• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bảo tàng Hà Lan “náo loạn” vì gần 200 tác phẩm bị Phát-xít Đức đánh cắp

Văn hoá 11/10/2018 12:22

170 tác phẩm nghệ thuật bị phát-xít Đức ăn cắp, có thể sẽ được trao trả lại cho những chủ nhân cũ.

Bảo tàng Hà Lan “náo loạn” vì gần 200 tác phẩm bị Phát-xít Đức đánh cắp - Ảnh 1.

Tác phẩm "Rừng Hague Forest với góc nhìn cung điện Huis ten Bosch" của Joris van der Haagen (ảnh: alarmy stock)

Một dự án tìm lại các tác phẩm nghệ thuật của các gia đình Do thái bị phát xít Đức đánh cắp, mới đây đã phát hiện ra 170 tác phẩm như vậy tại các bảo tàng ở Hà Lan.

42 trong số 163 cơ sở văn hóa nghệ thuật tham gia dự án Museale Verwervingen đã xác định được những tác phẩm bị nghi ngờ là đồ ăn cắp hoặc bị tịch thu dưới thời Đức quốc xã. Trong số này bao gồm 83 bức tranh, 26 phác thảo và 13 đồ vật thờ cúng Do thái. Theo các chuyên gia, chúng bị lấy đi từ các gia đình Do thái trong khoảng thời gian từ năm 1933 – 1945.

Sau khi một ủy ban xác thực được các yêu cầu "đòi đồ" từ những chủ nhân cũ, các tác phẩm trên sẽ được trao trả lại cho họ.

Năm 2015, một gia đình hoàng gia Hà Lan đã phải trả lại một bức tranh của họa sỹ Joris van der Haagen cho người chủ cũ. Nữ hoàng Juliana từng mua lại tác phẩm từ một nhà buôn nghệ thuật người Hà Lan vào năm 1960 mà không biết lai lịch của nó.

Cuộc điều tra nguồn gốc của hàng chục nghìn tác phẩm nghệ thuật thuộc bộ sưu tập Hoàng gia Hà Lan đã tìm ra chứng cứ cho thấy, người chủ ban đầu của bức tranh trên, đã bị ép phải giao nó cho một ngân hàng phát-xít Đức tại Amsterdam.

Tác phẩm gần đây nhất được trao lại cho chủ cũ là một bức tượng bằng đồng của nhà điêu khắc người Italy Alessandro Vittoria, từng do Quỹ Hannema-de-Stuers sở hữu. Nhà sáng lập quỹ này Dirk Hannema đã mua lại bức tượng trong khoảng từ năm 1948 – 1952 trong một hoàn cảnh không được ghi lại.

Trước khi chiến tranh xảy ra, bức tượng thuộc về Emma Ranette Budge-Lazarus, một người Đức có quốc tịch Mỹ. Ban đầu bà Budge-Lazarus định để lại bộ sưu tập nghệ thuật của mình cho thành phố Hamburg, Đức nhưng lại đổi ý sau khi Adolf Hitler lên nắm quyền hành vào tháng 1/1933. Sau khi bà Budge-Lazarus qua đời vào năm 1937, nhiều tác phẩm trong bộ sưu tập, bao gồm cả bức tượng do Alessandro Vittoria sáng tác, đã bị đem ra bán đấu giá. Cùng lúc, ít nhất một trong những người thừa kế của bà đã bị đưa vào trại tập trung, trong khi những người còn lại chạy ra nước ngoài.  

Phát ngôn viên của dự án Museale Verwervingen, Chris Janssen cho biết: "Nghiên cứu của chúng tôi là một phần quan trọng để đánh giá lịch sử. Một bảo tàng chỉ có thể trưng bày một tác phẩm nghệ thuật đúng đắn nếu câu chuyện và lịch sử phía sau nó là trong sạch".

"Nói cách khác: một bảo tàng phải biết được hành trình mà tác phẩm nghệ thuật đã trải qua trước khi nó đến được bảo tàng", ông Janssen kết luận. 

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ