(Tổ Quốc) - Cơn bão số 10 đã làm hư hỏng nghiêm trọng cây cầu treo ở xã Liên Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình). Hàng trăm người dân và học sinh hàng ngày liều mình qua sông.
Xã Liên Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) là địa phương có địa hình hiểm trở, đường sá đi lại rất khó khăn. Nhiều năm nay, cây cầu treo bắc qua sông Son, nối liền giữa hai thôn Phú Hữu và Phú Kinh (thuộc xã Liên Trạch) là con đường huyết mạch để người dân, học sinh qua lại.
Tuy nhiên, cơn bão số 10 vừa qua đã khiến cây cầu này bị hư hỏng nặng. Theo quan sát, hệ thống dầm cầu ở phía đông (phía thôn Phú Kinh) đã bị gió bão xô lệch ra khỏi mố và trụ cầu hoàn toàn.
Cầu treo bị hư hỏng nặng, người dân, học sinh phải đi đò qua sông. |
Theo UBND xã Liên Trạch, bão cũng đã làm đứt 17 dây néo ở đoạn giữa cầu, dây chằng gió bị dứt 3 múi hàn và trên 15 múi bị uốn cong. Để tránh nguy hiểm xảy ra, UBND xã Liên Trạch đã treo biển cấm qua lại.
Cây cầu hư hỏng đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt, làm việc, học hành của người dân địa phương. Đặc biệt đối với các em học sinh, hiện có khoảng 150 em học sinh bậc THPT; 200 em học sinh bậc THCS, tiểu học và mầm non đều đi qua cây cầu này để đến trường.
Hiện tại, người dân địa phương phải đi đò qua sông. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, một số người dân và học sinh vẫn liều mình để đi qua cây cầu đã hư hỏng bị cấm qua lại.
Anh Nguyễn Đức Lưu bế đứa con trai 5 tuổi liều mình đi qua cây cầu treo đã hư hỏng. |
Bà Hoàng Thị Tuyết (SN 1957, ở thôn Phú Kinh, xã Liên Trạch) cho biết, cháu của bà học cấp 1 ở bên kia sông. Trước đây, cầu treo còn kiên cố thì cháu tự đến trường được. Nhưng từ sau cơn bão số 10 vừa rồi, cầu bị hỏng phải đi bằng đò qua sông nên mỗi ngày bà đưa đón cháu đi học 4 lượt.
“Mỗi ngày tôi đưa cháu đi học 4 lượt cả đi lẫn về, mà đưa đi vậy thôi chứ tôi thấy lo lắng lắm. Đi đò rất nguy hiểm, mình đưa cháu đi vậy nhưng nhỡ đang ở giữa sông mà đò bị lật thì cũng chẳng biết làm sao được. Giờ chúng tôi tha thiết mong các cấp, các ngành, các nhà tài trợ quan tâm, sớm giúp dân chúng tôi xây dựng lại cây cầu để con em đi lại đỡ vất vả hơn”, bà Tuyết nói.
Nhiều người dân khác cũng vẫn liều mình đi qua cầu. |
Cũng như bà Tuyết, anh Nguyễn Đức Lưu hàng ngày cũng phải đưa con đi học 4 lượt cả đi lẫn về. Khi chúng tôi gặp anh là lúc anh đang cùng đứa con trai 5 tuổi (đang học mẫu giáo) liều mình đi qua cây cầu treo đã bị hư hỏng.
Anh tâm sự, ra đợi đò nhưng chờ lâu quá nên anh cùng nhiều người nữa đã cùng con đi liều qua cầu.
“Hai đứa con của tôi, một đứa học lớp 3, một đứa mẫu giáo đều phải qua bên kia sông để học. Từ khi cây cầu bị hư hỏng, mỗi ngày tôi phải đưa đón con mấy lượt. Lớp mầm non được nghỉ sớm hơn nên đến giờ là tôi đến đưa về trước rồi mới lại quay sang đón đứa tiểu học.
Cứ như thế này mãi thì chúng tôi thấy vất vả quá. Cả ngày chỉ lo việc đi lại đến trường của con mà không làm được việc gì cả. Chưa kể việc đi lại rất nguy hiểm nữa”, anh Lưu nói.
Hệ thống dầm cầu bị gió bão xô lệch hoàn toàn ra khỏi mố cầu. |
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc, ông Hoàng Hải Quân, Trưởng thôn Phú Kinh cho biết: “Cầu treo bị hỏng nên hiện người dân địa phương phải qua lại bằng đò. Học sinh đi đò thì được chính quyền xã hỗ trợ, còn người dân đi qua thì mỗi lượt 2 nghìn đồng, có xe máy thì 5 nghìn đồng. Còn đối với người dân địa phương khác thì 10 nghìn đồng cả người và xe máy mỗi lượt.
Cây cầu treo này là tuyến giao thông huyết mạch của địa phương. Cũng có thể đi đường khác nữa nhưng nếu đi đường đó thì phải đi mất khoảng 30 - 40 km. Chúng tôi mong muốn cây cầu sớm được tu sửa để người dân đi lại đỡ vất vả hơn”.
Được biết, UBND tỉnh Quảng Bình đã giao UBND huyện Bố Trạch trực tiếp có kế hoạch sửa chữa cây cầu treo này.
Hải Thanh