(Tổ Quốc) - Theo trang Vietnam-Briefing, luật bảo hiểm sửa đổi của Việt Nam đã có hiệu lực và tạo thêm cơ hội cho các công ty nước ngoài muốn khai thác nhu cầu về dịch vụ bảo hiểm tại nước này.
Vào ngày 1/1/2023, Luật Kinh doanh Bảo hiểm sửa đổi của Việt Nam có hiệu lực. Luật mới này đã tạo thêm một số cơ hội cho các công ty nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm.
Tạo thêm cơ hội cho các doanh nghiệp nước ngoài
Trang Vietnam-Briefing đánh giá rằng một trong những nội dung đáng chú ý nhất trong Luật được sửa đổi này là cho phép các công ty nước ngoài có thể thành lập doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam khi đảm bảo được vốn điều lệ. Cụ thể, nội dung luật ghi rõ: " Nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu cổ phần, phần góp vốn đến 100% vốn điều lệ của doanh nghiệp bảo hiểm, tái bảo hiểm". Như vậy, họ sẽ không cần hợp tác với các đối tác địa phương.
Sự thuận lợi này sẽ mở rộng thị trường hơn nữa cho các công ty bảo hiểm nước ngoài muốn bắt đầu kinh doanh tại Việt Nam.
Thông tin sơ bộ về thị trường bảo hiểm Việt Nam, trang Vietnam-Briefing cho biết năm 2021, ngành bảo hiểm Việt Nam đạt 255.876 tỷ đồng (10,9 tỷ USD), bao gồm 218.357 tỷ đồng (9,3 tỷ USD) phí bảo hiểm và 37.519 tỷ đồng (1,6 tỷ USD) còn lại đến từ thu nhập đầu tư, theo dữ liệu từ Bộ Tài chính.
Thị trường bảo hiểm Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 8,5%. Theo các nhà phân tích dữ liệu GlobalData, con số này dự kiến sẽ đưa doanh thu từ 60,15 nghìn tỷ đồng (2,6 tỷ USD) vào năm 2021 lên 90,24 nghìn tỷ đồng (3,5 tỷ USD) vào năm 2026, xét về tổng phí bảo hiểm gốc (GWP).
Các công ty bảo hiểm nước ngoài hiện có 18 văn phòng đại diện tại Việt Nam, bao gồm 5 ở Thành phố Hồ Chí Minh và 13 còn lại ở Hà Nội. Phần lớn các doanh nghiệp này đều đến từ Hàn Quốc với tổng cộng 6 văn phòng đại diện tại Việt Nam. Tiếp theo là Nhật Bản với 4 văn phòng, Đài Loan (Trung Quốc) với 3 văn phòng, và sau đó là mỗi công ty từ Đức, Hồng Kông (Trung Quốc), Pháp, Nga và Vương quốc Anh có một văn phòng.
Trong số này, 9 công ty bảo hiểm cung cấp các sản phẩm khác ngoài bảo hiểm nhân thọ, 6 công ty cung cấp bảo hiểm nhân thọ và 3 công ty môi giới bảo hiểm.
Những 'ông lớn' trong thị trường bảo hiểm Việt Nam
Thị trường bảo hiểm Việt Nam (không bao gồm bảo hiểm nhân thọ) được thống trị bởi 5 công ty chủ chốt, chiếm 53,27% doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ vào năm 2021. Tỷ lệ này tương đương với doanh thu 59.135 tỷ đồng (2,5 tỷ USD). Đáng chú ý, đây là mức tăng 4,34% so với năm 2020.
Đầu tiên, Bảo Việt được thành lập vào năm 1965 và là nhà cung cấp bảo hiểm lớn nhất của Việt Nam. Công ty này cũng cung cấp một loạt các dịch vụ tài chính khác.
Tiếp đó là Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (PVI), công ty con của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Mặc dù cung cấp bảo hiểm cá nhân, nhưng trọng tâm của PVI là các giải pháp bảo hiểm cho các doanh nghiệp tại Việt Nam.
Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) là cái tên tiếp theo. Hai cổ đông liên quan chính của PTI hiện là VNDirect cùng các cổ đông theo ủy quyền và Bảo hiểm DB từ Hàn Quốc.
Cái tên thứ 4 là Bảo hiểm Bảo Minh được thành lập năm 1994. Năm 2006 được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và năm 2008 trên Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh.
Công ty Bảo hiểm Quân đội (MIC) được thành lập vào năm 2007 là công ty bảo hiểm lớn thứ năm của Việt Nam. Ngoài ra còn có 27 công ty bảo hiểm khác hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ và chiếm 46,72% doanh thu phí bảo hiểm còn lại.
Cơ hội gia nhập thị trường bảo hiểm tại Việt Nam
Theo Vietnam-Briefing, văn bản quy phạm pháp luật quan trọng điều chỉnh ngành bảo hiểm Việt Nam là Luật Kinh doanh Bảo hiểm nói trên. Ngoài ra còn có một số Thông tư, Luật và Nghị định điều chỉnh các lĩnh vực khác nhau của thị trường bảo hiểm Việt Nam.
Và với bản sửa đổi mới nhất, các doanh nghiệp nước ngoài đang được tạo thêm cơ hội gia nhập thị trường bảo hiểm Việt Nam. Hiện tại, thị trường bảo hiểm Việt Nam cũng đang có rất nhiều dư địa để phát triển. Việt Nam đang có tầng lớp người tiêu dùng ngày càng giàu có và có thể mang đến cho các công ty bảo hiểm cơ hội gia tăng doanh thu tại một thị trường rất tiềm năng. Hiện cũng có dự báo rằng có tới 20 triệu người Việt Nam dự kiến sẽ chi tiêu hơn 30 USD/ngày vào năm 2030, tăng từ con số chỉ 4 triệu người vào năm 2020.