• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Báo quốc tế đánh giá tiềm năng thị trường dịch vụ đám mây tại Việt Nam

Kinh tế 14/09/2023 10:58

(Tổ Quốc) - Theo trang Vietnam Briefing, việc áp dụng nhanh chóng các dịch vụ đám mây trong những năm gần đây đang hỗ trợ mạnh mẽ cho quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam.

Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam đang dần chuyển sang điện toán đám mây để tăng cường năng lực cạnh tranh. Nhu cầu ngày càng tăng về dịch vụ đám mây trong mọi lĩnh vực kinh doanh đã thúc đẩy sự mở rộng của các nhà cung cấp dịch vụ đám mây trong và ngoài nước tại Việt Nam.

Thị trường dịch vụ đám mây Việt Nam qua những con số

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (MIC), Việt Nam hiện có ít nhất 27 trung tâm dữ liệu thuộc sở hữu của 11 doanh nghiệp trong nước.

Cũng theo Phó chủ tịch Google, Stephanie Davis, Việt Nam có nền kinh tế số tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á. Hơn nữa, thị trường điện toán đám mây Việt Nam trong những năm gần đây ghi nhận tốc độ tăng trưởng kép CAGR gần 30%, theo MIC. Xu hướng này, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cơ sở hạ tầng phần mềm và trung tâm dữ liệu CNTT, cho thấy ngành CNTT Việt Nam đang có những bước tiến trong việc đẩy nhanh chương trình chuyển đổi số và phát triển thị trường điện toán đám mây.

Báo quốc tế đánh giá tiềm năng thị trường dịch vụ đám mây tại Việt Nam - Ảnh 1.

Thị trường dịch vụ đám mây tại Việt Nam đang có tiềm năng lớn. Ảnh: Vietnam Briefing.

Việc xây dựng trung tâm dữ liệu cũng tăng trưởng đáng kể vào năm 2022, khi một số công ty lớn trong ngành trung tâm dữ liệu Việt Nam, như CMC Corporation, Viettel IDC và VNG Cloud, đã xây dựng thêm các cơ sở lưu trữ mới.

Liên quan đến nhu cầu sử dụng dịch vụ đám mây của các doanh nghiệp Việt Nam, một cuộc khảo sát của công ty tư vấn toàn cầu EY cho thấy 84% số doanh nghiệp được hỏi cho biết họ có định hướng chuyển sang lưu trữ đám mây. Một trong những yếu tố thúc đẩy lớn nhất để các công ty này áp dụng công nghệ đám mây là để cải thiện hiệu suất hoạt động.

Trong bối cảnh này, ngành lưu trữ đám mây tại Việt Nam đang có tiềm năng tăng trưởng cao và hứa hẹn mang lại doanh thu đáng kể cho các nhà cung cấp dịch vụ đám mây trong những năm tới.

Các động lực thúc đẩy tăng trưởng

Đầu tiên là nhu cầu chuyển đổi kỹ thuật số ngày càng tăng trên toàn cầu, trong đó, Việt Nam đang trải qua quá trình tăng tốc chuyển đổi số nhanh chóng. Theo báo cáo của Google, nền kinh tế số ở Việt Nam có thể trị giá 49 tỷ USD, với mức tăng trưởng trung bình hàng năm là 31% vào năm 2025.

Các CEO và hội đồng quản trị ngày càng coi lưu trữ đám mây là nhu cầu chiến lược cho sự tăng trưởng và chuyển đổi kinh doanh. Do đó, họ đang chuyển sang các dịch vụ này để thúc đẩy hiệu quả kinh doanh và duy trì khả năng cạnh tranh của mình trong bối cảnh kinh tế ngày càng có nhiều tín hiệu khó dự đoán. Ví dụ, trong những năm gần đây, nhu cầu lưu trữ đám mây tăng mạnh trong các ngành có quy mô lớn, bao gồm chăm sóc sức khỏe, viễn thông và bán lẻ.

Yếu tố thứ hai là các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam có khả năng mở rộng nhanh chóng và thuận lợi khi sử dụng dịch vụ lưu trữ đám mây. Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam cho biết, Việt Nam hiện có trên 800.000 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm gần 98%. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam đang có những bước tiến trong việc số hóa hoạt động của mình nhằm nỗ lực tăng giá trị doanh nghiệp. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng nền tảng kỹ thuật số hiện đã vượt quá 30%.

Với những lợi ích đa dạng của dịch vụ đám mây, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể kiểm soát chi phí, mở rộng quy mô một cách nhanh chóng, cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh và hiệu suất dịch vụ.

Tiếp theo, dịch vụ đám mây cũng giúp các doanh nghiệp phục hồi sau sự cố nhanh hơn và bám sát kế hoạch kinh doanh hiệu quả hơn. Lỗi phần mềm, dù do nguyên nhân nào, đều có thể gây nhiều hệ lụy cho doanh nghiệp, đe dọa tới danh tiếng và doanh thu chung. Tuy nhiên, với các giải pháp điện toán đám mây, việc khôi phục hệ thống có thể được tăng tốc và giảm thiểu chi phí. Nhiều tổ chức tài chính Việt Nam đang dựa vào đám mây để lưu trữ và phục hồi dữ liệu kinh doanh của họ một cách nhanh chóng.

Vượt qua một số thách thức

Một trong những thách thức cấp bách nhất trong việc triển khai dịch vụ đám mây của các doanh nghiệp Việt Nam là khoảng cách về kỹ năng trong lực lượng lao động. Theo công ty tham vấn McKinsey, lực lượng lao động công nghệ ngày nay rất thành thạo trong việc phát triển các ứng dụng kinh doanh bằng cơ sở hạ tầng CNTT thông thường. Tuy nhiên, phần lớn họ cần được đào tạo thêm nếu tổ chức của họ muốn triển khai dịch vụ đám mây.

Do đó, vấn đề thiếu nguồn nhân lực am hiểu về lĩnh vực này có thể gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong quá trình triển khai dịch vụ và cho cả các nhà cung cấp dịch vụ đám mây đang hoạt động tại Việt Nam khi muốn mở rộng dịch vụ kinh doanh.

Một yếu tố nữa phải đảm bảo hiểu và tuân thủ khung pháp lý và chính sách Việt Nam, ví dụ như Nghị định số 53/2022/ND-CP quy định các nhà cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước phải lưu trữ các loại dữ liệu cụ thể tại Việt Nam trong thời gian tối thiểu là 24 tháng.

Ngoài ra, nhà cung cấp dịch vụ đám mây nước ngoài cũng có thể phải có văn phòng đại diện được thành lập tại Việt Nam. Quy định này có thể sẽ tạo ra chi phí gia tăng cho các doanh nghiệp nước ngoài.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ