• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bảo tồn, phát huy giá trị di sản xứng tầm với "Thủ đô di sản"

Văn hoá 15/06/2021 17:00

(Tổ Quốc) - Với 5.922 di tích được nhận diện, kiểm kê, Hà Nội hiện là địa phương có số lượng di tích lớn nhất cả nước. Di tích xuống cấp ở Hà Nội còn rất nhiều, trong khi nguồn kinh phí những năm gần đây đã được các cấp quan tâm hơn nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu bảo tồn, tu bổ tôn tạo. Để giải bài toán này, Hà Nội thu hút nhiều nguồn lực bảo tồn di sản văn hóa.

Tiềm năng di sản lớn

Thành phố Hà Nội là địa phương có số lượng di tích lớn nhất cả nước với 5.922 di tích chia thành nhiều loại hình. Hiện Hà Nội có 1 di tích được UNESCO công nhận là Di sản thế giới, 16 di tích (cụm di tích) Quốc gia đặc biệt, 3 di tích đang lập hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt, 50 di tích Lịch sử cách mạng, 1.804 ngôi đình, 2.007 ngôi chùa, 811 ngôi đền, 292 ngôi miếu, 18 nghè, 185 ngôi quán, 390 nhà thờ họ, 23 lăng mộ, 35 văn chỉ và 307 các loại hình di tích khác. Trong đó, có 44 di tích có niên đại khởi dựng thời Lý - Trần, 1.135 di tích có niên đại khởi dựng thời Lê, 3.491 di tích có niên đại khởi dựng thời Nguyễn, 1.252 di tích được khởi dựng từ năm 1945 đến nay.

Bảo tồn, phát huy giá trị di sản xứng tầm với "Thủ đô di sản" - Ảnh 1.

Hoàng Thành Thăng Long

Hà Nội còn tập trung số lượng làng nghề nhiều nhất cả nước với trên 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm 59% tổng số làng có nghề của toàn quốc, trong đó tiêu biểu như: Gốm sứ Bát Tràng, dệt lụa Vạn Phúc, mây tre đan Phú Vinh, dát vàng bạc quỳ Kiêu Kỵ... T

Hơn thế nữa, trong bảng tổng các di tích lịch sử văn hóa của Hà Nội có đủ 4 loại di tích được phân định tại Luật Di sản Văn hóa (2001), Luật bổ sung và sửa đổi một số điều của Luật Di sản Văn hóa (2009). Đó là các di tích lịch sử, di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích khảo cổ học và danh lam thắng cảnh.

Là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước hoàn thành tổng kiểm kê di tích, triển khai có bài bản và hiệu quả công tác giáo dục di sản, hằng năm, Hà Nội cũng huy động thành công hàng trăm tỷ đồng cho hoạt động tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị di sản, góp phần khơi dậy tiềm năng ẩn chứa trong các di tích, phục vụ có hiệu quả công tác giáo dục lịch sử, bồi dưỡng nhân cách, xây dựng con người Thủ đô thanh lịch, văn minh; tạo cơ sở phát triển bền vững cho một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố là du lịch.

Khách du lịch nước ngoài tới Hà Nội chia sẻ: “Một trong những ấn tượng sâu sắc của tôi về Thủ đô Hà Nội của các bạn là hệ thống di sản văn hóa đồ sộ, hàm chứa những câu chuyện lịch sử hấp dẫn, đậm tính nhân văn. Điều này cũng khiến Hà Nội trở nên đặc biệt quyến rũ so với những thành phố trên thế giới tôi từng đi qua”.

Tuy nhiên, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ở Thủ đô còn không ít khó khăn, thách thức. Số lượng di tích đồ sộ, nhưng kết quả nghiên cứu xếp hạng di tích chưa tương xứng, chưa có quy hoạch tổng thể bảo tồn di tích lịch sử văn hóa. Số lượng di tích xuống cấp, xuống cấp nghiêm trọng, bị xâm phạm còn nhiều...

Trong những năm qua, Hà Nội đã cố gắng tối đa đối với việc thực thi của hiệu quả trách nhiệm bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp di tích, phát huy giá trị của di tích trong đời sống đương đại. Hà Nội là một trong những địa phương gặt hái được nhiều kết quả có tính thuyết phục trên các lĩnh vực nghiên cứu, lập hồ sơ xếp hạng di tích, bảo tồn tôn tạo, phát huy giá trị di tích; Khơi dậy những tiềm năng ẩn chứa trong các di tích, phục vụ có hiệu quả cho công tác giáo dục kiến thức lịch sử, giáo dục, bồi dưỡng nhân cách, xây dựng con người Hà Nội văn minh, thanh lịch, tạo cơ sở cho sự phát triển bền vững một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Hà Nội là du lịch…

Xã hội hóa công tác bảo tồn

Những năm gần đây, công tác chống xuống cấp, tu bổ, tôn tạo di tích đã được thành phố và đông đảo nhân dân, dư luận quan tâm. Nguồn kinh phí đầu tư cho công tác tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích từ ngân sách nhà nước, nguồn thu từ các hoạt động sử dụng và phát huy giá trị di tích và kinh phí từ xã hội hóa do tài trợ và đóng góp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài. Nhiều quận, huyện đã làm tốt công tác xã hội hóa, thu hút được sự đóng góp lớn từ các tổ chức, cá nhân.

Bảo tồn, phát huy giá trị di sản xứng tầm với "Thủ đô di sản" - Ảnh 2.

Chùa Một Cột

Việc giải quyết những vụ việc vi phạm di tích do lịch sử để lại cũng được quan tâm từng bước và hầu hết ngăn chặn được những lấn chiếm mới đối với di tích. Một số quận nội thành đã làm tốt công tác giải phóng mặt bằng và di chuyển được nhiều hộ dân ra khỏi khu vực bảo vệ di tích, như tại đình Kim Ngân, đền Quan Đế, Bích Câu đạo quán, chùa Hòe Nhai, đền Đông Hạ, đền Hai Bà Trưng...

Những công trình xây liền kề làm ảnh hưởng tới không gian, cảnh quan di tích cũng giảm nhiều so với những năm trước đây. Những vụ việc vi phạm di tích đã được phát hiện và phối hợp giải quyết kịp thời. Một số địa phương đã quan tâm hơn đến công tác tuyên truyền phát huy giá trị di tích qua việc tổ chức hội thảo, viết sách hay làm tờ gấp giới thiệu di tích. Một số lễ hội lớn như: Chùa Hương, đền Và, hội Gióng... đã đi vào trật tự, nề nếp hơn. Công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến trong nhân dân pháp luật về di sản được quan tâm, chú trọng với nhiều hình thức phong phú, đa dạng đã góp phân nâng cao nhận thức, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân và đóng góp tích cực vào việc thực hiện mục tiêu tuyên truyền, quảng bá giá trị di sản văn hóa của Hà Nội với công chúng trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, với số lượng di tích lớn nên hiện nay công tác quản lý, bảo tồn di sản văn hóa ở Hà Nội gặp không ít khó khăn, bất cập. Trong Hướng dẫn thực hiện công ước di sản thế giới, UNESCO đã đặt ra yêu cầu các quốc gia thành viên phải xây dựng kế hoạch quản lý các khu di sản thế giới với mục tiêu cơ bản như: Muốn quản lý di sản phải nhận diện chính xác giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản; Phải xác định rõ những áp lực từ tự nhiên và các hoạt động kinh tế - xã hội tới khả năng bảo tồn và phát huy di sản; Cơ chế, chính sách phù hợp để thực thi việc quản lý di sản; Chương trình hành động cụ thể nhằm hạn chế, ngăn ngừa những yếu tố ảnh hưởng tới di sản; Thu hút các nguồn lực xã hội cho hoạt động bảo tồn Di sản văn hóa.

Bảo tồn, phát huy giá trị di sản xứng tầm với "Thủ đô di sản" - Ảnh 3.

Đình Kim Ngân

Theo PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản và Văn hóa Việt Nam, Hà Nội cần quan tâm là phải bảo tồn những gì được coi là “biểu tượng văn hóa” đặc trưng nhất cho các giai đoạn phát triển của đô thị Hà Nội, đó là cách ứng xử công bằng cho tất cả các loại hình di sản. Bởi đó là những hạt nhân tạo nên sự đa dạng trong các sắc thái văn hóa của Hà Nội với tư cách là Thủ đô, nơi hội tụ, chắt lọc, kết tinh và tỏa sáng tinh hoa văn hóa từ tất cả các vùng, miền quốc gia.

Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn Thủ đô phải thực hiện ở ba nội dung cơ bản là: Bảo vệ di tích về mặt pháp lý và khoa học, bảo vệ di tích về mặt vật chất kỹ thuật và phát huy giá trị di tích nhằm phục vụ nhu cầu hiện đại của xã hội. Do đó, cần thiết phải có cơ chế, chính sách phù hợp, có tác dụng thúc đẩy sự nghiệp bảo tồn như: Quy hoạch toàn bộ các di tích đã được công nhận; Xã hội hóa hoạt động bảo tồn; Ưu tiên đầu tư ngân sách; Nâng cao trình độ chuyên môn và năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ. Số lượng di tích lớn mà số di tích xuống cấp còn rất nhiều. Nguồn kinh phí những năm gần đây đã được các cấp quan tâm hơn nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu bảo tồn, tu bổ tôn tạo. Nhiều di tích có giá trị kiến trúc - nghệ thuật, giá trị lịch sử,.. xuống cấp nhưng chưa được tu bổ, tôn tạo. Vì vậy, trong quá trình tu bổ, tôn tạo cần đưa ra phương thức tiến hành cho phù hợp với sự kế thừa kiến trúc truyền thống, tận dụng tối đa các yếu tố gốc của di tích.

Công tác quản lý di tích liên quan đến nhiều lĩnh vực như đất đai, xây dựng và nhiều chuyên ngành như lịch sử, nghệ thuật, kiến trúc và các lĩnh vực chuyên ngành khác có liên quan. Do vậy, để làm tốt công tác này cần xây dựng đội ngũ cán bộ có kiến thức tổng hợp, kinh nghiệm thực tế và có sự phối hợp của nhiều cấp ngành liên quan. Công tác tu bổ di tích mang tính đặc thù trong việc bảo tồn yếu tố gốc của di tích, do vậy rất cần có đội ngũ cán bộ, thợ lành nghề trong việc triển khai thực hiện. Do số lượng di tích xuống cấp quá lớn, nhiều địa phương không cân đối được ngân sách và không có nguồn lực cho việc này nên cần tuyên truyền, phổ biến cho người dân, huy động sức dân trong việc tu bổ, tôn tạo di tích từ nguồn xã hội hóa. Khi người dân tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm trong bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, thì sẽ góp phần mang đến những đột phá trong công tác bảo tồn di sản, xứng tầm với vị thế "Thủ đô di sản"./.

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ