• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bảo tàng Báo chí Việt Nam tiếp nhận nhiều hiện vật quý

Văn hoá 17/03/2018 08:42

(Tổ Quốc) -Chiều 16/3 tại Hà Nội, trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc năm 2018 đã diễn ra Lễ hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam lần thứ 8 và gặp gỡ các nhà báo lão thành tuổi 90.

Đợt tiếp nhận lần này cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam có 5 nhóm hiện vật;  Nhóm hiện vật do các cơ quan báo chí của Trung ương và địa phương, các hội nhà báo địa phương; Nhóm hiện vật do gia đình các nhà báo đã mất hiến tặng; Nhóm hiện vật do các gia đình nhà báo liệt sỹ hiến tặng; Nhóm hiện vật các nhà báo quân đội hiến tặng.

Đại diện Bảo tàng Báo chí Việt Nam tiếp nhận hiện vật hiến tặng

Có thể kể đến các hiện vật được hiến tặng trong đợt này như: 39 cuốn sách (giáo trình giảng dạy, công trình nghiên cứu đã in sách) của các giảng viên, nhà nghiên cứu, nhà báo của Khoa Báo chí - Học viện Báo chí & Tuyên truyền; Hội Nhà báo tỉnh Hà Giang tặng 6 tài liệu, hiện vật, trong đó có 2 số báo gốc “Hà Giang” phát hành năm 1964 và “Hà Tuyên mặt trận” phát hành năm 1984.

Máy đánh chữ M16 được sử dụng vào thập kỷ 70 và 80, cuốn sách “Điện Biên Phủ qua các bài viết tại mặt trận” của nhà báo Trương Cộng Hòa, bức ảnh chụp “Đồng chí Trường Chinh thăm lớp đào tạo báo chí dài hạn tháng 7-1964” cũng được hiến tặng cho Bảo tàng.

Một số hiện vật được trưng bày tại Lễ hiến tặng

Bảo tàng Báo chí Việt Nam nhận được từ gia đình cố nhà báo Xuân Thủy chiếc cà-vạt lúc sinh thời ông thường dùng. Chiếc ống nhòm nửa thế kỷ trước nhà báo Xuân Thủy đã sử dụng để nhìn sang bên kia cầu Hiền Lương trong chuyến công tác Vĩnh Linh, chiếc áo Tôn Trung Sơn - ông mặc tại Đại hội lần thứ II Hội Nhà báo Việt Nam năm 1959 cùng một số bút tích, bản thảo…

Gia đình cố Nhà báo Nguyễn Thành Lê đã hiến tặng Bảo tàng nhiều kỷ vật quý gắn với cuộc đời làm báo của ông. Lần này trao hơn 400 cuốn sách và một số sổ tay ghi chép... Đây là những kỷ vật gắn bó, gần gũi với cố nhà báo và phục vụ đắc lực công tác làm báo lúc sinh thời của ông.

Bên cạnh đó, đợt này Bảo tàng còn nhận được bức ảnh “Tác nghiệp tại hang Rơi, làng Lò, mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang năm 1979” của Thiếu tướng Nguyễn Quang Thống, nguyên Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân, bức ảnh “Hai người lính” của NSNA Chu Chí Thành, nguyên Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh Việt Nam...



Nhân dịp này, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã tổ chức gặp gỡ 11 nhà báo lão thành như: Hà Đăng, Trần Kiên, Lý Thị Trung, Nguyễn Khắc Tiếp, Phạm Phú Bằng, Nguyễn Trần Thiết, Võ Thế Ái, Đào Nguyên Cát, Phan Quang...

Điểm chung của các nhà báo này ngoài tuổi tác đều đã từ 90 trở lên, đều trải qua chiến tranh, họ còn là những cây bút đã góp phần viết nên lịch sử báo chí cách mạng nước nhà. Mục tiêu và tâm huyết suốt đời họ theo đuổi để cầm bút, để tự hào là vì dân, vì nước. Hiện nay, trong số những nhà báo này không ít người vẫn còn “tung hoành” trên các tờ báo từ trung ương tới địa phương, được công chúng, độc giả yêu mến, kính trọng. Các nhà báo lão thành trở thành tấm gương sáng cho thế hệ nhà báo trẻ noi theo.

 

Hà Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ