(Cinet) - Một trong những nhiệm vụ “sống còn” của Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam là lưu giữ, phát huy những giá trị di sản văn hóa của cộng động 54 dân tộc anh em.
Đa dạng hóa các hình thức trưng bày, trải nghiệm để hấp dẫn khách tham quan
Xác định một trong những nhiệm vụ “sống còn” của Bảo tàng là lưu giữ, phát huy những giá trị di sản văn hóa của cộng động 54 dân tộc anh em. Trong năm qua, bảo tàng đã tổ chức triển khai, thực hiện hiệu quả 17 cuộc trưng bày, triển lãm chuyên đề gắn với hoạt động giáo dục trải nghiệm, phục vụ nhiệm vụ chính trị, kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, các sự kiện của tỉnh, của ngành.
Các em học sinh tham gia các hoạt động trải nghiệm tại bảo tàng. Ảnh: Vi Biên |
Trong đó, tại Bảo tàng gồm: “Con gà trong đời sống các dân tộc Việt Nam” nhân dịp Tết Đinh Dậu 2017; “Nghề thủ công truyền thống Việt Nam - ASEAN; “Mẹ - con, thơ, nhạc - cuộc đời”.Tại tỉnh Bắc Giang, Bắc Kạn, Hưng Yên trưng bày chuyên đề “Tham thẩu và hành trình con nước”;“Đặc trưng văn hóa dân tộc Việt Nam trong thời kỳ hội nhập và phát triển bền vững”. Triển lãm “Đặc trưng văn hóa dân tộc dân tộc Dao”trong ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ nhất và lễ hội Thành Tuyên năm 2017 tại tỉnh Tuyên Quang; “Văn hóa các dân tộc Việt Nam với việc đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của đất nước” phục vụ Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ VII tại tỉnh Bạc Liêu; chuyên đề “Văn hóa cưới truyền thống Việt Nam” và “Phong cách sống ASEAN” tại Busan - Hàn Quốc; Ngoài ra, còn thực hiện trình diễn văn hoá tại Hàn Quốc và triển lãm, hội thảo tại Brunei...
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện và đoàn công tác đến làm việc, tham quan và xem biểu diễn rối nước tại phòng trưng bày số I, nhóm ngôn ngữ Việt Mường, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2017. Ảnh: Vi Biên |
Với các hoạt động phong phú, ngoài tham quan trưng bày du khách còn được tham gia trải nghiệm, thưởng thức gần 50 hoạt động động như: Rối nước, rối cạn, hát then, biểu diễn sáo Mông, khèn Mông, trống Paranưng (Chăm); Múa cồng chiêng (Tây Nguyên); ngũ âm (Khơ Me); múa xòe múa sạp (Thái)… thu hút công chúng đến bảo tàng nhiều lần hơn, thời gian lưu lại ở bảo tàng lâu hơn. Bên cạnh đó, Bảo tàng còn tiếp tục mời nghệ nhân các dân tộc đến trình diễn văn hóa dân gian và trao truyền lại cho cán bộ bảo tàng. Vì thế có thể thường xuyên phục vụ du khách vừa đáp ứng nhu cầu của các đoàn, vừa tiết kiệm được chi phí.
Ông Nguyễn Hữu Đính (khách tham quan bảo tàng) cho biết, các khu trưng bày của bảo tàng đã tái hiện một cách sinh động văn hóa các dân tộc Việt Nam, từ vùng Đông Bắc Bộ tới vùng Tây Bắc… Các hiện vật được bố trí hợp lý, khoa học kết hợp với hoạt động trải nghiệm, biểu diễn trực quan để giúp du khách hiểu hơn về văn hóa từng cộng động dân tộc.
Gắn Bảo tàng với các điểm đến khác tại Thái Nguyên
Học sinh tham gia hoạt động trải nghiệm tại Bảo tàng. Ảnh: Vi Biên |
Thông qua việc tổ chức chương trình trưng bày, triển lãm, giáo dục, trải nghiệm gắn với di sản văn hoá dân tộc Việt Nam phong phú, hấp dẫn phù hợp với các đối tượng tham quan lượng khách du lịch đến với Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, trong năm 2017 đã có hơn 195.000 lượt khách tham quan tại Bảo tàng, triển lãm lưu động trong nước và quốc tế, tăng 5.000 lượt so với năm 2016, với 20.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm trọn ngày tại Bảo tàng. Số lượng tour lữ hành tăng từ 14 lên 20 tour. Trong đó, mua vé 85 nghìn lượt người, miễn phí 40 nghìn lượt trẻ em dưới 6 tuổi, 15 nghìn lượt người cao tuổi, cựu chiến binh và khoảng 55 nghìn lượt người tham quan triển lãm lưu động. Đối tượng tham quan nhí chủ yếu là học sinh của các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT đến tham gia hoạt động trải nghiệm. Trong đó, có 13 trường tham gia hoạt động trải nghiệm cả ngày, mỗi ngày có khoảng 1000 học sinh tham gia.
TS Nguyễn Thị Ngân – Giám đốc Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam chia sẻ, với mọi tour thì Bảo tàng chính là nơi trung tâm nhất, du khách đến bảo tàng và sau đó là tỏa đi các điểm khác của Thái Nguyên. Muốn các điểm đến của Thái Nguyên mang bản sắc thì chắc chắn các điểm đến phải ngồi lại với nhau. Bắt đầu từ môi trường, thứ hai là bản sắc của mỗi điểm đến, thứ ba, mỗi điểm đến phải có sự gắn kết và là một phần trong một tour. Bảo tàng với tư cách là điểm trung tâm, chúng tôi sẽ thiết kế tour với dung lượng vừa phải, cho du khách có thể dừng chân ở đây và tiếp tục đến các điểm đến khác của tình Thái Nguyên.
Trong năm tới, bên cạnh việc triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, chuyên môn, hưởng ứng kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, Bảo tàng dự kiến tổ chức 06 đến 10 cuộc trưng bày triển lãm chuyên đề, các hoạt động văn hóa, giáo dục trải nghiệm mới phục vụ khách tham quan trong nước và quốc tế, tiếp tục thu hút từ 170.000 đến 180.000 lượt khách tham quan./.
Gia Linh