• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tiếp nhận tranh chân dung bà Nguyễn Thị Định làm từ lá sen

Văn hoá 24/08/2023 14:57

(Tổ Quốc) - Sáng ngày 24/8/2023, tại Hà Nội, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Câu lạc bộ Phụ nữ với di sản văn hóa và Câu lạc bộ Di sản áo dài Việt Nam tổ chức sự kiện “Về với Sen” và Tiếp nhận tranh chân dung bà Nguyễn Thị Định làm từ lá sen.

Sự kiện “Về với Sen” và Tiếp nhận tranh chân chung bà Nguyễn Thị Định làm từ lá sen là hoạt động tri ân, tưởng nhớ 31 năm ngày mất của bà Nguyễn Thị Định (28/6/1992 – 28/6/2023).

Tham dự sự kiện có: Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Lan Phương; Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa; Nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hà Nội, Phó Chủ nhiệm CLB phụ nữ với Di sản Văn hóa Ngô Thị Thanh Hằng cùng các nguyên lãnh đạo TƯ Hội LHPN Việt Nam, nguyên lãnh đạo Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, các cán bộ, hội viên, phụ nữ.

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tiếp nhận tranh chân dung bà Nguyễn Thị Định làm từ lá sen - Ảnh 1.

Phó Chủ nhiệm CLB phụ nữ với Di sản Văn hóa Ngô Thị Thanh Hằng và Chủ nhiệm CLB Di sản Áo dài Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Tâm (bên phải) trao tặng bức chân dung bà Nguyễn Thị Định làm từ lá sen cho Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết (bên trái)

Phát biểu tại chương trình, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Lan Phương cho biết: "Sự kiện hôm nay có ý nghĩa hết sức đặc biệt khi Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam được vinh dự "Tiếp nhận tranh chân dung bà Nguyễn Thị Định làm từ lá sen". Đây là một ý tưởng độc đáo, vừa mang giá trị nghệ thuật lại giàu tính nhân văn sâu sắc; đồng thời là món quà vô giá để tôn vinh và bày tỏ tấm lòng thành kính với người lãnh đạo Hội phụ nữ, nữ tướng kiệt xuất của dân tộc.

Tác phẩm tranh chân dung bà Nguyễn Thị Định làm từ lá sen khô bắt nguồn từ tâm nguyện mong muốn tri ân và lưu giữ những hình ảnh cao đẹp về người phụ nữ Việt Nam của các thành viên Câu lạc bộ Phụ nữ với di sản văn hóa và Câu lạc bộ Di sản áo dài Việt Nam.

Tác phẩm nằm trong bộ sưu tập chủ đề “Sen trong đời sống văn hóa Việt” của kỷ lục gia Châu Á Nguyễn Thị Thanh Tâm. Tác phẩm tranh chân dung do nghệ nhân Lê Văn Nghĩa (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) thực hiện trong thời gian 3 tháng. Tranh chân dung bà Nguyễn Thị Định làm từ lá sen được trao tặng cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam sẽ góp phần làm đa dạng hơn các loại hình hiện vật trong bộ sưu tập về bà Nguyễn Thị Định của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam để từ đó tiếp tục thực hiện sứ mệnh tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ về lịch sử và truyền thống cao đẹp của phụ nữ Việt Nam.

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tiếp nhận tranh chân dung bà Nguyễn Thị Định làm từ lá sen - Ảnh 2.

Các đại biểu tham gia buổi giao lưu "Chuyện về bà Nguyễn Thị Định"

Có mặt tại sự kiện, nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa không giấu được sự xúc động khi chia sẻ những kỷ niệm đẹp về bà Nguyễn Thị Định. Dưới sự chỉ bảo, dẫn dắt của "dì Ba", bà Trương Mỹ Hoa đã được học hỏi, tự tin trở thành một cán bộ Hội phụ nữ gương mẫu, luôn hết lòng với sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Đó cũng là nền tảng để bà dần trưởng thành và có nhiều đóng góp ở các cương vị Phó Chủ tịch nước.

Trong khuôn khổ sự kiện còn diễn ra buổi giao lưu "Chuyện về bà Nguyễn Thị Định". Các khách mời đã chia sẻ về những đóng góp tâm huyết của bà Ba Định với công trình Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam; vai trò của nữ tướng với lịch sử phát triển của phụ nữ.

Theo đó, người đặt nền móng cho sự ra đời của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam là bà Nguyễn Thị Định. Bà Đặng Thị Tố Ngân - Nguyên Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cho biết, với mong muốn có nơi lưu giữ những tài liệu, kỷ vật, chứng tích… của thời kỳ lịch sử nhằm giáo dục cho thế hệ con cháu sau này, bà Nguyễn Thị Định đã vận động hội viên, phụ nữ khắp cả nước cùng đóng góp cả kinh phí và sưu tầm hiện vật để xây dựng nên công trình này. Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam được xem như lời hứa với phụ nữ cả nước của bà Nguyễn Thị Định.

Bà Nguyễn Thị Định sinh ngày 15/3/1920 tại xã Lương Hòa, Giồng Trôm Bến Tre. Năm 1936, khi vừa tròn 16 tuổi được sự dìu dắt của anh trai bà đã tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1938, bà được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.

Năm 1939, bà kết hôn với người đồng chí cùng hoạt động cách mạng là ông Nguyễn Văn Bích, Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Bến Tre. Khi sinh con trai được 3 ngày chồng bà bị mật thám đến nhà vây bắt và kết án 5 năm tù đày ra Côn Đảo. Ông đã hy sinh sau đó không lâu. Tháng 7/1940 bà Nguyễn Thị Định và con trai mới 7 tháng tuổi lại bị mật thám lùng bắt và giam giữ tại Bến Tre. Trước khi bị chính quyền thực dân đưa đi đày ở nhà tù Bà Rá, bà phải gửi con nhỏ lại cho bà ngoại chăm sóc.

Năm 1944 bà ra tù và tiếp tục hoạt động cách mạng. Trong cuộc giành chính quyền năm 1945 bà là người đi đầu dẫn hàng nghìn người dân tiến vào giành chính quyền ở thị xã Bến Tre. Tháng 3/1946, bà cùng với đoàn cán bộ miền Nam vượt biển ra miền Bắc báo cáo với Trung ương Đảng và Bác Hồ về tình hình chiến trường Nam Bộ, xin chi viện được 12 tấn vũ khí về miền Nam.

Sau đó bà trở thành Đoàn trưởng Phụ nữ cứu quốc tỉnh, Ủy viên mặt trận Liên Việt tỉnh, Tỉnh ủy viên tỉnh Bến Tre, Bí thư huyện Mỏ Cày, Thường vụ tỉnh ủy bí mật tỉnh Bến Tre, Phó Bí thư tỉnh ủy Bến Tre và chỉ đạo phong trào Đồng Khởi năm 1960. Tên tuổi bà gắn với phong trào Đồng Khởi và sự ra đời “Đội quân tóc dài”. Từ sau Đồng Khởi bà Nguyễn Thị Định lần lượt giữ các chức vụ: Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam; Hội trưởng Hội LHPN Giải phóng miền Nam, Phó Tư lệnh các lực lượng Giải phóng miền Nam Việt Nam. Năm 1974, bà trở thành nữ tướng đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam khi được phong hàm Thiếu tướng.

Sau Giải phóng, bà là Ủy viên Trung ương Đảng các Khóa IV, V, VI, Đại biểu Quốc hội các Khóa VI, VII, VIII, đồng thời giữ nhiều chức vụ như Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, Bí thư Đảng đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng nhà nước, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba và có nhiều đóng góp tích cực trong công cuộc đổi mới toàn diện Đảng Cộng sản Việt Nam, đặc biệt là đổi mới hoạt động của Quốc hội, Hội đồng Nhà nước. Ngày 26/8/1992 bà mất, hưởng thọ 72 tuổi.

Ngày 30/8/1995, bà được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Hà An

NỔI BẬT TRANG CHỦ