(Tổ Quốc) - Sau 5 năm sáp nhập, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã không ngừng lớn mạnh, trở thành một thiết chế văn hóa lớn, nơi lưu giữ lịch sử và kết nối lịch sử với hiện tại.
Một thiết chế lớn, trụ cột phát triển hệ thống bảo tàng Việt Nam
Trong 5 năm, từ khi sáp nhập Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã không ngừng lớn mạnh trở thành một thiết chế văn hóa lớn, quan trọng và có nhiều đóng góp nhất trong hệ thống Bảo tàng Việt Nam.
Hơn 200.000 ngàn hiện vật đang được gìn giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia |
Bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện đang lưu giữ và bảo quản khoảng 200.000 hiện vật, tư liệu lịch sử văn hóa Việt Nam.
Giai đoạn lịch sử Việt Nam từ thời Tiền sử đến 1945 có gần 110.000 tài liệu, hiện vật là di vật, cổ vật và 11 bảo vật quốc gia; trong đó có nhiều sưu tập quý hiếm vào bậc nhất so với các bảo tàng cùng loại hình ở trong nước và khu vực như: sưu tập hiện vật thuộc các nền văn hóa khảo cổ từ sơ kỳ thời đại đồ đá cũ đến thời đại đồng thau và sắt sớm (Hòa Bình- Bắc Sơn); Văn hóa Đông Sơn; Gốm men cổ Việt Nam; Đồ đồng thời Lê Nguyễn; Điêu khắc đá Chăm pa; Nghệ thuật trang trí nước ngoài như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và các nước trong khu vực Đông Nam Á...
Giai đoạn lịch sử Việt Nam từ giữa thế kỷ XIX đến ngày nay có khoảng hơn 80.000 tài liệu, hiện vật quý về lịch sử cách mạng Việt Nam, về Đảng Cộng sản Việt Nam, về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam qua các thời kỳ.
Với vị trí và tầm vóc của mình, Bảo tàng đã tăng cường kết nối, mở rộng quy mô, phạm vi, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong phối hợp với các bảo tàng, di tích trong cả nước trên tất cả các lĩnh vực hoạt động. Bảo tàng Lịch sử quốc gia ngày càng khẳng định vị trí đầu hệ, vai trò trụ cột, đầu mối kết nối, góp phần quan trọng trong việc đổi mới, phát triển hệ thống bảo tàng Việt Nam.
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thăm xí nghiệp may tại Quang Nam 1987 |
Không chỉ làm tốt vai trò bảo quản các hiện vật, cổ vật quý hiếm, “những bằng chứng” của lịch sử, cán bộ, nhân viên Bảo tàng Lịch sử quốc gia cũng đã làm tốt vai trò kết nối lịch sử với hiện tại thông qua những triển lãm. Với các triển lãm, trưng bày được tổ chức theo chuyên đề vừa cụ thể vừa tạo sự hấp dẫn, thu hút khách tham quan. Sau 5 năm, hàng triệu lượt khách đến với Bảo tàng Lịch sử quốc gia chứng minh cho các làm việc hiệu quả, hấp dẫn của cán bộ, nhân viên Bảo tàng.
Bảo tàng Lịch sử quốc gia được biết đến như một trung tâm nghiên cứu khảo cổ học hàng đầu của Việt Nam, đã thực hiện thành công nhiều công trình, dự án khai quật khảo cổ học lớn ở trong nước, tiêu biểu: Tiến hành điều tra, khảo sát, khai quật di tích Cham Pa ở Quảng Ngãi; Khảo sát một số di tích khảo cổ học tiền-sơ sử ở hai tỉnh Đắc Lắc, Gia Lai; Cụm di tích Đền Chùa Bà Tấm, Gia Lâm, Hà Nội, Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng tỉnh Điện Biên tiến hành khai quật di tích thành cổ Sam Mứn, tỉnh Điện Biên...
Nhiều chương trình phối hợp nghiên cứu với nước ngoài đã được thực hiện và được bạn bè quốc tế đánh giá cao, tiêu biểu: Phối hợp với các chuyên gia Nhật Bản thuộc Đại học Đông Á, Đại học Toukai, Đại học Kyoto làm thủ tục và tiến hành khai quật di tích thành Luy Lâu (Thuận Thành, Bắc Ninh), phối hợp với Viện Di sản văn hóa Biển Quốc gia Hàn Quốc khảo sát một số thương cảng cổ tại các tỉnh: thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ; phối hợp với Bảo tàng Quốc gia Hàn quốc điều tra, thám sát khảo cổ học một số di tích thời kim khí ở tỉnh Vĩnh Phúc.... Qua đó, viên chức Bảo tàng đã được nâng cao trình độ chuyên môn về nghiên cứu, khảo cổ học.
Bảo tàng Lịch sử quốc gia cũng đã tăng cường mở rộng sự hợp tác với các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Bỉ, Áo... tổ chức các chương trình tập huấn kỹ thuật bảo quản hiện vật nhằm nâng cao trình độ cho cán bộ trong việc bảo quản các di sản văn hóa hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Hiện nay, Bảo tàng Lịch sử quốc gia là một trong những trung tâm hàng đầu về khảo cổ học, bảo quản và là một trong những bảo tàng đầu tiên trên cả nước thực hiện chương trình số hóa trong trưng bày và quản lý hiện vật.
Xứng đáng với danh hiệu cao quý
Ghi nhận những thành tích của tập thể và cán bộ viên chức Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã tặng Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ, năm 2011; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, năm 2014 cho tập thể Bảo tàng. Bộ VHTTDL cũng tặng Cờ thi đua xuất sắc của Bộ VHTTDL năm 2012, 2015; Bằng khen của Bộ VHTTDL năm 2012, 2013. Cùng với đó, 29 tập thể phòng được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ VHTTDL.
Nhiều cá nhân của Bảo tàng cũng đã nhận các danh hiệu cao quý như: Huân chương Lao động hạng Nhì; Huân chương Lao động hạng Ba; Chiến sĩ thi đua cấp Bộ; Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Văn hóa, Thể thao và Du lịch”....
Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong ngày khánh thành đường dây tải điện 500 KV Bắc Nam tháng 5/ 1994- bức ảnh quý được lưu tại Bảo tàng |
Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 5 năm sáp nhập, Bảo tàng Lịch sử quốc gia vinh dự được nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng thưởng Bằng khen cho 08 tập thể và 13 cá nhân; Tặng Kỷ niệm chương cho 04 viên chức và 09 cộng tác viên của Bảo tàng.
Sau 5 năm được thành lập, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đang thực sự trở thành trung tâm văn hóa, khoa học, giao lưu, hợp tác quốc tế trên lĩnh vực bảo tàng, bảo tồn, phát huy di sản. Thông qua các hoạt động của mình Bảo tàng đã có những đóng góp quan trọng vào việc góp phần giáo dục truyền thống, lịch sử, văn hoá cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ; đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của công chúng; xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; giới thiệu, quảng bá hình ảnh, lịch sử, văn hóa, đất nước, con người Việt Nam với thế giới, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của quốc gia trên trường quốc tế./.