• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bảo tồn, phát huy giá trị văn học dân gian của các dân tộc thiểu số tỉnh Trà Vinh

Văn hoá 15/07/2022 11:18

(Tổ Quốc) - Trong thời gian qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn học dân gian của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã được triển khai đồng bộ, chủ động, linh hoạt, sáng tạo và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Bảo tồn, phát huy giá trị văn học dân gian của các dân tộc thiểu số tỉnh Trà Vinh - Ảnh 1.

Sách “Văn học dân gian Khmer Trà Vinh nghiên cứu và tác phẩm”. Nguồn: baotravinh

Trà Vinh là tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nằm giữa hai nhánh sông tiền và sông hậu. Toàn tỉnh có hơn 1 triệu người với 3 dân tộc chủ yếu gồm dân tộc Kinh, Khmer, Hoa cùng sinh sống xen kẽ từ lâu đời, với nét văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau, tạo nên bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng. Cùng với sự phát triển về đời sống vật chất, đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc tại đây cũng được chú trọng, quan tâm.

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa VIII) về "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh cùng phối hợp các sở, ngành quan tâm đầu tư và nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc trong việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam thống nhất trong sự đa dạng.

Đến nay, toàn tỉnh có 49 di tích, gồm có 16 di tích cấp quốc gia bao gồm 01 danh thắng, 02 khảo cổ và 04 kiến trúc, 09 di tích lịch sử (trong đó có 6 ngôi chùa Khmer); Di tích cấp tỉnh: 33 di tích, bao gồm 04 loại hình kiến trúc nghệ thuật, 29 di tích lịch sử (trong đó có 12 chùa Khmer); Có 05 Di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia gồm: Nghệ thuật "Chầm riêng chà pây" của đồng bào dân tộc Khmer; Lễ hội Ok Om Bok của đồng bào dân tộc Khmer ở TV; Nghệ thuật "Đờn ca tài tử Nam Bộ"; "Lễ hội cúng biển Mỹ Long" thị trấn Mỹ Long, huyện Cầu Ngang; Nghệ thuật Rô-băm người Khmer tỉnh Trà Vinh; Có 02 di tích khảo cổ là Di tích khảo cổ Lưu Cừ II thuộc huyện Trà Cú và di tích khảo cổ quốc gia là di tích Bờ lũy – Chùa Lò Gạch thuộc ấp Ba Se A, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành.

Hiện nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh tiếp tục triển khai thực hiện Dự án làng văn hóa dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh gắn với di tích Chùa Âng - Ao Bà Om và di tích Bờ lũy - Chùa Lò Gạch, tạo thành quần thể văn hóa đặc trưng, thu hút khách tham quan du lịch.

Toàn tỉnh hiện có 112 đội dàn nhạc ngũ âm, 95 đội trống Chhay dam, 35 đội múa Chằn - Khỉ và trên 100 đội nhạc tân; 40 đội bóng chuyền và 08 đội ghe Ngo; 01 tờ báo và 02 nội san chữ Khmer; 01 chương trình phát thanh và 01 chương trình truyền hình tiếng Khmer; 01 đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh; 01 Bảo tàng văn hóa dân tộc Khmer,... cơ bản đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa cộng đồng.

Về công tác bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc Hoa: Tỉnh Trà Vinh có 27 cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo của người Hoa (gồm 15 chùa Ông, 9 miếu Bà Thiên Hậu, 02 am thờ Bà Cửu Thiên và 01 chùa Tịnh độ Cư sĩ). Các cấp, các ngành luôn tạo điều kiện thuận lợi trong sinh hoạt và trong việc trùng tu, xây dựng cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, qua đó hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trong đồng bào Hoa phù hợp với phong tục tập quán, đúng theo quy định của luật pháp, hầu hết các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo đều được trùng tu khang trang.

Về công tác bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc Chăm: Đồng bào dân tộc Chăm tỉnh Trà Vinh có nguồn gốc từ An Giang di cư đến sinh sống và lập nghiệp trong những năm 1940. Người Chăm Trà Vinh theo đạo Hồi Islam. Hiện nay, tại thành phố Trà Vinh có 1 trung tâm sinh hoạt tôn giáo của cộng đồng người Chăm là Thánh đường hồi giáo Mosque Muslimine (Ixlam). Về văn hóa truyền thống, hiện nay cộng đồng người Chăm tại Trà Vinh chưa có những nét văn hóa truyền thống đặc trưng riêng biệt. Họ chỉ tập trung sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo theo quy định của Luật Hồi giáo tại thánh đường.

Có thể nói rằng, công tác xây dựng, triển khai các kế hoạch, dự án, đề án về bảo tồn văn hoá truyền thống các dân tộc Việc tổ chức thực thi chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đã đạt được một số yêu cầu cơ bản như: kịp thời, đồng bộ, chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong triển khai thực thi chính sách phù hợp với điều kiện tự nhiên, văn hóa – xã hội địa phương, trình độ dân trí và có tính đến đặc điểm của đối tượng thụ hưởng chính sách văn hóa dân tộc.

Hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức triển khai, phổ biến pháp luật đối với lĩnh vực bảo tồn bảo tàng, tổ chức lễ hội, quản lý di tích cho cán bộ công tác văn hóa cơ sở. Công tác triển khai đầy đủ, kịp thời, phù hợp với hoạt động phổ biến pháp luật so với nhu cầu đã xác định tại địa phương.

Bên cạnh đó, triển khai thực hiện Dự án "Bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Dự án 6). Giai đoạn 2021 – 2025 là 86,18 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2021 – 2022 là 7,8 tỷ đồng.

Hoạt động kiểm kê, sưu tầm, nghiên cứu văn học dân gian Văn học dân gian: có nhiều công trình sưu tầm, tuyển chọn giới thiệu về văn học dân gian được xuất bản phục vụ cho nghiên cứu khoa học như: Truyện cổ Khmer Nam bộ (1983) của Huynh Ngọc Trảng, NXB Văn hoá, Hà Nội; Truyện dân gian Khmer tập I, II (1987) của Huynh Ngọc Trảng, NXB Văn hoá Nghệ thuật Cửu Long; "Truyện Kể Khmer" (1999) của Sơn Phước Hoan, Sơn Ngọc Sang, NXB Giáo dục; "Truyện dân gian Khmer" (2002) của Huynh Ngọc Trảng, NXB Đồng Nai; Tuyển tập truyện Ream Kêr dân tộc Khmer Nam bộ, Trà Vinh năm 2014 của Thạch Sết; Văn học dân gian Bạc Liêu (năm 2011) của Chu Xuân Diên. Ngoài ra, còn có các truyện kể về phong tục tập quán, truyện phật thoại, truyện ngụ ngôn, truyện cười, sự tích về Neak Tà, truyền thuyết,… được lưu giữ ở các chùa của cộng đồng người Khmer.

Bảo tồn, phát huy giá trị văn học dân gian của các dân tộc thiểu số tỉnh Trà Vinh - Ảnh 2.

Trình diễn tác phẩm sân khấu Dù Kê. Ảnh minh họa. Nguồn: vinaculto.vn

Ca hát dân gian: Trong tài liệu Văn hoá Khmer Cửu Long xuất bản năm 1987 của Lư Nhất Vũ và Cộng sự, được tái bản 1993. Các bài hát có mội dung về hát nghi lễ, bài ca lễ cưới tả cảnh vật, quan hệ gia đình, lao động sản xuất, bài ca tình yêu đôi lứa. Hoạt động sưu tầm, nghiên cứu là cơ sở, tiền đề góp phần bổ sung những chi tiết trong kịch bản sân khấu Dù Kê, mang âm hưởng gần gủi văn hoá nông nghiệp của người Khmer Trà Vinh và Nam bộ nói chung.

Dân ca, hát dân gian: được sưu tầm lần đầu, xuất bản năm 1986 ở tỉnh Kiên Giang được 50 bài. Sưu tầm lần thứ hai năm 2002 ở tỉnh Trà Vinh được khoảng 80 bài, có ký âm, phiên âm và dịch nghĩa thơ hoàn chỉnh. Đến năm 2004, công trình nghiên cứu về dân ca Việt – Khmer, "Dân ca Trà Vinh" của Nguyễn Trúc phong, Lưu Nhất Vũ, Nguyễn Văn Hoa, Lê Giang, được xuất bản 85 bài dân ca Khmer và 50 bài thơ, được trích từ 85 bài dân ca Khmer năm 2002.

Bảo tàng Văn hoá Dân tộc Khmer thuộc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Trà Vinh đã sưu tầm, lưu trữ các loại satra (chữ viết trên lá buông) từ năm 1995 đưa vào hoạt động phục vụ công chúng. Đến nay các loại Satra là hiện vật gốc được bảo quản, còn đối với nội dung về văn học dân gian trong Satra đã viết lại thành sách văn học dân gian để đáp ứng nhu cầu học tập của phật tử và cộng đồng từ nhiều thập niên qua.

Về bảo tồn và phát triển tiếng nói chữ viết của dân tộc thiểu số: Với dân tộc Khmer, hàng năm Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch đã in và phát hành 02 số đặc san văn hóa bằng chữ Khmer với số lượng 2.400 bản trong dịp lễ Chol Chnam Thmây và lễ Sen Đôn Ta. Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh trực tiếp phối hợp với Ban biên tập Ấn phẩm Văn nghệ Khmer Trà Vinh đề ra kế hoạch xuất bản 04 số/năm, số lượng 300 bản/kỳ, khổ 16x24, dày 80 trang/tập, đến nay đã xuất bản được 20 số. Ngoài ra, còn in ấn xuất bản được 2 đầu sách liên quan đến tác phẩm văn học dân gian, "Nghệ thuật sân khấu Dù Kê" của NSƯT. Sang Sết và "Tuyển tập truyện Ream Kêr song ngữ Khmer-Việt"…

Để phát huy giá trị văn học dân gian thông qua các hoạt động nghệ thuật, Hội đồng thẩm định nghệ thuật thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng cấp phép cho các đơn vị để dàn dựng thành các kịch mục, tiết mục, chương trình biểu diễn như: Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh tỉnh Trà Vinh, Trung tâm Văn hóa tỉnh, Câu lạc bộ Văn nghệ Khmer Trường Đại học Trà Vinh, các Đội Văn nghệ quần chúng Khmer trong toàn tỉnh. Hàng năm, các tác phẩm sân khấu Dù Kê được dàn dựng qua truyện cổ như: Kịch bản Dù Kê "Bản tình ca dưới bóng cây Dầu Dù" của tác giả Sang Sết; Kịch bản Dù Kê "Bông hồng Trà Vinh" của đồng tác giả NSƯT. Thạch Chân và NSƯT. Sang Sết do Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh dàn dựng; tham dự cuộc thi sáng tác kịch bản sân khấu do Hội VHNTCDTTSVN tổ chức 2018; Kịch bản Dù Kê "Bản tình ca Panha-Sôpheap" của tác giả NSƯT Sang Sết do Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh dàn dựng; tham dự cuộc thi sáng tác kịch bản sân khấu do Hội VHNTCDTTSVN tổ chức 2017.

Ngoài ra, một số hoạt động để bảo tồn, phát huy giá trị văn học dân gian luôn có sự góp phần của đồng bào Khmer, các ngôi chùa. Kết quả rà roát thực tế, còn một số nghệ nhân trên địa bàn tỉnh còn bảo lưu về dân ca như: dân ca về lao động sản xuất, dân ca ca ngợi quê hương, dân ca về tình yêu đôi lứa, dân ca các làn điệu ru con, dân ca miêu tả cảnh vật thiên nhiên…

Một trong những việc thực hiện chính sách dân tộc là chủ trương của Đảng về bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá của mỗi dân tộc trong đại gia đình dân tộc Việt Nam. Đó là điều kiện tốt nhất để đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Trà Vinh nói riêng tự khẳng định về giá trị văn hoá của dân tộc mình, nhất là trên lĩnh vực văn học nghệ thuật; góp phần xây dựng và làm phong phú thêm nền văn hoá Việt Nam./.

T.Thủy

NỔI BẬT TRANG CHỦ