách sống Tây phương.

Sau khi được tập đoàn chuyên về nhà hàng có trụ sở tại Philippines Jollibee Foods mua lại vào năm 2012, tính tới năm 2014, Highlands Coffee đã mở rộng tới hơn 200 cửa hàng từ con số 60 cửa hàng ban đầu, chủ yếu nằm trong các trung tâm mua sắm. Dịch vụ của Highland đã thay đổi để nhắm mục tiêu tới các khách hàng trẻ tuổi với giá cả phải chăng hơn là tầng lớp kinh doanh.

Các chuỗi cà phê mới hơn bao gồm Cà Phê Thức hay Phúc Long, tất cả đều đã được ra mắt trong thập kỷ qua và đang tăng trưởng doanh thu ước tính khoảng 7% hàng năm. Ngược lại, các thương hiệu cũ như NYDC, Gloria Jean's Coffees thuộc sở hữu của một doanh nghiệp Australia và Caffe Bene có trụ sở tại Hàn Quốc, và thậm chí các chuỗi cà phê của chính doanh nghiệp Việt Nam mở như The KAfe và Saigon Cafe – thì lại đang thu hẹp hoặc thậm chí phải đóng cửa.

Chi phí hoạt động cao, bao gồm cả tiền thuê nhà, và khó khăn trong việc tìm kiếm địa điểm là một trong những lý do chính cho những hạn chế này. Một cửa hàng Starbucks rộng 200 m2 ở thành phố Hồ Chí Minh cần một khoản đầu tư ban đầu khoảng 215.000 USD, trong khi một cửa hàng Coffee House chỉ cần 86.000 USD, một chủ tiệm cà phê địa phương ước tính.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ