(Tổ Quốc) - Hiện nay, chữ viết của người Cơ Tu, Ca Dong ở Quảng Nam đang có nguy cơ mai một bản sắc văn hóa và cũng là một thách thức lớn trong công tác bảo tồn văn hóa tộc người.
Lịch sử ra đời chữ viết của người Cơ Tu, Ca Dong xứ Quảng gắn liền với những năm tháng thử thách khốc liệt nhất của cách mạng miền Nam, đó là sau Hiệp định Genève (21/7/1954), các loại tay sai của Mỹ - Diệm ra sức truy tìm, khủng bố, trả thù những người kháng chiến cũ, làm cho phong trào ở đồng bằng gặp phải những khó khăn cực kỳ nghiêm trọng. Trước tình hình đó, Đảng ta chủ trương xây dựng miền núi thành căn cứ địa cách mạng lâu dài, toàn diện và vững chắc. Muốn vậy, trước tiên phải có đội ngũ cán bộ tại chỗ biết chữ, để tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng đến với quần chúng.
Năm 1956, Ban Cán sự miền Tây Quảng Nam và Huyện ủy Bến Giằng giao cho các ông Trần Tường, Lê Văn Nam (Cónh Yêm), Lê Hồng Mao (Cónh Ta Lăng) – những cán bộ người Kinh am hiểu tiếng Cơ Tu, dưới sự chỉ đạo của ông Quách Xân (Cónh Axơớp) nghiên cứu, phiên âm tiếng Cơ Tu thành chữ viết và mở lớp dạy thử tại khe Avur với 12 học sinh người dân tộc theo học. Sau rút kinh nghiệm chỉnh lý, hoàn chỉnh bộ vần Cơ Tu, qua đó ta tiếp tục mở một lớp học tại khe Zhương, sau 4 tháng học tập 82/84 học sinh đều biết đọc, biết viết chữ Cơ Tu, phong trào học vần Cơ Tu từ đó dấy lên nhiều nơi.
Tháng 6/1957, Huyện ủy Bến Hiên và Huyện ủy Bến Giằng trao đổi với Ban Cán sự miền Tây Quảng Nam tổ chức mở lớp học vần Cơ Tu và cử 2 ông Cónh Ta Lăng, Cónh Yêm cùng với 4 học sinh giỏi của trường Zhương qua giúp Bến Hiên tổ chức và khai giảng khóa học đầu tiên tại trường Gố (xã Za'hung, huyện Đông Giang hiện nay), lớp có 75 học sinh, do ông Cónh Ta Lăng phụ trách; trường A pát T'ghêy (xã Avương, huyện Tây Giang hiện nay) có 69 học sinh, trong đó có 6 học sinh ở Thừa Thiên – Huế gửi vào học, lớp này do ông Cónh Yêm phụ trách.
Khi mãn khóa cán bộ và nhân dân đến chứng kiến rất đông và tận mắt thấy được những người con của dân tộc Cơ Tu, như Cónh Cơ Đông lớp trưởng và em gái ALăng Chốt thay mặt học sinh đọc cảm tưởng bằng chính tiếng mẹ đẻ của mình. Đồng bào rất ngạc nhiên và phấn khởi, ông Phạm Tứ (Mười Khôi) – Phó Bí thư Tỉnh ủy đến dự lễ bế giảng và phát biểu: "Trước đây đồng bào ta bị thực dân phong kiến áp bức, bóc lột. Đảng đem lại văn minh cho đồng bào, người Cơ Tu đã có chữ viết, chúng ta phải phát huy những điều lợi ích mà Đảng đã đem lại để làm cho đồng bào ta mau tiến bộ, ấm no, tích cực xây dựng căn cứ miền núi góp phần đánh thắng quân Mỹ xâm lược".
Sau đó số học sinh này trở về làng, xã của mình, các vị già làng và bà con phấn khởi tổ chức ăn mừng đón chữ Bác Hồ, mừng cho làng mình, dân tộc mình có chữ. Từ đó về sau, nhiều lớp học tiếp tục mở rộng ra khắp huyện, vần chữ Cơ Tu tiếp tục được chỉnh lý, hoàn chỉnh cho phù hợp hơn với thực tế, không những đáp ứng được yêu cầu học chữ của người Cơ Tu, mà còn cho cả các cán bộ người Kinh hoạt động trên địa bàn miền núi. Từ thành công phiên âm chữ Cơ Tu, Ban Cán sự miền Tây tiếp tục thực hiện chủ trương phiên âm chữ Ca Dong. Huyện ủy Trà My mở trường dạy chữ Ca Dong tại Takpỏ, sau đó phổ biến rộng ra các xã.
Khi đồng bào biết chữ, Ban Cán sự miền Tây ra tờ báo "Gung Dưr" (Vùng lên), in song ngữ bằng chữ phổ thông và chữ Cơ Tu, tờ "Prudương" cũng bằng song ngữ phổ thông và Ca Dong để tuyên truyền chủ trương, đường lối cách mạng của Đảng đến tận các bản làng. Chỉ tính riêng 2 năm 1957 – 1958, các trường dạy chữ Cơ Tu, Ca Dong đã đào tạo trên 300 cán bộ, phục vụ cho phong trào cách mạng miền núi. Việc đồng bào Cơ Tu, Ca Dong có chữ viết đã góp phần làm thay đổi đời sống văn hóa ở miền núi. Buổi tối thanh thiếu niên đốt lửa học chữ, tiếng đánh vần râm ran khắp các thôn, nóc. Thanh niên nam nữ dùng chữ để viết thư cho nhau, chép những bản nhạc cách mạng để hát và quan trọng hơn là từ đó ở những cơ sở cách mạng người dân tộc thiểu số và cán bộ người Kinh công tác ở miền núi đã có thể trao đổi, liên lạc, hướng dẫn công tác cho nhau bằng chính tiếng mẹ đẻ của người Ca Dong, Cơ Tu.
Từ sau Ngày Giải phóng miền Nam (1975), chính quyền các cấp ở Quảng Nam cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo tồn chữ viết của người Cơ Tu, Ca Dong. Đặc biệt, từ năm 2005 đến nay, Quảng Nam đã có một số công trình nghiên cứu khoa học về chữ viết và ngôn ngữ của đồng bào thiểu số, trong đó đáng kể nhất là các bộ sách như: Tiếng Cơ Tu, Ngữ pháp Cơ Tu, Từ điển Việt - Cơ Tu, Cơ Tu - Việt do Sở Khoa học & Công nghệ Quảng Nam phối hợp với Viện Ngôn ngữ học thực hiện. Nhưng, điều đáng nói là ngay cả khi các bộ sách này được xuất bản, thì việc có muốn đưa vào giảng dạy cho học sinh người Cơ Tu cũng chẳng dễ dàng.
Bởi lẽ, trên địa bàn miền núi thuộc 3 huyện Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang của Quảng Nam, địa bàn cư trú của người Cơ Tu chia làm 3 vùng khá rõ nét: vùng cao, vùng trung và vùng thấp với nhiều sự khác biệt nhất định về ngôn ngữ. Trong khi đó, nội dung các cuốn sách vừa nêu lại không thống nhất được ngôn ngữ, nặng tính hàn lâm, khiến người Cơ Tu vùng nào cũng khó tiếp nhận. Hiện tại, chỉ có bộ chữ và sách Cơ Tu (Tiếng C'tu, Từ điển Việt - C'tu) của ông Bríu Liếc – nguyên Bí thư Huyện ủy Tây Giang, một người con của dân tộc Cơ Tu trực tiếp nghiên cứu, biên soạn, được sử dụng làm tài liệu giảng dạy chính cho các lớp học tiếng Cơ Tu trên địa bàn.
Tuy nhiên, hiệu quả của việc giảng dạy tiếng Cơ Tu đến đâu, rất cần các các cơ quan quản lý văn hóa – giáo dục của Quảng Nam tiến hành khảo sát, phân tích, đánh giá trên cơ sở các luận cứ khoa học. Nhưng nhìn vào thực tế, có lẽ do điều kiện kinh tế ngày càng được cải thiện, hệ thống giao thông kết nối liên vùng không ngừng được mở rộng, việc giao lưu tiếp xúc giữa người Kinh và đồng bào dân tộc thiểu số diễn ra khá đa dạng, phong phú trên hầu hết mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, làm cho ngôn ngữ và chữ viết của người Kinh ngày càng trở nên thông dụng, phổ biến. Đồng bào Cơ Tu còn rất ít người viết được chữ Cơ Tu những năm 50 của thế kỷ trước. Ở một số nơi con em đồng bào người Cơ Tu, Ca Dong còn không biết viết được chữ viết của dân tộc mình. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến nguy cơ mai một bản sắc văn hóa và là một thách thức lớn trong công tác bảo tồn văn hóa tộc người.
Vì thế, việc bảo tồn ngôn ngữ và chữ viết của đồng bào các dân tộc thiểu số là bài toán khó đối với Quảng Nam. Nên chăng đã đến lúc các cơ quan quản lý văn hóa – giáo dục và chính quyền địa phương các cấp của Quảng Nam cần đi sâu nghiên cứu, bám sát thực tiễn để tổ chức biên soạn một bộ tài liệu thống nhất về ngôn ngữ và chữ viết cho từng cộng đồng dân tộc thiểu số; tổ chức giảng dạy với thời lượng thích hợp cho từng cấp học đối với học sinh và tiến hành đào tạo, bồi dưỡng ngôn ngữ các dân tộc thiểu số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã, đang và sẽ công tác tại các địa bàn này một cách cẩn trọng, thực chất, nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa ra với cộng đồng xung quanh?