(Tổ Quốc) - Theo trang Escape, các thành phố náo nhiệt đã trở nên phổ biến ở Việt Nam, nhưng trong sự hối hả và nhộn nhịp, bạn cũng sẽ tìm thấy nhiều công viên thanh bình và yên tĩnh - nơi khách du lịch có thể thư giãn một chút trước khi thực hiện hành trình trải nghiệm tiếp theo.
Theo tác giả bài viết Ronan O'Connell, những không gian xanh của Việt Nam thường được lồng ghép với những câu chuyện văn hóa hấp dẫn gắn liền với lịch sử và thần thoại của đất nước.
Công viên APEC, thành phố Đà Nẵng
Cây Cầu Rồng (TP Đà Nẵng) nổi tiếng, dài 666 m và rộng 37,5 m với 6 làn xe chạy, giúp các phương tiện vượt qua sông Hàn rộng lớn, mang đến giao thông đi lại thuận tiện qua khu vực trung tâm thành phố. Cầu Rồng mô phỏng rồng phun lửa – con vật thường thấy trong thần thoại.
Và cũng chính Cầu Rồng, theo tác giả, đã tạo nên bối cảnh cho công viên APEC của thành phố. Cùng với Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng – nơi trưng bày hiện vật từ hàng nghìn năm của Vương quốc Chăm pa của Việt Nam, công viên APEC mang lại ấn tượng sâu sắc cho du khách về lịch sử và những chuyển biến nhanh chóng của thành phố. Trong thời gian dài, Cầu Rồng là biểu tượng kiến trúc mới trong thời kỳ hội nhập.
Ban đầu, công viên chỉ tổ chức 19 tác phẩm điêu khắc trên diện tích 3000 m2, nhằm hỗ trợ cho sự kiện quốc tế là Hội nghị thượng đỉnh APEC 2017 diễn ra tại Đà Nẵng. Tuy nhiên, sau hội nghị thượng định, giới chức trách thành phố Đà Nẵng đã quyết định biến công viên APEC thành điểm đến thu hút khách du lịch lâu dài và mở rộng diện tích công viên lên 8.600m2.
"Những nỗ lực hồi phục và thay đổi đã giúp công viên APEC thường xuyên thu hút số lượng lớn du khách trong và ngoài nước. Tôi đã chứng kiến rất nhiều du khách đến công viên này khi ở đây", tác giả Ronan O'Connell nhận định.
Hồ Hoàn Kiếm, thủ đô Hà Nội
Đền Ngọc Sơn sở hữu một ví trí nổi bật ở Hồ Hoàn Kiếm. Hai tiêu bản rùa Hồ Hoàn Kiếm được trưng bày cạnh nhau trong đền Ngọc Sơn. Tủ trưng bày bên trái là xác rùa chết năm 1967, bên phải là xác rùa năm 2016.
Tiêu bản "cụ rùa" do các nhà khoa học của Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam cùng chuyên gia từ Bảo tàng Berlin (Đức) chế tác để tạo ra tác phẩm trưng bày trong Đền Ngọc Sơn. Theo báo cáo, tiêu bản rùa được thực hiện theo phương pháp nhựa hóa của Đức.
Rùa cũng là biểu tượng thần thoại trong truyền thuyết của Việt Nam và vẫn được lưu truyền đến ngày nay. Hồ Hoàn Kiếm dài khoảng 700m, rộng 200m và được bao quanh bởi những khu vườn tuyệt đẹp – được ví như công viên dọc theo Hồ Hoàn Kiếm - trung tâm du lịch tại Hà Nội.
"Tôi thấy đây không chỉ là nơi nghỉ ngơi yên bình tránh xa những náo nhiệt của thành phố mà còn là điểm đến tuyệt vời cho các khám phá hàng ngày của du khách. Khu Phố Cổ gắn liền với dãy phố hẹp gồm các tòa nhà di sản. Và Nhà hát múa rối Thăng Long là điểm đến nổi tiếng của Hà Nội hay Nhà hát Lớn Hà Nội mang đậm dấu ấn kiến trúc Pháp", tác giả Ronan O'Connell viết.
Những điểm đến tham quan tiếp theo, theo tác giả, phải kể đến là Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam hay Di tích Nhà tù Hỏa Lò.
Công viên đất nung Thanh Hà, thành phố Hội An
Trải nghiệm Hội An gây ấn tượng sâu sắc cho tác giả một phần là bởi công viên đất nung Thanh Hà. Đây là không gian xanh yên tĩnh được tô điểm bởi những tác phẩm điêu khắc gốm phức tạp.
Đồ gốm ấn tượng tại Công viên đất nung Thanh Hà - nơi lưu giữ rất nhiều tác phẩm gốm được chế tác bằng đất nung độc đáo. Từng chi tiết nhỏ ở đây như được thổi hồn bởi các nghệ nhân làng gốm và đất nung. Bước vào nơi này có lẽ ai cũng ngỡ ngàng mà lặng người nhìn ngắm không gian như được hòa quyện bởi nhiều màu sắc, một sự pha trộn giữa lửa và nước đầy độc đáo.
"Tại làng gốm Thanh Hà, bao quanh công viên, tôi đã xem các nghệ nhân tạo hình gốm bằng tay trên bánh xe gốm và sau đó nung chúng trong lò đốt bằng củi", tác giả viết.
Công viên đất nung Thanh Hà tái hiện một thế giới gốm Việt thu nhỏ, nơi tập trung những tác phẩm độc đáo của các nghệ nhân tài hoa từ khắp nơi trên đất nước. Hai tòa nhà lớn ở đây không chỉ lấy nguồn gốc từ văn hóa Chăm hay Sa Huỳnh, mà còn lấy cảm hứng từ hai loại lò nung của làng là lò úp và lò ngửa – hai khái niệm Âm Dương của văn hóa phương Đông.
Trong 5 thế kỷ, cộng đồng ở phía tây Hội An này đã sản xuất rất nhiều tác phẩm gốm sứ tinh xảo. Trong thời gian gần đây, điểm đến thường thu hút số lượng lớn khách du lịch vào công viên. Khu vực nhỏ nhưng có cảnh quan tuyệt đẹp này có hàng trăm tác phẩm điêu khắc nằm rải rác giữa ao, cầu, bãi cỏ và lùm cây. Trung tâm của công viên là bảo tàng về lịch sử gốm sứ.
Công viên 3/2, Huế
"Sau nhiều giờ khám phá Cố đô Huế, tôi đi qua cây cầu bắc qua sông Hương và nhìn xuống không gian xanh yên bình đến lạ của Công viên 3/2", tác giả viết.
Công viên 3/2 là một công viên lớn và có thể nói là đẹp nhất ở thành phố Huế nằm bên dòng sông Hương. Nơi đây đang trưng bày hàng chục bức tượng của nhiều nhà điêu khắc thế giới và Việt Nam, được sáng tạo khi tham gia Festival Huế. Công viên cũng gắn liền với lịch sử của thành phố.
Công viên Tao Đàn, thành phố Hồ Chí Minh
Trong khi Thành phố Hồ Chí Minh có sức hấp dẫn lớn đối với khách du lịch bởi có vô số bảo tàng, khu chợ rộng lớn, cuộc sống về đêm và rất nhiều di tích lịch sử nhưng lại là điểm đến chủ yếu dành cho người lớn. Đây có thể là lý do tại sao tôi ngay lập tức chú ý đến cả sân chơi hiện đại và bóng râm quan trọng được cung cấp bởi những cây cao chót vót trong Công viên Tao Đàn xinh đẹp.
Công viên sở hữu hàng trăm cây thường xanh, một số cây cao hơn 20m. Và trong những khu vườn sở hữu rất nhiều loại hoa đầy màu sắc - là điểm đến phổ biến để tổ chức lễ hội hoa hàng năm, trong đó lễ hội lớn nhất là vào dịp Tết Nguyên đán của Việt Nam./.