• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam: Tập huấn tu sửa, phục chế tranh giấy nâng cao

Văn hoá 11/12/2017 14:37

(Tổ Quốc) - Sáng 11/12, tại Hà Nội, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Viện Goethe phối hợp khai mạc đợt tập huấn bảo quản, tu sửa, phục chế hiện vật chất liệu giấy nâng cao 2017 do chuyên gia Đức giảng dạy.

Tham dự khai mạc lớp tập huấn có ông Phạm Đình Phong – Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, ông Wilfried Ecktein – Viện trưởng Viện Goethe, bà Monika Schneidereit-Gast, ông Nguyễn Anh Minh – Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và các học viên của các đơn vị tham gia chương trình tập huấn.

Toàn cảnh khai mạc lớp tập huấn tu sửa, phục chế tranh giấy nâng cao. Ảnh: Gia Linh

 

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết, “Giấy là một chất liệu được sử dụng phổ biến trong việc chế tác, lưu giữ các văn bản cũng như sáng tác các tác phẩm nghệ thuật, nhưng chất liệu này rất dễ bị tổn thương, hư hại bởi tác động của con người và thời tiết, khí hậu, đặc biệt là tại Việt Nam. Hiện nay, Bảo tàng đang lưu giữ khoảng 5.000 tác phẩm chất liệu giấy, trong đó có nhiều tác phẩm mỹ thuật của các danh họa nổi tiếng.”

Chính vì vậy, lớp tập huấn với sự tham gia của các chuyên gia cao cấp, chúng tôi mong muốn sẽ được chia sẻ những bài học quý giá, tìm kiếm những phương pháp, giải pháp tối ưu nhất để có thể bảo quản những tác phẩm chất liệu giấy, ông Nguyễn Anh Minh chia sẻ.

Các đại biểu và chuyên gia tham dự lớp tập huấn. Ảnh: Gia Linh

Bên cạnh đó, lớp tập huấn cũng là tạo cơ hội để nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ của Trung tâm Bảo quản Tu sửa tác phẩm Mỹ thuật cũng như các thành viên tham gia lớp tập huấn; Đồng thời, tiếp cận với các phương pháp kỹ thuât hiện đại trong công tác  bảo quản, tu sửa hiện vật chất liệu giấy của thế giới và đẩy mạnh hoạt động bảo quản, tu sửa của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Ông Phạm Đình Phong - Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, hiện Việt Nam có khoảng 160 bảo tàng phân bố khắp cả nước, trong đó có 125 bảo tàng công lập, lưu giữ khoảng hơn 3 triệu tài liệu, hiện vật. Các hiện vật tại bảo tàng khá đa dạng về chất liệu và với điệu kiện khí hậu Việt Nam hiện nay, chúng ta cần có những phương pháp bảo quản tốt.

Tuy nhiên, theo chúng tôi đánh giá, các khâu bảo quản hiện vật tại Việt Nam hiện nay khá thấp, một phần vì trang thiết bị cơ sở vật chất, nguồn nhân lực. Cán bộ bảo tàng làm công tác bảo quản trong nước thật sự đáp ứng được yêu cầu quốc tế rất hạn chế. Vì vậy, trong định hướng của ngành chúng tôi cũng rất quan tâm đến việc đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trước hết không có cách nào khác phải sử dụng nguồn nhân lực tại chỗ. 

Trên cơ sở đó, Cục Di sản cũng đưa ra hai phương án nâng cao nguồn nhân lực như: mời chuyên gia nước ngoài đến chia sẻ kinh nghiệm, bố trí cán bộ bảo tàng sang các nước học tập kinh nghiệm. Định hướng này phải kiên trì và thực hiện trong nhiều năm, ông Phong chia sẻ.

Diễn ra từ 11 – 15/12, các thành viên lớp tập huấn sẽ cùng chuyên gia Monika Schneidereit-Gast trao đổi và tham quan thực tế công tác bảo quản, tu sửa hiện vật tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Viện Hán Nôm và Cục Lưu trữ quốc gia Việt Nam. 

Sau tập huấn, ngày 16/12, các chuyên gia và cán bộ Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sẽ đi thực tế tại làng tranh Đông Hồ, làng giấy Đống Cao (Thuận Thành, Bắc Ninh)./.

Gia Linh

 

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ