• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

​Bảo tồn các di sản kiến trúc Pháp tại Hà Nội như thế nào?

13/10/2017 07:53

(Cinet) – “Tài sản kiến trúc đô thị thời Pháp để lại không chỉ là tài sản mà còn là di sản bởi nếu không có nó Hà Nội sẽ như thế nào?” – GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính

(Cinet) - “Tài sản kiến trúc đô thị thời Pháp để lại không chỉ là tài sản mà còn là di sản bởi nếu không có nó Hà Nội sẽ như thế nào?” - GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính



Đặc biệt, trong giai đoạn Thủ đô Hà Nội đang phát triển mạnh mẽ trong xu hướng hội nhập quốc tế hiện nay, cần thiết phải đưa ra những định hướng giữ gìn, bảo tồn các di sản kiến trúc ấy.



Tinh hoa kiến trúc Pháp tại Hà Nội



Trong gần một thế kỷ ở Việt Nam, với giấc mơ về một “thủ đô hành chính kiểu Pháp ở Đông Dương”, người Pháp đã xây dựng rất nhiều công trình, nổi bật lên là những công sở và những công trình văn hóa mang phong cách phương Tây cùng một số có sự kết hợp với kiểu kiến trúc bản địa và nhiều biệt thự mang nét đặc trưng của kiến trúc Pháp như: Đại học Đông Dương, Sở Tài chính Đông Dương nay là Bộ Ngoại giao, Bảo tàng Louis Finot của trường Viễn Đông Bác Cổ nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, Trường Mỹ thuật Hà Nội…

Tài liệu lưu trữ về các công trình xây dựng tiêu biểu thời Pháp thuộc đang được trưng bày tại 

Nhà hát Lớn Hà Nội trong các ngày từ 9 - 27/10/2017. Ảnh: Gia Linh



Đến nay, Kiến trúc Pháp ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đã trở thành những di sản kiến trúc. Kiến trúc Pháp ở Hà Nội đồng thời cũng là một trong những dấu ấn giao thoa của nền văn hóa Pháp - Việt. Những di sản này không chỉ có giá trị sử dụng, giá trị văn hóa, lịch sử, thẩm mỹ mà còn phản ánh các khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội của Thủ đô trong nhiều giai đoạn đặc biệt.



Theo GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính, các công trình kiến trúc do người Pháp xây dựng tại Hà Nội đã góp phần tạo nên hình ảnh của Thủ đô Hà Nội hôm nay.



Từ những năm 1920, các kiến trúc sư người Pháp đã đưa vào Việt Nam những kỹ thuật mới, những loại hình kiến trúc mà chúng ta chưa có (nhà thương, nhà ga, thư viện, bảo tàng, nhà hát, khách sạn…) mà như GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính chia sẻ đó cũng chính là cuộc hội nhập đầu tiên của xây dựng và kiến trúc dân tộc và thế giới, sau đó mới là hội nhập về văn chương, sân khấu…



Ông cho biết, “bắt đầu ở thế kỷ 20 khi người Pháp xây dựng ở ta những cầu cống, đường sắt, nhà ga, công trình văn hóa…, Hà Nội có được quỹ tài sản đô thị hiện hữu góp phần tạo dựng nên diện mạo đặc trưng của Hà Nội từ sự hội nhập quỹ tài sản kiến trúc đô thị do người Việt tạo dựng ra và tài sản kiến trúc Pháp”.



Điểm đặc biệt của các kiến trúc Pháp ở Hà Nội là ngoài việc có sự kê thừa của tinh hoa kiến trúc phương Tây truyền thống, các kiến trúc này còn thể hiện sự tinh tế đặc biệt. “Cái đẹp ở kiến trúc Pháp không phải ở sự độc đáo, mà là từ sự tinh tế của người Pháp” – GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính. Các công trình không được xây dựng quá lớn, quá bề thế mà gần gũi, phù hợp với cảnh quan Hà Nội. Sự hòa quyện giữa kiến trúc pháp và kiến trúc bản địa cũng chính từ sự tế nhị, tinh tế đó, từ đó tạo nên diện mạo Hà Nội thanh lịch, hòa hợp.



Số phận "kém may mắn" của các kiến trúc Pháp tại Hà Nội



“Tài sản kiến trúc đô thị thời Pháp để lại không chỉ là tài sản mà còn là di sản bởi nếu không có nó Hà Nội sẽ như thế nào?” Câu hỏi của GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính cũng là trăn trở của nhiều người “trót” yêu kiến trúc Pháp tại Hà Nội nói riêng và Hà Nội nói chung.

GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính. Ảnh: Gia Linh

Bởi hiện nay, nhiều kiến trúc thuộc Quỹ kiến trúc đô thị thời Pháp thuộc, trong đó có nhiều công trình kiến trúc giá trị không thấp hơn so với Nhà hát Lớn Hà Nội đều không có được “số phận may mắn” khi đang được sử dụng một cách “nhẫn nhục” và “chịu đựng” mà tiêu biểu trong đó chính là Cầu Long Biên. Nhiều công trình không được sử dụng đúng với công năng và hầu như đều bị xuống cấp.

Cầu Long Biên. Nguồn: BizLive



Lý giải về thực trạng xuống cấp của các công trình kiến trúc Pháp tại Hà Nội, GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính lý giải “Thứ nhất là do thời gian không được trùng tu theo đúng khái niệm trùng tu, không được nâng cấp vì không có vốn liếng, không có sự chăm sóc mà chủ yếu bị khai thác.Thứ hai, chúng ta sử dụng công trình này hoàn toàn theo kiểu “vắt chanh”, “vắt kiệt” và nếu có sửa chữa thì chủ yếu theo nhu cầu phục vụ hoạt động hiện thời, sửa chữa theo kiểu hành chính quản trị không theo cách mà người ta ứng xử với những kiến trúc văn hóa, nghệ thuật. Bên cạnh đó, trong một thời gian rất dài chúng ta chưa đánh giá đủ, đúng, công bằng với tài sản kiến trúc đô thị.”



Những tài sản này được sử dụng rất tự nhiên, sử dụng theo nhu cầu cuộc sống mà ví dụ điển hình nhất là việc biến các nhà biệt thự của Pháp vốn dĩ dành cho một gia đình thành nhà tập thể, các công sở biến thành các nhà tập thể.



Bảo tồn và phát huy giá trị kiến trúc Pháp của thủ đô như thế nào?



Việc bắt đầu hiểu và bảo vệ các di sản Pháp dù muộn màng nhưng thực sự cần thiết. Tuy nhiên, việc bảo tồn, duy trì, sử dụng tiếp nối cái tài sản này còn gặp khó khăn nhiều bởi sự biến đổi, xáo trộn ghê gớm của xã hội. Đầu tiên là về sự sở hữu. Chúng ta đã Nhà nước hóa các kiến trúc này và biến thành tập thể hóa (VD Nhà biệt thự Hạ Hồi). Do đó, việc duy trì công năng bảo tồn kiến trúc này gần như không khả thi, GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính chia sẻ.



Ông Bùi Trí Luyện – Giảng viên trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho biết có 3 vấn đề ảnh hưởng rất lớn đến bảo tồn các kiến trúc Pháp tại Hà Nội.

Ông Bùi Trí Luyện – Giảng viên trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Ảnh: Gia Linh



“Thứ nhất về mặt chính sách, về định hướng phát triển thành phố cần phải có định hướng rõ ràng để tránh xâm phạm vào những công trình đã được cho vào danh sách lưu giữ. Thứ hai, đối với thiên nhiên, khí hậu của ta, trình độ xây dựng và vật liệu xây dựng xưa kia không giống bây giờ, vì vậy, công tác bảo tồn phải được chú trọng và do những người có chuyên môn sâu thực hiện để bảo tồn đúng giá trị của nó. Thứ ba là về mặt con người chúng ta phải có môi trường giáo dục để tăng cường nhận thức của người dân để cùng nhau bảo tồn những giá trị về mặt kiến trúc của thành phố - thầy Luyện cho biết"



Cùng chung nhận định với ông Bùi Trí Luyện – Giảng viên trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính cho rằng “cần bảo tồn lựa chọn những gì thực sự là tinh hoa, tiêu biểu cần giữ lại, đặc biệt là các kiến trúc cấu thành Hà Nội hôm nay thì cần giữ cho được, tôn tạo cho được như: trường Đại học Tổng hợp, Viện Paster, Bảo tàng lịch sử…



“Thành phố cần lập ra một quỹ, một danh mục công trình có giá trị đối với lịch sử thành phố chứ không thể di tích hóa tất cả. Tôi nghĩ muốn giữ gìn di sản kiến trúc Pháp đó là điều bắt buộc nhưng phải có tư duy thực tế, tư duy tháo gỡ và tìm lại nhưng gì mang tính khả thi. Muốn bảo tồn cần có tư duy chiến lược, tức là chọn ra, phân loại cái gì thực sự là côt yếu, tinh hoa, cái gì giữ và vì sao, cuối cùng là có giữ được hay không…– GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính cho biết.



Tựu chung lại, để bảo tồn và phát huy các giá trị kiến trúc Pháp tại Hà Nội điều tiên quyết cần phải có là một chính sách rất rõ ràng, kèm theo đó là sự đầu tư bài bản có chiều sâu, không vội mà phải chắc chắn./.

Gia Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ