Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh (TP.HCM) là nơi lưu giữ những ký ức của lịch sử, đặc biệt thu hút đông đảo du khách nhất là khách quốc tế. PV đã có cuộc trao đổi với bà Huỳnh Ngọc Vân - Giám đốc Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh.
Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh (TP.HCM) là nơi lưu giữ những ký ức của lịch sử, đặc biệt thu hút đông đảo du khách nhất là khách quốc tế. PV đã có cuộc trao đổi với bà Huỳnh Ngọc Vân - Giám đốc Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh.
PV: Thưa bà, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh là một trong những điểm đến được du khách ưa thích, vậy đâu là điều đặc biệt làm nên sự hấp dẫn ấy?
Bà Huỳnh Ngọc Vân: Trong năm 2010 đến nay, khi mà bảo tàng nhận được công trình mới là tòa nhà lớn với 1 tầng trệt, 2 tầng lầu, các trang thiết bị hiện đại như có điều hòa, có các hệ thống chiếu phim tư liệu, lịch sử hiện đại thì đã dần đưa vào hoạt động và phục vụ du khách một các tốt hơn nên lượng khách đến với bảo tàng cũng tăng lên đáng kể. Bình thường những năm trước, lượng du khách đến với bảo tàng từ 400.000 đến 500.000 lượt khách tham quan, nhưng trong năm nay, bảo tàng có thể đạt 600.000 lượt khách đến tham quan.
Về mặt nội dung, bảo tàng chúng tôi cũng có những bổ sung và có những chương trình triển lãm, chuyên đề để du khách có những thông tin mới để khách tìm hiểu thêm về cuộc chiến tranh vệ quốc của mình dưới nhiều góc nhìn khác nhau. Ví dụ, bảo tàng có những cuộc triển lãm rất nổi tiếng như “Tình yêu trong chiến tranh”, “Việt Nam vươn lên sau chiến tranh”, vừa rồi là cuộc triển lãm về tình hữu nghị “ Việt Nam – Rumani”… Bên cạnh những cuộc triển lãm thường ngày thì những triển lãm chuyên đề để cho du khách đến với bảo tàng có những sự trải nghiệm và những thông tin mới và hấp dẫn. Ngoài ra, bảo tàng có những buổi giao lưu giữa các nhân chứng chiến tranh và khách tham quan. Khách tham quan trong và ngoài nước có nhu cầu thì sẽ được tổ chức để giao lưu với các nhân chứng như cựu chiến binh, cựu tù chính trị, nạn nhân chất độc màu da cam… du khách sẽ được nghe những câu chuyện có thật về cuộc đời của họ, về những mất mát đau thương mà các nhân chứng trong chiến tranh đã phải chịu đựng. Những câu chuyện như vậy, thường là khách sẽ rất xúc động, tin vào những hiện vật, những gì mà mình đã trưng bày. Đó cũng là cách để mình thu hút khách. Tất cả những khách nào đã tham gia giao lưu các chương trình như vậy thì cũng có những ấn tượng sâu sắc về bảo tàng.
Riêng trong năm nay, bảo tàng cũng có những hình thức mới để thu hút khách, cụ thể như tháng 6/2011 chúng tôi đã có cuộc giao lưu “Ẩm thực thời kháng chiến”, trong đó chúng tôi tái hiện lại những món ăn mà người dân Việt Nam dùng trong thời gian kháng chiến chống Mỹ, ví dụ như khoai lang, khoai mỳ, bánh tét, cơm nắm… Hay như nhân ngày Gia đình Việt Nam, bảo tàng có những hình thức mới như mời 5 gia đình và mỗi gia đình là 3 thế hệ đến với bảo tàng.
Ở trên lầu 2, chúng tôi có phòng giáo dục truyền thống cho thiếu nhi, các cháu thiếu nhi mỗi khi đến nơi đây sẽ được đọc sách, chơi trò chơi, vẽ tranh, nặn tượng về đề tài hòa bình, đề tài tình hữu nghị và hòa bình giữa các dân tộc… như vậy đó cũng là hình thức rất là mới, thể hiện những biện pháp khác nhau để bảo tàng giáo dục lòng yêu hòa bình cho trẻ em ngay từ lúc các em còn rất là nhỏ.
PV: Vậy, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh làm gì để không những là nơi trưng bày các hiện vật lịch sử mà còn là một điểm đến hấp dẫn in đậm trong lòng du khách?
Bà Huỳnh Ngọc Vân: Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh được cái may mắn là đón nhận du khách của hầu như tất cả các công ty lữ hành du lịch trong và ngoài nước đưa khách đến đây tham quan. Chúng tôi đã tạo được mối quan hệ tốt đẹp giữa bảo tàng và các công ty du lịch. Chúng tôi cũng theo dõi thị hiếu của khách và số lượng khách tăng, giảm của các công ty và số lượng người tham quan. Vừa qua có Hội chợ du lịch ở công viên 23/9, bảo tàng cũng đã mạnh dạn tham gia. Qua sự tham gia như vậy, giữa bảo tàng và ngành Du lịch, cả hai bên đều phải cố gắng chứ không riêng bên nào.
Bên cạnh nội dung trưng bày hấp dẫn thì chúng tôi có tiêu chí khác để thu hút khách. Ví dụ một tấm ảnh, một hiện vật mà mình không chú thích bằng tiếng nước ngoài ít nhất là tiếng Anh thì sẽ rất khó phục vụ du khách nước ngoài. Hoặc mình có HDV phục vụ bằng tiếng Anh hay các thứ tiếng khác nhau cũng là một điều thuận lợi để giúp cho du khách đỡ mất thời gian đọc. Ngoài ra, bảo tàng cũng rất “chiều” khách, nếu du khách đến trễ mà có thông báo trước thì bảo tàng sẵn sàng mở cửa cho du khách trong giờ nghỉ trưa, chiều… Du khách quốc tế nhiều khi qua Việt Nam có một lần, người ta đi trễ mà mình từ chối du khách thì người ta sẽ không còn cơ hội quay trở lại nữa. Việt Nam có những sự đặc biệt về những di tích, những câu chuyện liên quan đến trong chiến tranh. Và, du khách đến Việt Nam rất quan tâm đến những cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và họ muốn tìm hiểu vì sao chúng ta lại chiến thắng được? Chúng tôi nghĩ, đó cũng là điều đặc biệt của đất nước mình, mà ngành Du lịch cần khai thác. Du lịch Việt Nam liên quan đến chiến tranh và hòa bình là một nhu cầu có thật của du khách tham quan, và đã được chứng minh trong suốt nhiều năm qua.
PV: Xin cảm ơn bà!
Theo báo DL