• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá của lễ hội truyền thống: "Tốt xấu" của lễ hội nằm ở sự hiểu biết và ý thức người tham gia

Văn hoá 03/02/2023 07:24

(Tổ Quốc) - Bên cạnh tăng cường công tác quản lý, tổ chức thì việc nâng cao sự hiểu biết và ý thức của người tham gia chính là yếu tố quyết định giá trị của lễ hội.

Từ xa xưa, lễ hội đã xuất hiện nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh hay thỏa mãn nhu cầu vui chơi, giao lưu cộng cảm của con người, hướng tới những giá trị văn hóa tốt đẹp.

Người ta đi lễ, dự hội với sự tôn kính các bậc thánh thần, những vị anh hùng dân tộc, những người có công với đất nước để từ đó có thêm niềm tin, sức mạnh trong cuộc sống. Hay đi lễ chùa để lòng thanh thản, hướng thiện và mong muốn bình an cho bản thân và gia đình.

"Tốt xấu" của lễ hội nằm ở sự hiểu biết và ý thức người tham gia  - Ảnh 1.

Người dân làng Thụy Lôi, huyện Đông Anh, Hà Nội tổ chức nghi lễ rước kiệu “vua sống”, “chúa sống” trong Lễ hội đền Sái. Đây là dịp để mọi người bày tỏ lòng thành kính cho vị vua Thục ngày trước có công xây thành Cổ Loa - Ảnh: Nam Nguyễn

Trước đây, lễ hội thường chỉ diễn ra trong phạm vi hẹp của một cộng đồng, một làng xã với chỉ người dân cộng đồng đó tham dự, ít có lễ hội lớn ở quy mô quốc gia. Tuy nhiên hiện nay, rất nhiều lễ hội lớn nhỏ đều trở nên "đại chúng", đặc biệt qua truyền thông, mạng xã hội, bất cứ lễ hội nào (chỉ cần có một nét riêng, độc đáo) cũng đều có thể trở thành sự kiện văn hóa lớn mà ai cũng có thể tham gia.

Không phủ nhận việc mở rộng quy mô, người tham dự giúp quảng bá hình ảnh của các lễ hội, tạo điều kiện để lễ hội được duy trì, phát triển nhưng phần nào đó, việc "đại chúng hoá" cũng khiến cho ý nghĩa thật sự của lễ hội bị phai nhạt dần.

Nếu như trước đây, không gian lễ hội vốn là chốn tôn nghiêm, thanh tịnh, tuyệt nhiên không có sự xô bồ, bát nháo hay giành giật thì ngày nay, với quy mô lớn, sự tham dự của quá đông người, cảnh tượng chen lấn, xô đẩy thậm chí cãi vã, đánh nhau ở các lễ hội để cướp ấn, cướp lộc không còn hiếm.

"Cướp phết" ở hội phết Hiền Quan (Phú Thọ) hay "cướp chiếu" ở lễ Đúc Bụt (Vĩnh Phúc) vốn là nghi thức rất có ý nghĩa với người dân địa phương. Màn "cướp" vốn chỉ mang ý nghĩa biểu trưng và các vật thiêng được cướp ấy có ý nghĩa riêng đối với người dân làng đó. Những nghi thức này vẫn diễn ra từ nhiều đời nay mà không hề có yếu tố bạo lực, phản cảm. Thế nhưng từ khi được "đại chúng hoá", với sự thiếu hiểu biết của nhiều người tham dự đã khiến cho những nghi thức này trở nên bạo lực, hỗn loạn, mất đi ý nghĩa của thực sự của nó.

"Tốt xấu" của lễ hội nằm ở sự hiểu biết và ý thức người tham gia  - Ảnh 2.

Đám đông trai tráng từ bên ngoài tràn vào bãi đánh phết ở hội phết Hiền Quan khiến lễ hội "vỡ trận" năm 2019, từ đó đến nay nghi thức "cướp phết" vẫn chưa được tổ chức lại.

Nghi thức "cướp phết" ở Hiền Quan dù có năm, ban tổ chức đã rất cố gắng duy trì bằng cách tạo hàng rào riêng cho sân cướp phết, chia đội, chỉ định số lượng người tham gia "cướp" để đảm bảo an toàn, loại bỏ yếu tố bạo lực, nhưng khi màn "cướp phết" vừa bắt đầu, những người đến dự lễ thiếu ý thức vẫn "xé rào" lao vào tranh cướp với mong muốn giành lấy "lộc" cho mình.

Hay như lễ Đúc Bụt, để tránh tình trạng giẫm đạp, tranh giành nhiều như các năm trước, năm nay Ban tổ chức đã phải thay đổi phương thức từ "cướp chiếu" sang tản chiếu phát lộc, tức là gỡ từng sợi chiếu cho vào "bao bì lộc" phát cho người đi lễ qua khe cửa, ấy vậy mà cảnh tượng giành giật vẫn xuất hiện khi những sợi chiếu được đưa ra ngoài.

Nhiều người chẳng biết đến ý nghĩa, nguồn gốc thật sự của các lễ hội, chỉ nghe là đến hoặc "đến cho vui" nhưng chính họ, với sự thiếu hiểu biết lại làm mất đi cái vui cũng như ý nghĩa của lễ hội.

Không ít người tham dự lễ hội không phải để bày tỏ thành kính với thánh thần hay các vị anh hùng dân tộc, để cầu sức khoẻ, bình an mà họ đi lễ chỉ để cầu lợi lộc, cầu tước vị, quyền lực cho bản thân.

Họ rải tiền lẻ, đốt vàng mã vô tội vạ, sắm đồ lễ thật to để "tốt lễ dễ kêu" hay dùng tiền "đút lót" thần thánh như một khoán ước với niềm tin mù quáng sẽ được "chứng". Việc này chẳng những gây lãng phí, ô nhiễm môi trường mà còn tạo điều kiện cho không ít kẻ trục lợi, lợi dụng tín ngưỡng, niềm tin để mua thần bán thánh.

Ngoài ra, một vấn nạn nổi cộm khác năm nào cũng được nhắc đến ở các lễ hội đó là việc xả rác bừa bãi, thiếu ý thức giữ gìn cảnh quan và vệ sinh môi trường của không ít người tham dự. Ngay cả ở những chốn tôn nghiêm, trong các miếu thờ, chùa chiền, di tích lịch sử, nhiều người vẫn vô tư xả rác tạo ra hình ảnh vô cùng phản cảm.

"Tốt xấu" của lễ hội nằm ở sự hiểu biết và ý thức người tham gia  - Ảnh 3.

Rác thải bủa vây khuôn viên khu di tích lịch sử Đền Hùng.

Việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội đã được Đảng, Nhà nước quan tâm và chỉ đạo từ rất sớm. Những năm qua, gần như năm nào Bộ VHTTDL cũng ban hành kế hoạch, hướng dẫn để tổ chức lễ hội văn minh, an toàn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, cảnh tượng xô bồ, hỗn loạn, mất an ninh trật tự, hay những hành vi phản cảm, thực hành tín ngưỡng sai lệch ở các lễ hội sẽ vẫn còn nếu nhận thức của người tham gia chưa thay đổi.

Người xưa có câu "Phật tại tâm", nếu tâm hướng phật thì không nhất thiết phải đến chùa cầu xin cũng có được những điều tốt đẹp. Không thần, Phật nào "chứng" cho những hành vi tranh giành, "đút lót" phản cảm của con người. Mỗi người tham gia lễ hội cần phải trang bị cho mình sự hiểu biết, có ý thức trách nhiệm trước cộng đồng để góp phần làm cho lễ hội phát triển lành mạnh.

Xuân Trường

NỔI BẬT TRANG CHỦ