(Tổ Quốc) - Asia Times giải thích nguyên nhân tại sao Hiệp định thương mại với châu Âu đặc biệt quan trọng cho Việt Nam.
Thời báo châu Á (Asia Times) nhận định, trong khi tương lai của Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) còn chưa rõ ràng, Việt Nam đang hướng tới Hiệp định thương mại châu Âu với hy vọng, nó sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thu hút đầu tư cho quốc gia.
Việt Nam đặt nhiều kỳ vọng vào hiệp định thương mại tự do với EU (ảnh: Asia Times) |
Việt Nam và EU đã đặt ra kế hoạch thống nhất và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA) vào đầu năm 2018. Được đặt những viên gạch đầu tiên từ năm 2012, các bên tham gia đều kỳ vọng, hiệp định này sẽ thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các quốc gia thành viên EU.
Theo quy tắc, để chính thức được thông qua, từng quốc gia thành viên của EU phải trực tiếp đồng ý với Hiệp định trên. Asia Times nhắc lại chuyến công du châu Âu tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 vừa rồi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, và cho rằng đây là một bước đi quan trọng trong những nỗ lực của Việt Nam nhằm đẩy nhanh quá trình hoàn thiện EVFTA.
Asia Times cũng dẫn lại lời một số báo Việt Nam, trong đó đề cập đến việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp gỡ với 14 nhà lãnh đạo thế giới tại Hamburg, trong đó bao gồm cả Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Juncker. Cũng trong dịp này, Thủ tướng Việt Nam còn có hai chuyến thăm chính thức đến Đức và Hà Lan – hai đối tác thương mại châu Âu lớn thứ nhất và thứ hai của Việt Nam.
Theo ước tính, Đức nhập khẩu hơn 20% tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào châu Âu. Năm ngoái, thương mại song phương giữa hai nước đạt 9 tỷ USD. Trong khi đó, Hà Lan là nhà đầu tư châu Âu lớn nhất của Việt Nam với tổng giá trị đầu tư lên tới 7,7 tỷ USD.
Theo Asian Times, EVFTA là sự lựa chọn tốt nhất cho Việt Nam sau TPP. Việc Tổng thống Trump quyết định rút Mỹ khỏi TPP ngay trong những ngày nhậm chức đầu tiên, đã khiến hiệp định - dự tính được thông qua bởi 12 quốc gia, đã bị đổ vỡ và chưa có ngày khôi phục.
Sau Mỹ, châu Âu là thị trường xuất khẩu lớn nhất cho Việt Nam, đặc biệt với các mặt hàng điện máy, giày dép và may mặc. Năm 2006, thương mại giữa EU và Việt Nam chỉ vỏn vẹn 10 tỷ USD. Một thập kỷ sau, con số này đã đạt mức 48 tỷ USD.
Asia Time dự đoán, một khi EVFTA được ký kết và thực thi, giá trị thương mại song phương giữa hai bên sẽ tiếp tục gia tăng đáng kể.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, những tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng và tính an toàn của châu Âu khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam khó có thể cạnh tranh tại thị trường này. Sự đồng đều của hàng hóa cũng như sự ổn định trong chuỗi cung cấp phải được duy trì. Ví dụ như, các doanh nghiệp nông nghiệp, phải đáp ứng được các điều kiện ngặt nghèo về “nguồn gốc”; trong khi đó, các nhà sản xuất điện tử đứng trước hệ thống luật pháp về bản quyền phức tạp, được quy định trong EVFTA. Một khi Hiệp định này được thực thi, có khả năng nhiều doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải chịu điều tra, thậm chí là rơi vào hoàn cảnh khó khăn hơn.
Bốn lý do giải thích cho tầm quan trọng đặc biệt của EVFTA
Asia Times cũng dẫn lời giới phân tích cho rằng, đối với Việt Nam, EVFTA đặc biệt quan trọng bởi bốn lý do chính.
Thứ nhất và có lẽ quan trọng nhất, Việt Nam đang rất cần các nguồn vốn đầu tư nước ngoài mới, đặc biệt cho các dự án cơ sở hạ tầng và sản xuất năng lượng chủ chốt.
Thứ hai, Việt Nam tin rằng, các nhà đầu tư châu Âu có thể coi Việt Nam như một bước khởi đầu, để mở rộng hơn nữa thị trường trong khu vực. Hiện châu Âu chưa có hiệp định thương mại tự do với bất kỳ quốc gia Đông Nam Á nào. Mặc dù Hiệp định Thương mại tự do EU – Singapore (ESFTA) đã được thống nhất vào năm 2014; tuy nhiên, có cơ sở để tin rằng, thời điểm thông qua văn kiện này, thậm chí có thể còn muộn hơn cả EVFTA. Đối với châu Âu, EVFTA có thể là bước đầu tiên hướng tới một hiệp định thương mại tự do với khối ASEAN.
Thứ ba, không như TPP, EVFTA không kèm theo các điều kiện liên quan đến chính trị có thể gây những bất đồng không đáng có giữa các bên tham gia.
Cuối cùng, EVFTA được đánh giá là sẽ góp phần đẩy mạnh tốc độ cải tổ kinh tế Việt Nam, đặc biệt ở tính minh bạch và công bằng đối với các hợp đồng có sự tham gia của Chính phủ và doanh nghiệp Nhà nước.
Chính thức hoạt động vào năm 1995, Asia Times hiện là một trong tạp chí điện tử uy tín nhất, do người châu Á điều hành và đặc biệt phục vụ cho đối tượng người đọc nói tiếng Anh.
(Theo Asia Times)