Bão số 1 suy yếu không như dự đoán ban đầu: Chuyên gia giải đáp thắc mắc
(Tổ Quốc) - Theo chuyên gia khí tượng thủy văn, bão số 1 suy yếu nhanh do ma sát với địa hình, vì vậy gió bão yếu hơn và mưa cũng không nhiều. Tác động của bão cũng nhẹ nhất.
Chiều 18/7, thông tin phát đi mới nhất từ Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia được biết, bão số 1 sau khi đi sâu vào đất liền đã suy yếu nhanh chóng. Tâm bão số 1 (bão Talim) vẫn ở trên đất liền khu vực phía Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/giờ), giật cấp 10.
Trong thời gian tiếp theo, áp thấp nhiệt đới chủ yếu di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được 20 km.
Đến 4 giờ ngày 19/7, tâm áp thấp nhiệt đới nằm trên khu vực Việt Bắc nước ta và suy yếu thành một vùng thấp.
Khác với dự đoán trước đó, tâm bão sẽ đổ bộ thẳng vào 2 tỉnh Hải Phòng và Quảng Ninh, sức gió có thể giật cấp 15. Cơn bão số 1 đi qua nước ta nhẹ hơn dự đoán rất nhiều.
Lý giải thắc mắc trên ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, nhận định cơn bão số 1 là một cơn bão hình thành trên dải hội tụ nhiệt đới, sau đó di chuyển tương đối ổn định, chủ yếu theo hướng tây tây bắc. Cường độ cực đại của bão số 1 đạt cấp 13, giật cấp 17 trước khi đổ bộ vào khu vực bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc).
Sáng 18/7, sau khi đổ bộ vào khu vực phía bắc của bán đảo Lôi Châu, bão số 1 suy yếu dần. Sau đó cơn bão vượt qua bán đảo Lôi Châu đi dọc khu vực phía nam tỉnh Quảng Tây, sau đó bão đi dọc biên giới nước ta và suy yếu thành vùng thấp.
"Hướng di chuyển của bão số 1 chủ yếu do áp cao cận nhiệt đới ở khoảng 5 km chi phối. Tùy mức độ phát triển và mở rộng của áp cao cận nhiệt đới về phía tây mà bão số 1 sẽ có hướng và tốc độ di chuyển khác nhau", ông Lâm cho hay.
Theo chuyên gia, thông thường, bão, áp thấp nhiệt đới do trường dòng dẫn ở các tầng khí quyển chi phối.
Thêm kịch bản thứ 3 khi bão rẽ tâm bão vào Trung Quốc
Trước đó, Trung tâm Dự báo KTTV cũng đã đánh giá cơn bão theo 2 kịch bản. Với kịch bản thứ nhất, nếu áp cao cận nhiệt đới lấn về phía tây với cường độ trung bình, bão sẽ di chuyển theo hướng tây tây bắc và ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Quảng Ninh, Hải Phòng.
"Kịch bản 1 có khả năng xảy ra cao nhất và cũng là kịch bản sẽ có tác động xấu nhất. Đây là kịch bản đã từng xảy ra trong trường hợp cơn bão số 2 (Rammasun) đổ bộ vào Bắc Bộ ngày 19/7/2014, cũng là một năm El Nino (El Nino giai đoạn 2014-2015). Bão Rammasun đã gây ra gió mạnh cấp 9, giật cấp 10 ở Quảng Ninh; gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8 ở tỉnh Lạng Sơn và Bắc Giang; gió giật mạnh cấp 6-7 ở các tỉnh Hải Phòng, Bắc Ninh và Hải Dương. Lượng mưa phổ biến 100-300mm và ra một đợt lũ lớn trên thượng lưu sông Hồng.
Lũ trên sông Đà đến hồ Sơn La và sông Chảy tại Bảo Yên đều vượt mức báo động 3. Đỉnh lũ trên sông Thao tại Yên Bái, sông Lô tại Hà Giang đều vượt mức báo động 2; sông Lô tại Tuyên Quang vượt mức báo động 1", ông Lâm phân tích.
Với kịch bản thứ 2, nếu cao cận nhiệt đới lấn về phía tây mạnh, bão sẽ di chuyển lệch về phía nam nhiều hơn và đi vào khu vực phía nam của vùng đồng bằng Bắc bộ.
Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết thêm ngoài 2 kịch bản trên có một kịch bản được đánh giá ít xảy ra nhất, nhưng nó lại xảy ra, là kịch bản thứ 3, cao cận nhiệt đới hoạt động yếu, bão sẽ di chuyển lệch bắc nhiều hơn và đi vào phía nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).
"Với kịch bản này, bão số 1 suy yếu nhanh do ma sát với địa hình, vì vậy gió bão yếu hơn và mưa cũng không nhiều. Tác động của bão cũng nhẹ nhất. Điều này đã được cơ quan khí tượng lường tới khi bão mới hình thành", ông Lâm nói.
Từ chiều 18/7 đến ngày 19/7, ở khu vực Đông Bắc, Việt Bắc có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm, cục bộ có nơi trên 300mm; khu vực Tây Bắc có mưa to với lượng mưa 50-150mm, vùng đồng bằng Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 50-70mm. Đề phòng mưa với cường suất lớn gây ngập úng đô thị. Cảnh báo nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái.