Bảo tồn "kho báu di sản" chuông đồng thời Nguyễn
(Tổ Quốc) - Trong bối cảnh hiện nay, việc phát huy giá trị chuông đồng thời Nguyễn thông qua các hoạt động du lịch là một giải pháp được các chuyên gia gợi mở nhằm bảo tồn những giá trị cho di sản quý báu này.
Mới đây, Hội thảo khoa học quốc gia "Chuông đồng thời Nguyễn – Từ triết mỹ Phật giáo đến nghệ thuật tạo hình" được tổ chức TP Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) đã thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, người yêu thích văn hóa mỹ thuật nói chung và văn hóa, mỹ thuật Phật giáo nói riêng. Sự kiện được tổ chức nhằm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật của chuông đồng thời Nguyễn không chỉ trong lĩnh vực tâm linh mà còn trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.
Chuông đồng thời Nguyễn - kho báu di sản
Chuông đồng thời Nguyễn là một trong những di sản văn hóa độc đáo và quan trọng của Việt Nam, mang đậm dấu ấn của triết lý và nghi lễ Phật giáo. Trong suốt triều đại nhà Nguyễn, chuông đồng, với sự tinh xảo trong nghệ thuật chế tác và trang trí các biểu tượng Phật giáo, không chỉ đơn thuần là một dụng cụ trong các nghi lễ tôn giáo tại chùa, mà còn là phương tiện lan tỏa giáo lý Phật pháp, góp phần củng cố niềm tin và sự gắn kết trong cộng đồng.
Theo GS.TS Trịnh Sinh, chuông đồng thời Nguyễn đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật đúc chuông Việt Nam mà điển hình là chuông đồng ở Cố đô Huế. Đây là nơi tập trung quyền lực của quốc gia, cũng là nơi có làng nghề đúc đồng quy tụ thợ giỏi từ nhiều làng nghề đúc đồng của cả nước.
Ngoài chuông ở các chùa làng, tại Huế có những chiếc chuông rất nổi tiếng có thể kể đến như Đại hồng chung ở chùa Thiên Mụ, chuông Ngọ Môn (Đại Nội Huế)… "Chuông đồng thời Nguyễn là một kho báu di sản, đi kèm với di tích chùa chiền, đền, miếu để khai thác làm du lịch trong "công nghiệp văn hóa", đã và đang trên đà phát triển, hội nhập của đất nước", GS.TS Trịnh Sinh nhìn nhận.
Với nhiều giá trị như vậy, GS.TS Trịnh Sinh cho hay, chuông đồng thời Nguyễn hiện nay cần phải được gìn giữ, bảo tồn, tránh mất mất. Mặt khác, cần có sự giáo dục truyền thống cho các thế hệ người Việt để hiểu rõ giá trị của loại hình di sản văn hóa vật thể này là vô giá, chứng minh dân tộc Việt Nam là dân tộc văn hiến.
Bàn về chuông đồng thời Nguyễn, PGS.TS Lê Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ VHTTDL) đánh giá, đây là một chủ đề vừa cổ kính lại vô cùng hiện đại, không chỉ khám phá những giá trị văn hóa, nghệ thuật đặc sắc của thời Nguyễn mà còn nhấn mạnh vai trò quan trọng của những giá trị này trong hoạt động đào tạo lĩnh vực nghệ thuật hiện đại.
Chuông đồng, với âm thanh vang vọng và hình dáng tinh tế, không chỉ là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo mà còn là những biểu tượng sống động của triết lý Phật giáo, thể hiện tư tưởng về cái đẹp, sự hòa hợp và lòng từ bi. Những hoa văn trang trí trên chuông đồng không chỉ phản ánh trình độ kỹ thuật, kỹ xảo của người nghệ nhân mà còn chứa đựng những triết lý sâu sắc, có thể truyền cảm hứng không chỉ cho các thế hệ nghệ sĩ mà còn cho những người yêu nghệ thuật trong việc khám phá và tôn vinh giá trị văn hóa, giá trị nghệ thuật truyền thống.
"Lịch sử luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho sáng tạo nghệ thuật. Và chuông đồng thời Nguyễn chính là một minh chứng sinh động cho điều đó. Những chiếc chuông không chỉ là di sản của quá khứ mà còn là nguồn cảm hứng sáng tạo cho nghệ thuật đương đại", PGS.TS Lê Anh Tuấn gợi mở hướng khai thác giá trị nghệ thuật.
Bảo tồn, phát huy hiệu quả là yêu cầu cấp thiết
Chuông đồng thời Nguyễn không chỉ đơn thuần là một di sản văn hóa tôn giáo mà còn là một biểu tượng văn hóa đặc sắc, mang trong mình nhiều giá trị lịch sử, nghệ thuật và tâm linh trong lịch sử dân tộc. Tuy nhiên, việc bảo tồn và phát huy chuông đồng thời Nguyễn đang phải đối mặt với nhiều thách thức.
Nghiên cứu về vấn đề này, PGS. TS Nguyễn Thị Phương Thảo và TS Trịnh Thị Hà (Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương) cho rằng, việc thực hiện các giải pháp bảo tồn và phát huy hiệu quả là yêu cầu cấp thiết, nhằm đảm bảo không chỉ sự tồn tại của chuông đồng mà còn là việc gìn giữ những giá trị văn hóa của cha ông ta để lại cho thế hệ mai sau.
Để đạt được điều này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, các chuyên gia văn hóa và cộng đồng địa phương trong việc xây dựng chiến lược bảo tồn và phát huy toàn diện. Việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của di sản văn hóa, kết hợp với các giải pháp phát triển bền vững sẽ là yếu tố quyết định trong việc duy trì giá trị của chuông đồng thời Nguyễn cho các thế hệ tương lai.
Một số giải pháp được đề xuất như: Cần bảo tồn vật thể các chuông đồng thời Nguyễn bằng các biện pháp kỹ thuật cụ thể; Giáo dục và nâng cao nhận thức của cộng đồng; Ứng dụng công nghệ số để số hóa toàn bộ thông tin, hình ảnh liên quan đến chuông đồng bao gồm cả lịch sử, giá trị văn hóa và nghệ thuật; Bảo tồn và phát huy giá trị gắn với phát triển du lịch bền vững.
Trong đó, để phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn và phát huy chuông đồng thời Nguyễn, cần phải thiết kế và triển khai các tour du lịch văn hóa chuyên biệt. Các tour có thể bao gồm các hoạt động như thuyết minh về lịch sử và ý nghĩa của chuông đồng, tham quan các công trình kiến trúc tôn giáo của địa phương và tham gia vào các lễ hội văn hóa tôn giáo diễn ra tại chùa. Đặc biệt, cần chú trọng tới việc tạo ra các chương trình tương tác, như các lớp học thủ công truyền thống, nhằm giúp du khách hiểu rõ hơn về nghệ thuật và kỹ thuật chế tác chuông đồng.
Ngoài ra, việc tuyên truyền về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa thông qua các hoạt động du lịch cũng là rất quan trọng. Cần khuyến khích du khách tham gia vào các hoạt động bảo tồn và phát huy như quyên góp hoặc tham gia vào các chương trình bảo vệ di sản. Qua đó, không chỉ tăng cường ý thức về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa mà còn tạo ra nguồn tài chính hỗ trợ cho các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị của chuông đồng thời Nguyễn trong tương lai. Mục tiêu cuối cùng là phát triển du lịch bền vững mà vẫn giữ gìn được bản sắc văn hóa, tạo ra sự hài hòa giữa du lịch và bảo tồn, phát huy giá trị của di sản.