• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Then trong đời sống đương đại

02/05/2018 08:59

(Cinet) - Then là tín ngưỡng cúng vía của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam. Hát Then là nghệ thuật âm nhạc trong nghi lễ tín ngưỡng Then.

(Cinet) - Được biết đến là một di sản văn hóa dân gian độc đáo của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái các tỉnh miền núi phía Bắc, hát Then từ lâu đã được lưu giữ và phát triển thành một không gian văn hóa đồ sộ về khối lượng, phong phú về thể loại, đa dạng về hình thức biểu diễn.

Hát Then, Đàn Tính là một loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc của các dân tộc

Tày, Nùng, Thái. (Ảnh: nhahatvietbac.vn)


Hát Then - loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc

Then là tín ngưỡng cúng vía của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam. Hát Then là nghệ thuật âm nhạc trong nghi lễ tín ngưỡng Then. Hát Then quán xuyến toàn bộ quá trình hành lễ Then. Không có hát, không có đàn tính, không có xóc nhạc đệm cho hát trong quá trình hành lễ không gọi là Then. Đây là điều nổi trội về nghệ thuật làm cho Then trở thành hình thức thờ cúng có sức hấp dẫn rất lớn trong đời sống người Tày, Nùng, Thái. Then là một loại hình nghệ thuật, một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng lâu đời của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái miền núi phía Bắc Việt Nam.

Then bắt nguồn từ tín ngưỡng của đồng bào về một thế giời thần bí, nơi đó có những nhân vật và sức mạnh diệu kỳ như Bụt, Giàng, Trời mà chỉ có ông Then, bà Then mới có đủ bản lĩnh và khả năng đến được thế giới đó. Khi các bà Then, ông Then dâng lên trời những sản vật của con người thì miệng họ hát, tay đệm nhạc, chân sóc nhạc. Chính lời hát Then hòa trong nhịp đàn Tính cùng tiếng xóc nhạc lúc khoan nhịp, lúc dồn dập sẽ đưa bà Then, ông Then đến với Mường Trời và chở lời thỉnh cầu của con người tới các đấng thần linh. Đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái thường sử dụng Then vào những dịp trọng đại như hội làng, cầu đảo của từng gia đình, dòng họ vào dịp năm mới, sinh con đầu lòng, giải trừ tà ma và chữa bệnh.

Hát Then là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa tâm linh

của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Thái.

Loại hình nghệ thuật này phát triển mạnh vào thời nhà Mạc (thế kỷ XV) và trở thành âm nhạc cung đình, phổ biến ở các tỉnh vùng núi phía Bắc.

Then có nghĩa là Thiên - Trời và được coi là điệu hát của thần tiên truyền lại. Then chỉ có một vài giai điệu khác nhau nhưng sự hấp dẫn của Then chính là sự phong phú đa dạng của ca từ. Lời then có tới 35 chương đoạn khác nhau, phụ thuộc vào người biểu diễn và mục đích của nghi lễ. Người làm then cổ thường vừa hát then vừa chơi đàn Tính kết hợp sử dụng chùm nhạc xóc trong các nghi lễ như cầu mưa, cầu lửa, giải hạn cầu may, cầu được mùa… Then là chiếc cầu nối giữa con người với thế giới thần linh và đất trời, chính vì thế, then là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa tâm linh của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Thái ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Ngày ngày đi lên nương làm rẫy, đêm đêm lại quây quần bên bếp lửa cùng nhau hát lên những bài Then cổ. Hòa trong vẻ đẹp hùng vĩ của rừng núi điệp trùng là hình ảnh các chàng trai, cô gái Tày trong trang phục dân tộc áo chàm váy tơ, tay cầm đàn tính, nô nức say mê xướng lên những câu hát then trong trẻo, vi vút cùng mây gió.

Về mặt nghi lễ, với tư cách là một hình thái sinh hoạt tín ngưỡng dân gian, Then chứa đựng trong mình những tín ngưỡng, tôn giáo nguyên thủy. Thông qua các nghi thức thực hiện then văn, then tướng và nhiều hình thức khác, ông Then, bà Then sẽ là chiếc cầu nối giữa thế giới thần tiên và nhân gian, nhằm bày tỏ lòng thành kinh, biết ơn tới các vị thần đã phù hộ, che chở cho mình và gia đình, cộng đồng tránh khỏi những thiên tai, dịch bệnh, đem lại một cuộc sống no đủ, hạnh phúc...

Về mặt nghệ thuật dân gian, Then là một loại hình nghệ thuật tổng hợp chứa nhiều thành tố ngữ văn, âm nhạc, mỹ thuật, múa, diễn xướng dân gian và có giá trị về lịch sử, văn hóa, xã hội. Then được thể hiện sinh động bằng lời ca, tiếng nhạc, điệu múa dân gian hết sức phong phú và hấp dẫn. Trong một cuộc hát then, âm nhạc là yếu tố quan trọng và xuyên suốt khi trình diễn. Hát then có nhiều bài bản, làn điệu khác nhau, nhưng đều tuân theo một bài bản và kết thúc có kết quả giống nhau. Người trình diễn hát then theo hình thức diễn xướng tổng hợp vừa hát, đệm đàn và múa để thể hiện nội dung câu hát. Nội dung và ý nghĩa của các bài hát then thường là vạn lấy hồn lấy vía siêu lạc ở các chốn về, hoặc săn bắt bắn lấy những con thú trên rừng về để giải hạn, khao tổ tiên, khao mẫu sinh hay mẹ sinh (mẫu ban lộc sinh đẻ). Tiếng hát then thần kỳ đến mức người đang ốm đau chỉ nghe thấy coi như khỏi bệnh.

Trải qua thời gian, làn điệu Then đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái. (Ảnh: nhahatvietbac.vn)

Trong đời sống văn hóa cộng đồng, với đồng bào các dân tộc Nùng, Tày, Thái, hát then không chỉ là khúc hát đầu xuân cầu an lành, may mắn mà còn gắn liền với sinh hoạt tín ngưỡng trong năm. Then là cầu nối tâm linh chở theo lời thỉnh cầu, mong ước của con người tới thánh thần. Vì vậy vào mỗi dịp trong năm cúng cầu an, giải hạn, cúng tổ tiên, hay mừng nhà mới, mừng thọ ông bà, cha mẹ đều không thể vắng bóng những giai điệu then.

Bảo tồn, phát huy nghệ thuật dân gian hát Then trong đời sống đương đại

Trải qua thời gian, làn điệu Then đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái nói riêng, đồng bào các dân tộc vùng núi phía Bắc nói chung. Mặc dù có sức lan tỏa mạnh mẽ, song hát Then cũng như nhiều di sản văn hóa phi vật thể khác ở nước ta đang đứng trước nguy cơ mai một. Để Then đến gần hơn với công chúng đương đại, đã đến lúc cần phải đa dạng hóa phương thức bảo tồn Then trên cơ sở lưu giữ những giá trị nguyên gốc.

Muốn làm được điều đó, bên cạnh công tác sưu tầm, phục dựng các điệu Then cổ, các cơ quan, ban, ngành chức năng cần dành sự quan tâm đặc biệt tới các nghệ nhân hát Then - những “báu vật sống” có khả năng truyền đạt cả giai điệu lẫn tình yêu, niềm say mê Then tới giới trẻ; tôn vinh những người giữ then như giữ lửa, đồng thời có sự lựa chọn để hạn chế những sắc thái mê tín không còn phù hợp.

Bên cạnh đó, vấn đề tôn vinh gia đình, dòng họ có truyền thống hát then cũng cần phải được coi trọng, bởi vì những nghệ nhân am hiểu về then sẽ là mắt xích không thể thiếu trong việc chuyển tải những giá trị nghệ thuật then cổ cho thế hệ tương lai.

Cùng với đó, tại các vùng Then, cần thành lập những lớp học hát Then, câu lạc bộ hát Then, những đội văn nghệ Then sinh hoạt đều đặn hằng tuần, hằng tháng. Then cũng cần được quảng bá nhiều hơn trên các phương tiện truyền thông đại chúng thông qua các chương trình giới thiệu âm nhạc, lồng ghép vào các tiết học, giảng dạy ngoại khóa trong nhà trường để lớp trẻ có cơ hội hiểu biết về một vốn quý trong di sản văn nghệ dân gian nước nhà và có trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát triển hát Then.

Bên cạnh đó, cần truyên truyền nâng cao ý thức cho người dân, đặc biệt là các nghệ nhân tham gia bảo tồn và phát huy giá trị loại hình nghệ thuật then. Tiếp tục đầu tư kinh phí mở các lớp tập huấn cho những người có khả năng về âm nhạc (đàn tính - hát then) làm hạt nhân cho các phong trào văn hóa văn nghệ cơ sở.

 Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính toàn quốc do Bộ VHTTDL phối hợp

với các địa phương - nơi có di sản Then Tính tổ chức là một hình thức cụ thể

góp phần vào việc bảo tồn và phát triển nghệ thuật Hát Then – Đàn Tính

trong đời sống đương đại. (Ảnh: vanhocnghethuat.tuyenquang.gov.vn)

Những năm qua, một trong những hình thức cụ thể góp phần vào việc bảo tồn và phát triển nghệ thuật Hát Then – Đàn Tính đã Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ Văn hóa – Thông tin cũ) phối hợp với các địa phương nơi có di sản Then Tính triển khai đó là Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính toàn quốc.

Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2005 tại Thái Nguyên. Liên hoan khiến bà con dân tộc vùng Đông Bắc và đặc biệt là những người còn yêu thích hoặc đang tham gia vào nghệ thuật then hết sức phấn khởi. Qua Liên hoan, có khoảng trên 200 diễn viên chuyên và không chuyên được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận là nghệ nhân của nghệ thuật hát then. Trong số này có nhiều nghệ nhân là các diễn viên chuyên nghiệp từ các đoàn nghệ thuật tới. Điều này đã thể hiện số nghệ nhân hát then trong các bản làng ngày càng ít đi. Con số các nghệ nhân tuy ít ỏi, nhưng qua việc tổ chức Liên hoan đã cho thấy được giá trị của nghệ thuật hát then, cũng như sự quan tâm của các cấp, các ngành đối với loại hình nghệ thuật độc đáo này.

Từ sau Liên hoan Hát Then, Đàn Tính lần thứ nhất tại Thái Nguyên, phong trào hát then và đánh đàn tính phát triển mạnh tại các địa phương. Nhiều tỉnh đã có sự đầu tư lớn trong việc mở rộng lớp tập huấn, vừa trang bị đàn tính, trang phục cho các em học tập và biểu diễn tại các câu lạc bộ. Từ những kết quả bước đầu đó, cứ 2 - 3 năm một lần, Bộ VHTTDL phối hợp với các địa phương – nơi có di sản Then Tính tổ chức liên hoan Hát Then, Đàn Tính toàn quốc. Liên hoan đã góp phần tôn vinh nghệ nhân, gìn giữ và phát huy giá trị của di sản nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày-Nùng-Thái trong đời sống đương đại. Đây là dịp để quảng bá, giới thiệu với nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế về hình ảnh đất nước, con người, tiềm năng văn hóa, du lịch, các giá trị di sản văn hóa, cụ thể là di sản và loại hình nghệ thuật dân gian Hát Then, Đàn Tính của các địa phương; là cơ hội để các nghệ nhân, nghệ sỹ, diễn viên của các dân tộc Tày-Nùng-Thái gặp gỡ, giao lưu, học hỏi, giới thiệu, phát huy những giá trị, những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp, đặc sắc của dân tộc mình; là dịp để tôn vinh, bảo tồn, phát triển loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc đã bao đời nay gắn bó với đời sống của các dân tộc Tày-Nùng-Thái; góp phần phục vụ nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân các vùng có nghệ thuật Hát Then, Đàn Tính./. 

 

Anh Vũ

NỔI BẬT TRANG CHỦ