• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Báo quốc tế ngợi ca những ngôi nhà gỗ độc đáo của cộng đồng dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên

Văn hoá 19/12/2023 15:32

(Tổ Quốc) - Theo hãng CNN, khi nhắc đến nghề thủ công truyền thống lâu đời ở Việt Nam, những bộ trang phục rực rỡ của người dân tộc thiểu số người Mông Hoa hay người Dao Đỏ ở miền Bắc Việt Nam thường thu hút chú ý của du khách trong và ngoài nước.

Đến khám phá vùng đất du lịch Tây Nguyên – khu vực giáp ranh với Lào và Campuchia, du khách có thể tìm thấy rất nhiều kiến trúc bản địa đặc biệt.

Báo quốc tế ngợi ca những ngôi nhà gỗ độc đáo của cộng đồng dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên - Ảnh 1.

Kiến trúc nhà của dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên trưng bày tại Bảo tàng dân tộc học Việt Nam. Ảnh: CNN

Người Êđê, Bahnar và Gia-rai chỉ là 3 trong số cộng đồng dân tộc thiểu số ở Việt Nam, với dân số khoảng 200.000 đến 300.000 người mỗi nhóm dân tộc. Quê hương truyền thống của nhóm người dân tộc thiểu số này là ở các tỉnh Đắc Lắc, Gia Lai và Kon Tum. Theo hãng CNN, cộng đồng dân tộc thiểu số ở Việt Nam thường tuân thủ nghiêm ngặt lối sống truyền thống, vốn giàu các nghi lễ vật linh và những ngôi nhà gỗ truyền thống lâu đời sống qua nhiều thế hệ ở làng.

Ngôi nhà truyền thống dài thật dài

Người Ê Đê xây nhà dài – đôi khi rất dài. Cộng đồng dân tộc Ê Đê theo chế độ mẫu hệ nên khi con gái ở trong nhà lấy chồng, người ta xây thêm một gian khác để vợ chồng con gái ra ở riêng. Bằng cách này, sự thịnh vượng của một gia đình được thể hiện rõ qua chiều dài của tòa nhà. Một số nhà có chiều dài lên tới 100m.

"Những ngôi nhà được xây dựng trên những cây cột thấp và làm bằng gỗ, tre, với cầu thang đôi được chạm khắc bằng gỗ ở lối vào - một dành cho nam và một dành cho nữ", tác giả viết.

Để phân biệt, cầu thang nữ được trang trí thêm. Bên trong nhà dài, không gian được chia thành khu sinh hoạt chung và các phòng ngủ riêng. Khu vực sinh sống thường tập trung rất nhiều phụ nữ dệt vải, nghề thủ công truyền thống nổi tiếng với hàng dệt thổ cẩm và sử dụng thuốc nhuộm tự nhiên - còn nam giới thì làm những công việc như sửa chữa nông cụ.

Người Ê Đê sinh sống chủ yếu ở tỉnh Đăk Lăk, đặc biệt là khu vực xung quanh Buôn Ma Thuột.

Du khách thường có cơ hội khám phá bên trong những ngôi nhà dài ở Ako Dhong, một ngôi làng chỉ cách Buôn Ma Thuột vài km về phía bắc. Những người dân địa phương thân thiện thường mời người lạ đến xem những công trình kiến trúc ấn tượng của họ và khuyến khích khách mua một mẫu dệt vải của người Ê Đê dưới dạng túi đeo vai hoặc ví.

Ngôi nhà cao nhất, biểu tượng của một ngôi làng

Ấn tượng không kém những ngôi nhà dài của người Êđê, chính những ngôi nhà cao của người Bahnar và Giarai mang đến cảnh quan mang tính biểu tượng nhất ở Tây Nguyên, Việt Nam.

Báo quốc tế ngợi ca những ngôi nhà gỗ độc đáo của cộng đồng dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên - Ảnh 2.

Nhà rông. Ảnh: CNN

Khi bước chân vào ngôi làng Bahnar hoặc Giarai, du khách sẽ bị thu hút bởi Nhà rông - một biểu tượng đặc sắc, đầy ấn tượng của vùng đất Tây Nguyên. Nhà rông cao chót vót, nằm ở trung tâm mỗi ngôi làng và có thể cao tới 30m, mặc dù hầu hết chỉ cao khoảng 15 đến 20m. Nhà rông càng cao thì vị thế của ngôi làng càng lớn. Các công trình kiến trúc cao chót vót được xây dựng trên những cây cột và có thể tiếp cận, giống như những ngôi nhà dài của người Ê-đê.

Bên trong bao gồm một bệ tre đủ lớn để chứa tất cả dân làng. Những người xây dựng phải có khả năng quan sát độ cao tốt. Đỉnh mái hình lưỡi dao được trang trí hoa văn đặc trưng khác nhau ở mỗi làng.

Nhà rông là tâm điểm của cuộc sống làng quê. Ngôi nhà truyền thống này được sử dụng cho các cuộc họp, giải quyết các tranh chấp tư pháp và cho nhiều nghi lễ và lễ hội của người Bahnar. Tại đây, người dân địa phương mặc trang phục bộ lạc, chơi cồng chiêng và hát.

Nghi lễ quan trọng nhất trong số những nghi lễ này là lễ hiến tế trâu. Đây là lễ hội bảo tồn những giá trị văn hóa cổ truyền của người Co như nghệ thuật tạo hình trên cây gu, nêu, đấu chiêng, hát dân ca xà ru, a giới và ẩm thực…

Nhà mồ - nét văn hóa tâm linh của người Gia-rai

Báo quốc tế ngợi ca những ngôi nhà gỗ độc đáo của cộng đồng dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên - Ảnh 3.

Nhà mồ mang văn hóa tâm linh của người Gia-rai. Ảnh: CNN

Hầu hết người Việt Nam thờ cúng tổ tiên nhưng lễ hội bỏ mả với đồng bào Gia-rai được xem là ngày quan trọng, mang tính văn hóa và cũng mang tính cộng đồng.

Nhà mồ, tượng mồ - những tác phẩm nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc dân gian độc đáo được ra đời vào dịp lễ hội này. Hầu hết các làng Giarai đều có nghĩa địa ở phía Tây, được chia thành các mảnh đất gia đình có rào chắn, các thành viên trong gia đình được chôn chung trong một ngôi mộ.

Những tài sản quý giá như ti vi hoặc xe đạp có thể được an nghỉ cùng người chết trong lễ bỏ mả. Những bức chạm khắc bằng gỗ đơn giản về các nhân vật với nhiều tâm trạng khác nhau được đặt trên ngôi mộ.

Trước lễ bỏ mả vài chục ngày, người Gia-rai vào rừng chọn cây gỗ tốt để dựng nhà mồ. Nhà mồ là sản phẩm kiến trúc độc đáo được dựng lên từ những bàn tay tài hoa, khéo léo của cả cộng đồng.

Người dân tộc Bahnar và Gia-rai sống chủ yếu ở các tỉnh phía bắc Đăk Lăk – Gia Lai và Kon Tum. Thị trấn Kon Tum được bao quanh bởi những ngôi làng có nhà rông và đôi khi du khách có thể nghỉ lại qua đêm trong những công trình kiến trúc tuyệt vời này.

Và theo tác giả, nếu không có thời gian đến những vùng đất xa xôi, ghé thăm Bảo tàng Dân tộc học ở Hà Nội cũng là điểm đến lý tưởng của du khách để khám phá văn hóa cũng như cuộc sống của cộng đồng dân tộc thiểu số Việt Nam./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ