• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Báo quốc tế chỉ ra một địa điểm tại Hà Nội góp phần làm thay đổi xu thế "nghiện" Instagram của du khách

Du lịch 30/01/2020 17:06

(Tổ Quốc) - Trong tương lai, việc thường xuyên chụp ảnh tại các danh thắng nổi tiếng có thể trở thành một sự xấu hổ.

Johny Bealby là người đứng đầu công ty lữ hành Wild Frontiers chuyên tổ chức các tour tới một số điểm hẻo lánh nhất trên thế giới. Năm ngoái, trong buổi chia sẻ những trải nghiệm về chuyến đi vòng quanh châu Phi bằng xe máy vào những năm 1990, một thanh niên trẻ đã tiếp cận và tỏ ý thán phục vì Bealby có cơ hội du lịch "trong thời kỳ vàng" khi chụp ảnh và mạng xã hội còn chưa bùng nổ như hiện tại.

Gần như ngay sau đó, Bealby đã nảy sinh ra ý tưởng tổ chức bốn tour đặc biệt (tới Oman, Ecuador, Kyrgystain và Mongolia), nơi du khách sẽ phải trao lại điện thoại cho người điều hành tour ngay từ ngày đầu tiên.

"Chúng tôi sẽ cung cấp máy ảnh nếu đó điều bạn muốn – chúng tôi không ngăn cản mọi người chụp ảnh theo cách cũ, nhưng chúng tôi không muốn mọi người liên tục dùng điện thoại và cố gắng cập nhật mạng xã hội", Bealby cho biết.

Bealby thừa nhận, mặc dù vé tour "không bán quá chạy" nhưng phản ứng của khách hàng đã khích lệ ông rất nhiều.

Việc thay thế chụp ảnh kỹ thuật số - khi người dùng có thể chụp hàng trăm bức ảnh, xem lại và lựa chọn sau đó – bằng chụp ảnh với máy phim chậm rãi và không thuận tiện bằng, lại khiến du khách có thể xem xét kỹ càng và trân trọng hơn những gì mình nhìn thấy. Nó cũng đồng nghĩa với việc, bạn yêu quý bức ảnh mình chụp vì giá trị của nó, chứ không phải là cách mọi người phản ứng với nó.

Báo quốc tế chỉ ra một địa điểm tại Hà Nội góp phần làm thay đổi xu thế "nghiện" Instagram của du khách - Ảnh 1.

Khách du lịch chụp ảnh một geisha tại cố đô Kyoto, Nhật Bản (ảnh: CNN)

Lựa chọn "trung hòa"

Có một cách mang tính trung hòa hơn, như là lựa chọn của Bảo tàng Van Gogh tại Amsterdam. "Năm 2013, bảo tàng làm một thử nghiệm là cho phép chụp ảnh trong phòng trưng bày", một đại diện của bảo tàng Van Gogh nói với kênh CNN. "Trong đó, người xem giải thích họ không hài lòng về những điều gì khi có nhiều người khác chụp ảnh mọi lúc".

Cuối cùng, một sự nhượng bộ đã đạt được. "Bảo tàng thiết kế những điểm nhất định mà du khách có thể tạo dáng và chụp ảnh mà không làm phiền tới người khác", vị đại diện cho hay. "Những điểm đó luôn rất thu hút".

Với biện pháp trên, người xem có thể thỏa mãn "cơn khát" Instagram của mình nhưng vẫn có thể thưởng thức nghệ thuật mà không bị che khuất tầm nhìn bởi các cây gậy selfie và tiếng tanh tách của điện thoại.

Báo quốc tế chỉ ra một địa điểm tại Hà Nội góp phần làm thay đổi xu thế "nghiện" Instagram của du khách - Ảnh 2.

Bảo tàng Van Gogh ở Amsterdam có các điểm dành riêng cho chụp ảnh (ảnh: CNN)

Đối với một số thắng cảnh đang cần phải gây quỹ hoặc chi trả cho các dự án bảo tồn, "cơn nghiện" chụp ảnh của du khách có thể là nguồn tài chính không tệ.

Di tích Casa Azul – nhà cũ của họa sỹ Frida Kahlo tại Mexico City yêu cầu các khách tham quan muốn chụp ảnh phải trả một khoản phí nhỏ. Hầu hết mọi người đều đồng ý. Với 1,50 USD/người, du khách có thể chụp ảnh nhưng chỉ được phép sử dụng các bức ảnh cho mục đích cá nhân mà không phải quảng cáo.

Đáng lưu ý, khi mà nhiều nhân vật có ảnh hưởng trên mạng đang kiếm lời nhờ đăng tải ảnh trên Instagram, "sử dụng cho mục đích cá nhân" lại là một vấn đề còn gây nhiều tranh cãi.

Báo quốc tế chỉ ra một địa điểm tại Hà Nội góp phần làm thay đổi xu thế "nghiện" Instagram của du khách - Ảnh 3.

Di tích Casa Azul thu phí chụp ảnh (ảnh: CNN)

Cùng lúc, không phải mọi danh thắng đều có thể đầu tư thời gian và tiền bạc vào lệnh cấm chụp ảnh.

Mặc dù không được phép chụp ảnh tại Nhà nguyện Sistine (nguyên nhân không phải do quá tải người xem mà là vấn đề bản quyền của một mạng lưới truyền hình Nhật Bản), hàng ngàn du khách đến thăm nơi đây dường như không biết về sự tồn tại của lệnh cấm.

Bất chấp sự cố gắng của lực lượng an ninh liên tục ngăn cản khách chụp ảnh với nhiều ngôn ngữ khác nhau, số lượng khổng lồ các bức ảnh chụp lại kiệt tác tranh trần của Michelangelo xuất hiện trên mạng xã hội đã chứng tỏ, lệnh cấm không có tác dụng. Ngoài ra, tình trạng quá đông du khách khiến việc tìm và phạt những người vi phạm trở nên bất khả thi.

Báo quốc tế chỉ ra một địa điểm tại Hà Nội góp phần làm thay đổi xu thế "nghiện" Instagram của du khách - Ảnh 4.

Lệnh cấm chụp ảnh tại Vatican không có tác dụng (ảnh: CNN)

Sự quay trở lại mang tính tự nhiên

Đôi khi, lệnh cấm chụp ảnh là những biện pháp "phủ đầu", nhưng nhiều hơn, đó là kết quả của những nỗ lực từ cộng đồng địa phương đối phó với các hành vi xấu của khách du lịch.

"Nhà thờ Xương" tại Cộng hòa Czech - nổi tiếng với những chi tiết trang trí làm từ khoảng 60.000 bộ xương, đã công bố lệnh cấm chụp ảnh sau khi có du khách chụp các tấm hình "thiếu tôn kính", trong đó các bộ xương được thêm mũ đội hoặc đeo kính râm…

Báo quốc tế chỉ ra một địa điểm tại Hà Nội góp phần làm thay đổi xu thế "nghiện" Instagram của du khách - Ảnh 5.

"Nhà thờ Xương" là một danh thắng nổi tiếng của Cộng hòa Czech (ảnh: CNN)

Ngay tại Hà Nội, đường ray tàu hỏa Phùng Hưng đã trở nên quá nổi tiếng trên Instagram đến nỗi chính quyền thành phố phải ban bố lệnh cấm vì những lý do an toàn cho du khách. Còn tại Nhật Bản, cư dân ở khu phố cổ Gion ở cố đô Kyoto đã bỏ phiếu thống nhất thông qua lệnh cấm chụp ảnh tại các khu phố riêng tư của cộng đồng.

Khách sạn Sunset Tower ở Los Angeles là một địa điểm ưa thích của giới nổi tiếng. Họ áp dụng lệnh cấm chụp ảnh tại các nhà hàng và khu vực công cộng trong khách sạn. Trong khi một phần nguyên nhân dẫn tới lệnh cấm là muốn các vị khách trú tại khách sạn có được sự yên tĩnh, thì các ngôi sao hạng A cũng có thể tránh được sự đeo bám của các paparazzi.

Báo quốc tế chỉ ra một địa điểm tại Hà Nội góp phần làm thay đổi xu thế "nghiện" Instagram của du khách - Ảnh 6.

Khách sạn Sunset Tower ở Los Angeles cũng cấm chụp ảnh tại các nhà hàng thuộc khách sạn (ảnh: CNN)

Báo quốc tế chỉ ra một địa điểm tại Hà Nội góp phần làm thay đổi xu thế "nghiện" Instagram của du khách - Ảnh 7.

Đường tàu Phùng Hưng từng là một địa điểm nổi tiếng trên Instagram trước khi bị chính quyền Hà Nội ban bố lệnh cấm (ảnh: CNN)

Theo báo cáo thường niên dự đoán các xu hướng tương lai "Future 100" của công ty quảng cáo J Walter Thompson, "nội thất chống-Instagram" như tường có màu tối và ánh đèn giảm bớt không phù hợp cho chụp ảnh – được cho là sẽ ngày càng phổ biến hơn trong những năm tới. "Các nhà hàng đang quay lưng lại với các thiết kế dễ đoán và được mạng xã hội ưa thích, thay vào đó, họ tạo ra những không gian tối và thân mật, ưu tiên tương tác cá nhân hơn là chia sẻ kỹ thuật số", một nhà phân tích viết trong bản báo cáo.

Nhìn vào tương lai, khi mà các phong trào biến đổi khí hậu trên thế giới cố gắng biến việc thường xuyên đi máy bay từ một ưu thế trở thành sự xấu hổ, thì hành động chụp ảnh tại các danh thắng nổi tiếng cũng có thể rơi vào tình trạng tương tự.

"Tôi nghĩ sẽ rất hay nếu đi du lịch và không đăng tải hình ảnh trên mạng xã hội", ông Beablby nói. "Nhiều khả năng sẽ có một sự quay trở lại mang tính tự nhiên".

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ