• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bảo tồn làng nghề Hà Nội: Giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa của tiền nhân

Văn hoá 10/11/2023 16:44

(Tổ Quốc) - Trong khuôn khổ Festival "Bảo tồn và phát triển làng nghề" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức từ 9-12/11 nhiều sự kiện đã diễn ra, trong đó việc giữ gìn và vươn xa của làng nghề được các đại biểu đề cập tới với nhiều ý kiến thiết thực, tâm huyết đưa ra tại hội thảo quốc tế.

Hà Nội tập trung nhiều làng nghề

Hiện nay, Hà Nội là nơi tập trung số lượng làng nghề và các nghệ nhân nhiều nhất cả nước. Mỗi làng nghề của Hà Nội đều mang bản sắc riêng, độc đáo theo phong cách văn hóa địa phương có sự cạnh tranh cao tại thị trường trong cả nước và quốc tế. Thành phố phấn đấu đến 2025 sẽ hình thành trung tâm thiết kế sáng tạo giới thiệu sản phẩm OCOP của quốc gia tại Thủ đô gắn với công nghiệp văn hóa và phát triển văn hóa. Đồng thời phát triển 9 trung tâm thiết kế sáng tạo giới thiệu quảng bá sản phẩm OCOP tại các huyện và thị xã.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cũng cho biết: Thủ đô Hà Nội là cái nôi của hơn 1.350 làng nghề và làng có nghề, hội tụ 47/52 nghề trong tổng số nghề truyền thống của cả nước. Hà Nội hiện có 303 nghệ nhân, bao gồm 13 Nghệ nhân nhân dân, 42 Nghệ nhân ưu tú... Đây là những "đầu tàu" gìn giữ bản sắc, văn hóa truyền thống của các làng nghề.

Bảo tồn làng nghề Hà Nội: Giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa của tiền nhân - Ảnh 1.

Hiện, cả nước có hơn 2.000 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận theo tiêu chí của Nhà nước, tăng gần 100 làng nghề so với năm 2020. Trong đó, có hơn 1.400 làng nghề và hơn 650 làng nghề truyền thống; 57 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình nghề thủ công truyền thống được ghi nhận. Ngành nghề nông thôn tạo việc làm cho khoảng 3,69 triệu lao động, thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng; xuất khẩu sản phẩm và nguyên liệu đạt 3,3 tỷ USD.

Hàng nghìn làng nghề nông thôn, làng nghề truyền thống trải khắp đất nước, những di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình nghề thủ công truyền thống, đã đóng góp giá trị to lớn về kinh tế, văn hóa, xã hội. Mỗi làng nghề đều gắn liền với câu chuyện đời sống vật chất, tinh thần, tiếp nối qua nhiều thế hệ và được chắt chiu, nâng niu trong từng sản phẩm.

Làng nghề không chỉ là không gian kết tinh, lưu giữ giá trị văn hóa, lịch sử mà còn là sinh kế góp phần bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần bền vững của nhân dân. Ngày càng nhiều làng nghề trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Cần bảo tồn và phát triển làng nghề

Tuy nhiên, các làng nghề ở Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn và thách thức lớn như: khó thu hút được lực lượng lao động, chưa đem lại thu nhập cao, có nguy cơ mai một, chưa áp dụng được tiến bộ khoa học kỹ thuật; thiếu lao động trẻ có trình độ;; không có sự liên kết giữa các làng nghề; thiếu kiến thức về thị trường tiêu thụ, thậm chí một số kỹ thuật truyền thống tinh xảo có nguy cơ bị mai một và thất truyền... Trước thực tế này, đòi hỏi những giải pháp nhằm bảo tồn, giữ gìn và phát triển làng nghề là rất cần thiết.

Hiện nay, khi công nghệ thông tin, mạng xã hội phát triển mạnh mẽ việc gắn kết "không biên giới" về mặt không gian giữa khu vực này với khu vực khác, giữa các nước này với các nước khác vô cùng thuận tiện và nhanh chóng thì các làng nghề cũng phải xem hình thức giới thiệu quảng bá và bán sản phẩm trực tuyến là không thể thiếu. Thực tế cũng đã chứng minh nhiều mặt hàng trong nước được biết đến rộng rãi, được tiêu thụ nhiều và được đến với thị trường quốc tế là thông qua internet.

Làng nghề truyền thống hơn trăm năm ở Hà Nội, được mô tả như những khoảng sân bung tỏa sắc màu - Ảnh 1.

Một góc làng nghề làm hương truyền thống ở làng Quảng Phú Cầu, Hà Nội (ảnh minh họa)

Bàn thêm về câu chuyện của làng nghề và hướng đi sắp tới, Bộ trưởng Bộ NN - PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ: Phát triển làng nghề không chỉ là câu chuyện bán sản phẩm mà làm sao để người tạo ra sản phẩm thấy vui, hạnh phúc với công việc của mình. Do đó rất cần mở ra không gian mới cho làng nghề. Điều quan trọng hiện nay là làm thế nào để người dân trong làng, người trong nghề có thể kết nối với thế giới, vượt ra khỏi khuôn mẫu vốn có.

Đưa sản phẩm của làng nghề Việt Nam vươn tầm thế giới không chỉ là câu chuyện có thêm nguồn khách hàng, tiêu thụ sản phẩm mà còn là giữ gìn, tiếp nối tinh hoa văn hóa của làng nghề và phát triển du lịch.

Cùng với đó, một số đại biểu tại Hội thảo cũng đưa ra đề xuất xây dựng cơ chế chính sách cho các nghệ nhân thợ giỏi. Những nghệ nhân này dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng vì tình yêu nghề mà giữ nghề cũng như ý thức giữ gìn văn hóa tiền nhân. Nếu không có cơ chế chính sách "giữ chân" những nghệ nhân này thì sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ.

Tại sự kiện dịp này, Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp Việt Nam và đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội đã ký kết thỏa thuận hợp tác với một số đối tác quốc tế hoạt động trong lĩnh vực hội chợ, nền tảng số và ngân hàng để xúc tiến thương mại các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm độc đáo của địa phương (OCOP) ra thị trường quốc tế.

Đại diện Sở NN - PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cũng cho biết, tới đây thành phố sẽ phát triển sản phẩm kết nối với các quốc gia và vùng lãnh thổ. Cùng với đó sẽ chủ động phối hợp với các đơn vị, tổ chức trong nước, quốc tế để thực hiện hiệu quả chương trình bảo tồn, phát triển làng nghề.

Nhị Xuân

NỔI BẬT TRANG CHỦ