(Tổ Quốc) - Bão số 2 đang tiến vào gần đất liền, thế nhưng tại bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) vẫn có hàng trăm người lớn lẫn trẻ em lao ra nô đùa với con sóng dữ.
Người dân vẫn "vô tư" tắm biển khi bão số 2 đang vào |
Ghi nhận của Báo Điện tử Tổ Quốc, tại thành phố biển Sầm Sơn (lúc 11 giờ trưa nay) trời mưa khá nặng hạt, gió cũng bắt đầu thổi khá mạnh. Tuy nhiên, ở phía bãi biển, hàng trăm du khách từ người lớn đến trẻ em vẫn lao ra mép nước “vô tư” nô đùa với những con sóng dữ.
Sóng biển mỗi lúc một to, nước biển đục ngầu và gió mỗi lúc càng mạnh, còn trời thì lúc tạnh, lúc mưa khá nặng hạt nhưng theo một du khách ở Hà Nội cho biết: "Thấy trời lúc tạnh, lúc mưa nên tranh thủ ra tắm biển chút. Tối bão mới vào cơ mà".
Trước sóng lớn, Đội cứu hộ, cứu nạn bãi biển Sầm Sơn liên tục phát lời cảnh báo, yêu cầu du khách không được tắm biển nhưng đều …. vô nghĩa. Ngoài ra, những người làm công tác cứu hộ cũng xuống tận mép nước, căng cờ báo hiệu, yêu cầu mọi người lên bờ nhưng cũng đành... bất lực
Theo kinh nghiệm của nhiều người dân biển cho biết, trước khi bão đổ bộ vào đất liền, mà trời lúc mưa lúc tạnh, thậm chí có hửng sáng, sóng biển cao dần, nước đục ngầu…có nghĩa, bão lớn đang tiến vào bờ.
Theo thông tin từ Ban chỉ huy Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, tính đến 9 giờ sáng nay, toàn tỉnh Thanh Hoá vẫn còn 1.718 phương tiện tàu, thuyền với 8.453 lao động đang hoạt động trên biển, nhưng tất cả các tàu đều giữ liên lạc với đất liền và đang tìm nơi trú ẩn an toàn.
Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Thanh Hóa cho biết đã triển khai các biện pháp thông báo, kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển về nơi trú ẩn an toàn. Đến thời điểm này toàn bộ 7.375 phương tiện nghề cá của tỉnh, trong đó có 5.690 phương tiện hoạt động trên biển đã được thông tin và đang trên đường vào nơi tránh trú bão.
Hiện tại, Thanh Hóa có 610 hồ đập lớn nhỏ, nhưng qua kiểm tra, có tới 121 hồ không đảm bảo an toàn. Do vậy, các địa phương không được tích nước hoặc tích nước hạn chế ở những hồ đập mất an toàn.
Ngoài ra, Ban Chỉ huy cũng đã có công điện yêu cầu Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 2; tổ chức kiểm đếm, thường xuyên giữ thông tin liên lạc, thông báo, hướng dẫn cho các chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão để thoát ra hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm. Các huyện miền núi, vùng nguy cơ xảy ra sạt lở cao, vùng cửa sông, ven biển phải sẵn sàng khi có lệnh sơ tán dân.