Ngày 29.1 tại Hà Nội, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã tổ chức lễ tiếp nhận hai bức tranh sơn dầu của họa sĩ Việt kiều Mỹ Nguyễn Đại Giang do đại diện gia đình họa sĩ trao tặng.
Con gái họa sĩ Nguyễn Đại Giang trao tặng hai bức tranh của cha cho Giám đốc Bảo tàng Nguyễn Anh Minh
Họa sĩ Nguyễn Đại Giang có quốc tịch Hoa Kỳ, là người sáng lập trường phái đảo ngược (Upsidedownism) được thị trường mỹ thuật đương đại trên thế giới ghi nhận. Tại buổi lễ, chị Nguyễn Thùy Lan, con gái họa sĩ đã trao tặng Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hai tác phẩm tranh sơn dầu do cha mình sáng tác trong năm 2018, bao gồm tranh “Đi chùa” và “Hát xoan”.
Trong thư gửi lãnh đạo Bảo tàng, họa sĩ Nguyễn Đại Giang cho biết, tháng 11.2018, nhân dịp về thăm quê hương, ông đã có cơ duyên đến thăm Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và gặp gỡ với lãnh đạo, nhân viên của Bảo tàng. Tin tưởng vào sự chuyên nghiệp và lòng trân quý của Bảo tàng đối với các tác phẩm nghệ thuật được lưu giữ, họa sĩ Nguyễn Đại Giang đã quyết định hiến tặng cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hai tác phẩm mà ông vừa sáng tác trong năm 2018.
Tác phẩm sơn dầu "Hát xoan"
Tác phẩm sơn dầu "Đi chùa"
“Tôi mong rằng những tác phẩm đó sẽ được lưu giữ và phát huy một cách tích cực, góp phần làm giàu có và phong phú thêm bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam...”, họa sĩ Nguyễn Đại Giang nhấn mạnh
Bày tỏ lời cảm ơn họa sĩ Nguyễn Đại Giang đã trao tặng cho Bảo tàng hai tác phẩm sơn dầu có giá trị, TS. Nguyễn Anh Minh (Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam) nhấn mạnh, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là Bảo tàng chuyên ngành mỹ thuật quốc gia có chức năng nghiên cứu, sưu tầm các tác phẩm nghệ thuật cũng như tiếp nhận các hiện vật được các cá nhân, tổ chức trao tặng. Đối với mỗi tác phẩm nghệ thuật được tiếp nhận, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đều nghiên cứu kỹ lưỡng về các tác giả, tác phẩm.
Ông Nguyễn Anh Minh trao giấy chứng nhận tiếp nhận tác phẩm cho đại diện gia đình họa sĩ
“Họa sĩ Nguyễn Đại Giang là một tên tuổi đã thành danh và có nhiều đóng góp đối với nền mỹ thuật đương đại của thế giới. Đặc biệt, tại Hoa Kỳ, ông là người đã sáng lập trường phái đảo ngược- Upsidedownism, có bản quyền tác giả từ năm 1997. Đây là trường phái được công chúng yêu nghệ thuật trên thế giới đón nhận. Công chúng trong nước cũng đã bắt đầu tìm hiểu và dành sự quan tâm đến trường phái này...”, ông Nguyễn Anh Minh cho biết.
Tuy nhiên, trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đến nay chưa có tác phẩm thuộc trường phái đảo ngược do họa sĩ Nguyễn Đại Giang sáng lập. Giám đốc Bảo tàng khẳng định, hai tác phẩm được họa sĩ hiến tặng sẽ được đưa vào bộ sưu tập cũng như bảo vệ, phát huy giá trị. “Trong tương lai, mong rằng họa sĩ Nguyễn Đại Giang sẽ tiếp tục theo đuổi, sáng tác những tác phẩm nghệ thuật giá trị. Về phía Bảo tàng sẽ tiếp tục nghiên cứu, lựa chọn và sưu tầm các tác phẩm tiêu biểu để góp phần vào sự phong phú và đa dạng của mình”, Giám đốc Nguyễn Anh Minh nhấn mạnh và bày tỏ, hi vọng Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và gia đình họa sĩ sẽ có cơ hội phối hợp tổ chức một triển lãm các tác phẩm hội họa theo trường phái đảo ngược, một trường phái tương đối mới tại thị trường mỹ thuật Việt.
Các cán bộ Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và đại diện gia đình họa sĩ tại lễ tiếp nhận
Họa sĩ Nguyễn Đại Giang sinh năm 1944 tại Hà Nội. Năm 1961-1965 ông tốt nghiệp Trung cấp mỹ thuật công nghiệp khóa đầu tiên tại Hà Nội. Năm 1966- 1968, học Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội. Năm 1968- 1974, tốt nghiệp tại trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp tại Moscow (Nga). Từ năm 1992 đến nay, họa sĩ sống tại Seattle,Washington, Hoa Kỳ.
Trong sự nghiệp nghệ thuật của mình, họa sĩ Nguyễn Đại Giang đã tổ chức nhiều triển lãm cá nhân và tham gia hàng chục triển lãm nhóm tại Mỹ , Thụy Điển, Anh, Tây Ban Nha... Cùng với các giải thưởng lớn, họa sĩ cũng có bộ sưu tập tại Bảo tàng nghệ thuật Voronezh Nga và Bảo tàng Seattle (Mỹ); các bộ sưu tập riêng tại Mỹ, Nhật Bản, Canada, Bỉ, Việt Nam, Pháp, Tây Ban Nha, HongKong...
Việc trao tặng hai tác phẩm cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam lần này cũng là sự thể hiện tấm lòng hướng về Tổ quốc của họa sĩ Nguyễn Đại Giang.
Theo Hà Phương/ Báo Văn hóa