• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bảo tàng hoàng gia Ontario - nghệ thuật kiến trúc của tương lai

Du lịch 11/09/2009 11:24

Bảo tàng Hoàng gia Ontario (ROM) còn được biết đến với tên gọi khác “công trình Pha lê”. Tọa lạc tại thành phố Toronto, ROM được xem là bảo tàng văn hóa thế giới và lịch sử tự nhiên lớn nhất Canada, là bảo tàng lớn thứ năm ở khu vực Bắc Mỹ với hơn 6 triệu hiện vật và 40 khu triển lãm được trưng bày.

 

Bảo tàng Hoàng gia Ontario (ROM) còn được biết đến với tên gọi khác “công trình Pha lê”. Tọa lạc tại thành phố Toronto, ROM được xem là bảo tàng văn hóa thế giới và lịch sử tự nhiên lớn nhất Canada, là bảo tàng lớn thứ năm ở khu vực Bắc Mỹ với hơn 6 triệu hiện vật và 40 khu triển lãm được trưng bày.
Được thiết kế bởi vị kiến trúc sư người Đức lừng danh thế giới Daniel Libeskind, Bảo tàng hoàng gia Ontario là một trong những dự án bảo tàng lớn nhất thế giới và là một trong những dự án văn hóa trọng yếu nhất của Canada.
Hình khối bất định kiểu dáng tạo một phong cách tối hiện đại
Dự án chuyển tiếp này là công trình được phục hồi từ tòa nhà vốn cũng là viện bảo tàng được xây dựng từ thế kỷ 19. Công trình mới đã tạo cho thành phố một tác phẩm kiến trúc đột phá, một tuyệt tác văn hóa gây ấn tượng mạnh mẽ chưa từng có.
Mấu chốt khiến công trình trở nên độc nhất vô nhị chính là sức ảnh hưởng của mối quan hệ giữa lịch sử và hiện đại, giữa truyền thống và cách tân. Tòa nhà với kiến trúc gấp nếp, dốc đứng mang phong cách hậu hiện đại cộng với hình dáng bất định của những khối lăng trụ đan xen vào nhau tạo thành một tác phẩm nghệ thuật, khẳng định tính ưu việt của “không gian phân tử” - khái niệm kiến trúc mà Libeskind rất ưa chuộng, đồng thời góp phần phát khởi thành trào lưu mới ở châu Âu hiện nay.
Với cấu trúc thép bọc nhôm và kiếng cùng những ô cửa sổ dọc ngang chằng chịt, bảo tàng tạo nên ấn tượng độc đáo ngay từ vẻ ngoài
Kể từ ngày chính thức khởi công đến thời điểm khánh thành tháng 6-2007, ROM trở thành chiến dịch xây dựng tiêu tốn nhất nhưng thành công nhất trong lịch sử kiến trúc các bảo tàng văn hóa của Canada với kinh phí ngốn trọn 270 triệu USD.
Trên tổng diện tích 18.600m2, cấu trúc thép bọc nhôm và kiếng toàn bộ bề mặt cộng với hình thù “dị dạng” tạo nên một Bảo tàng hoàng gia Ontario độc nhất vô nhị nhưng ẩn chứa sự duyên dáng cũng như khơi gợi ma lực hấp dẫn khó cưỡng lại đối với bất kỳ du khách nào. Bố cục mang cấu tạo của nghệ thuật điêu khắc là tâm điểm cho cả thành phố Toronto vốn năng động và hiện đại.
Kết cấu đổ dốc cũng là một thử thách để thi công
Vấn đề khó khăn thật sự của công trình chính là bản thiết kế phức tạp của Libeskind. Cả tòa nhà gần như không hề có một góc 900 nào với toàn bộ góc nhọn, góc tù đan xen hỗn độn, chằng chịt. Với cấu trúc đổ dốc, tòa nhà đe dọa trở thành một cỗ máy tạo “thác tuyết” treo lơ lửng trên đại lộ Bloor. Nhà thầu kết cấu chính của ROM là Walters Inc. of Hamilton đã phải phát minh những hệ thống mới nhằm giải quyết vấn đề này.
Đó là hệ thống sơn phủ hai lớp chống tuyết kết thành khối lớn, thay vào đó tuyết sẽ bị phân tán bởi lớp sơn ấm hơn bên dưới, sau đó tan ra và chảy xuống hệ thống máng xối ngầm.
Qua cánh cửa, du khách sẽ bước vào bên trong để chứng kiến hết sự ngoạn mục của bảo tàng.
Được chia làm hai khu: lịch sử tự nhiên và lịch sử văn hóa, toàn bộ bảo tàng trưng bày hết sự bi tráng của công cuộc chinh phục thiên nhiên cũng như những bước thăng trầm mà nhân loại đạt được từ cổ chí kim. ROM kể lại một câu chuyện độc nhất vô nhị theo cách hết sức đặc biệt được kết tinh từ hơn 6 triệu vật phẩm được trưng bày nơi đây.
Lung linh huyền ảo dưới nhiều sắc màu của ánh đèn đêm
12 bộ phận trong khu lịch sử tự nhiên gồm: thực vật học, côn trùng học, bò sát học, ngư học, ngành động vật không xương sống, ngành động vật hữu nhũ, nấm học, ngành nghiên cứu các loài chim, ngành cổ sinh vật học các loài không xương sống, ngành cổ sinh vật học các loài có xương sống, địa chất học và khoáng vật học. Ngoài ra còn có một gian ngay sảnh chính dành cho việc trưng bày xương hóa thạch của các loài khủng long.
Khu vực lịch sử văn hóa tập hợp bộ sưu tầm các nghiên cứu ngành khảo cổ học cùng hiện vật liên quan mọi nền văn hóa trên khắp toàn cầu, bao gồm các nền văn hóa châu Âu, vùng Viễn Đông, Cận Đông, châu Phi, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ cổ, Rome và dân cư bản địa của Canada.
Ngoài ra, các phòng trưng bày trong khu vực này còn giúp du khách có cái nhìn tổng quan về nghệ thuật đền đài và điêu khắc Trung Hoa, lịch sử ngành dệt may và trang phục, nghệ thuật và nghề thủ công vùng Tây Á, Đông Á và châu Âu cùng với các tạo tác văn hóa nổi bật của những cư dân đầu tiên trên lãnh thổ Canada.
 
Lối ra vào
Khu trưng bày xương khủng long hóa thạch

Bên trong bảo tàng với bố cục của nghệ thuật bố trí và điêu khắc
Với ngần ấy số hiện vật, hiện Bảo tàng hoàng gia Ontario chiếm hơn 80% các vật phẩm được trưng bày trong tất cả viện bảo tàng khắp Canada, là một trong những điểm dừng chân bắt buộc cho tất cả du khách đến Toronto nói riêng và cả Canada nói chung.
Cuối cùng, không thể phủ nhận đây chính là một trong những tác phẩm kiến trúc mang tính cách mạng kiểu dáng Libeskind muốn dành tặng ngành kiến trúc thế giới trong hiện tại và cả tương lai.
(Nguồn Kientrucvietnam.org.vn)

NỔI BẬT TRANG CHỦ