• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bão tố Trường Sơn: một vở kịch chiến tranh hấp dẫn

Văn hoá 13/05/2017 12:24

(Tổ Quốc) - Sân khấu kịch về đề tài chiến tranh dường như lâu rồi không có gì mới. Khán giả sẽ không nghĩ vậy khi xem “Bão tố Trường Sơn”. Sân khấu kịch về đề tài chiến tranh dường như lâu rồi không có gì mới. Khán giả sẽ không nghĩ vậy khi xem “Bão tố Trường Sơn”. Sân khấu kịch về đề tài chiến tranh dường như lâu rồi không có gì mới. Khán giả sẽ không nghĩ vậy khi xem “Bão tố Trường Sơn”.

Một vở diễn về đề tài cũ, cốt chuyện cũng không mới, nhưng cách thể hiện đầy tài năng của các nghệ sĩ gạo cội và dàn diễn viên trẻ của Nhà hát Kịch Việt Nam đã làm cho Bão tố Trường Sơn trở nên hấp dẫn, thu hút. Đêm ra mắt 12/6, vở diễn đã đem lại nhiều cảm xúc cho khán giả.

Câu chuyện về tình yêu, tình đồng đội, tình người vẫn đầy hấp dẫn trong Bão tố Trường Sơn

Bão tố Trường Sơn kể về câu chuyện giữa tình yêu, tình đồng chí giữa rốn bom Trường Sơn. Nữ bác sĩ Diễm Lệ (NS Quỳnh Hoa) và có thai với đại đội trưởng Vũ Bông (NS Tô Dũng). Đứng trước việc bị tước quân tịch, đuổi về địa phương của Diễm Lệ, Tô Dũng thản nhiên như người không liên quan. Còn anh nuôi Lê Ái (NSƯT Xuân Bắc) vì yêu đơn phương Diễm Lệ nên đứng ra nhận là cha đứa trẻ trong bụng Diễm Lệ.

Trong chiến tranh, anh hùng hay hèn yếu, chỉ trong gang tấc và thước đo giá trị ấy, đôi khi không phải là bom đạn.

Trở về địa phương Diễm Lệ vẫn khẳng khái vươn lên trong cuộc sống để nuôi con và nuôi đứa con của người mẹ Tây Nguyên chết cháy vì bom B52 rải thảm năm nào… Vết thương lòng hơn 20 năm trước dường như chưa bao giờ liền miệng trong Diễm Lệ nên khi biết con mình làm việc trong công ty của Vũ Bông, tâm trí cô bác sĩ Trường Sơn năm nào lại trào lên những cơn bão tố mới: sự hận thù, cảm giác bị bội phản khi niềm tin bị đánh cắp… Nhưng cuối cùng, bằng tình yêu thương và sự chân thành của những người đồng đội cùng thời, cái kết ngọt cũng đã đến khi đứa con nuôi tìm được cội nguồn, Diễm Lệ vượt qua được tình cảm căm hận để cho con mình nhận cha…

Gần 2 giờ đồng hồ, khán giả được trải qua mọi cung bậc cảm xúc: vui- buồn- xúc động- cảm phục và cuối cùng là dư âm của tình cảm ấm áp yêu thương giữa con người với con người, giữa những người đồng đội đã từng cùng nhau trải qua những tháng ngày khốc liệt nhất.

Ở phần đầu, khán giả đã thỏa sức cười với sự hóm hỉnh của Xuân Bắc và cái duyên dẫn dắt của anh. Màn hoạt náo của cánh hậu cần do Lê Ái- tổ trưởng tổ hậu cần “cầm càng” đem lại tiếng cười thích thú cho khán giả.

Những đau thương, mất mát của chiến tranh được thể hiện ẩn dụ và đầy ám ảnh

Rồi là cảm xúc yêu thương, cảm động với tính cách chân thành của nhân vật Lê Ái cương trực, nganh ngạnh, khá cực đoan của một chàng thanh niên quê Thanh Hóa Việc pha tiếng của Xuân Bắc có vẻ “không thành vấn đề”, những lời thơ, câu vè là sở trường của anh cứ thế tuôn khá dễ dàng…Khi Lê Ái bị Diễm Lệ từ chối tình yêu và nói coi cậu như em trai. Ở hoàn cảnh ấy, câu nói “Xin lỗi tình yêu, ở quê đây có 3 bà chị rồi, đây không cần thêm một bà chị nữa” của Lê Ái vừa hài hước vừa chua xót khiến khán giả vừa thương, vừa bật cười.

Câu chuyện tình ngang trái của Diễm Lệ qua diễn xuất khá tốt của Quỳnh Hoa khiến người xem xót xa, thương cảm. Hay vẻ hào sảng, anh dũng của những cảnh chiến đấu, mất mát, đau thương của người dân trong chiến tranh qua những bà mẹ anh hùng như bà mẹ Tây Nguyên (Mai Hương), bà mẹ của Diễm Lệ (Hoàng Hương)… Đó là những thể hiện ẩn dụ và đầy ám ảnh. Đặc biệt màn cuối, khi những người đồng chí đồng đội bên nhau, nắm chặt tay để cùng bỏ qua những lầm lỗi quá khứ khiến rất nhiều khán giả sụt sịt lau nước mắt…

Từ kịch bản ban đầu của tác giả Trương Minh Phương, đạo diễn NSND Anh Tú đã xử lý tốt để làm nên đêm diễn đong đầy cảm xúc.

Thiết kế mỹ thuật khá ấn tượng, đa năng của những chiếc bục linh hoạt: lúc là hầm chữ A nơi chiến trường, khi là sự gian nan khúc khuỷu của đường trường, lại có lúc là bờ suối lãng mạn…trong giây lát thành mái ấm của các gia đình…. Việc sử dụng bục bệ hợp lý khiến cho việc di chuyển dễ dàng và không làm ngắt mạch kịch trong tưởng tượng của người xem. Âm nhạc được đặt viết riêng cho vở cũng rất mượt mà, sâu lắng của Tiến Minh… Giai điệu cứ ngân nga mãi trong tâm trí người xem khi ra về khi nhạc cảm hài hòa với cảm xúc chung của vở.

Sự hòa quyện giữa dàn diễn viên còn rất trẻ của Nhà hát đảm nhận hầu hết các vai chính như Tô Dũng, Quỳnh Hoa, Khánh Linh, Thân Thanh Giang, Sơn Tùng, Thế Nguyên… và các nghệ sĩ gạo cội như Xuân Bắc, Phú Đôn, Đình Chiến, Tuấn Minh… đem tới một tác phẩm giàu cảm xúc cho người xem.

Kịch về đề tài chiến tranh quen thuộc nhưng vẫn mới mẻ và đầy hấp dẫn, đó là điều khán giả sẽ cảm nhận được sau khi xem Bão tố Trường Sơn.

Bão tố Trường Sơn sẽ chính thức được công diễn từ tối 16/5 tới tại Nhà hát Kịch Việt Nam số 1 Tràng Tiền, Hà Nội./.

 

Hoàng Nguyên

NỔI BẬT TRANG CHỦ