• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bảo tồn Tín ngưỡng thờ Mẫu: Cần giảm thiểu tác động từ lợi dụng tín ngưỡng để “buôn thần bán thánh”

Văn hoá 31/01/2017 17:57

(Tổ Quốc) - Câu chuyện hậu vinh danh cần là đảm bảo sức sống của di sản, giảm thiểu những tác động như việc thương mại hóa nghi lễ, lễ hội và lợi dụng tín ngưỡng để “buôn thần bán thánh”.

Năm 2016, di sản văn hóa “Thực hành Tín ngưỡng thờ mẫu Tam Phủ của người Việt” đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây cũng là sự kiện nổi bật của ngành văn hóa, thể thao và du lịch năm 2016.

Nhân dịp đầu Xuân, Báo điện tử Tổ Quốc đã có cuộc trao đổi với PGS. TS. Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, thành viên Hội đồng bảo vệ hồ sơ di sản tại Phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 11 của UNESCO diễn ra tại thành phố Addis Ababa, nước Cộng hòa dân chủ Liên bang Ethiopia.

+ Thưa PGS.TS Nguyễn Thị Hiền, bà có thể có biết, việc Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt được UNESCO công nhận có ý nghĩa như thế nào đối với di sản văn hóa Việt Nam nói chung và di sản này nói riêng?

- Việc vinh danh này có ý nghĩa to lớn, khẳng định bản sắc văn hóa của người Việt. Sự vinh danh góp phần tăng cường vị trí, vai trò của di sản đối với xã hội, làm giàu thêm bức tranh đa dạng văn hóa của Việt Nam và của nhân loại. Cộng đồng, những người thực hành di sản nhận thức sâu sắc hơn về di sản của mình và tích cực hơn trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị của tín ngưỡng trong phát triển bền vững ở Việt Nam.

Việc ghi danh cũng nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của di sản văn hóa về thờ Mẫu, biểu tượng của tình yêu bao la, sự khoan dung, che chở của người mẹ, có ý nghĩa thiết thực trong sự kết nối giữa cá nhân, nhóm người, cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam, và trên thế giới theo tôn chỉ và mục tiêu cao đẹp của UNESCO.

Bà Nguyễn Thị Hiền (áo dài đen): Cộng đồng và chính quyền địa phương cần thiết lập các chương trình giới thiệu và quảng bá rộng rãi về di sản Tín ngưỡng thờ Mẫu.

+ Trên thực tế, giá trị của di sản này vẫn còn đang gây tranh cãi khi còn dư luận cho rằng Hầu đồng là mê tín, dị đoan. Theo bà, phải hiểu thế nào về giá trị di sản của chúng ta?

- Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại do bản thân tín ngưỡng thờ Mẫu có giá trị nhân văn sâu sắc, gắn liền với đời sống tinh thần và các phong tục, tập quán của người dân. Đây cũng là kết quả của cộng đồng đã sáng tạo, bảo vệ và trao truyền hàng trăm năm nay, cũng như những nỗ lực của họ trong quá trình gìn giữ và phát huy giá trị của tín ngưỡng ngày nay.

Thực hành của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ bao gồm lễ hội, lên đồng, hát văn, cầu cúng, đi lễ, v.v.  với những yếu tố văn hóa dân gian như trang phục, âm nhạc, múa được kết hợp một cách nghệ thuật như là “bảo tàng sống” lưu giữ lịch sử, di sản và bản sắc văn hóa của người Việt.  Ở đây, không chỉ có Lên đồng, mà cả một hệ thống tri thức, văn hóa truyền thống của người Việt hội tụ trong tín ngưỡng thờ Mẫu. Điều quan trọng là chúng ta nhấn mạnh đến những bản sắc văn hóa, tín ngưỡng, được trao truyền, kế tục giữa các thế hệ.

Nghi lễ Lên đồng là một thực hành chính của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ.  Các hình thức Lên đồng hay saman giáo, hay còn gọi là hiện tượng xuất nhập thần, một loại hình nghi lễ mang tính toàn cầu, một hình thức thực hành tín ngưỡng của nhiều dân tộc như châu Phi, cộng  đồng người Do Thái châu Phi (đặc biệt là Brazil và vùng Caribe), Trung Đông, Thái Bình Dương, Nam và Đông Nam châu Á.  Ở Việt Nam, chúng ta có thể quan sát hiện tượng nghi lễ mang tính chất saman giáo như nghi lễ then, pựt , mo, tào của người Tày, lễ yao của người Bru,  một của người Thái, mỡi của người Mường, lập tịch, tết nhảy lửa của người  Dao, lễ nhập hồn của người Chăm.  Sức mạnh và giá của các tín ngưỡng này chính là đáp ứng nhu cầu tâm linh đa dạng của con người, niềm mong ước tốt đẹp trong cuộc sống.

+ Cá nhân bà là thành viên bảo vệ di sản trước Hội đồng của UNESCO, bà nhận thấy, thế giới đánh giá thế nào về di sản của chúng ta?

- Năm 2016 UNESCO thẩm định 37 hồ sơ trong Danh sách Di sản văn hóa đại diện của nhân loại, thì Hồ sơ “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được các chuyên gia trong Ban Tư vấn Công ước 2003 đánh giá cao, trong số 18 hồ sơ đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của UNESCO. Tại Phiên họp lần thứ 11 của Ủy ban Liên chính phủ chính, hồ sơ của Việt Nam được chính thức thông qua một cách nhanh chóng.

Hội đồng bảo vệ hồ sơ di sản của Việt Nam tại Phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 11 của UNESCO diễn ra tại thành phố Addis Ababa, nước Cộng hòa dân chủ Liên bang Ethiopia

Nói một cách cụ thể và chi tiết hơn về nội dung các tiêu chí, thì chúng ta cần biết rằng hồ sơ của Việt Nam đã được nhận diện một cách rõ ràng, đầy đủ giá trị của di sản. Hồ sơ chỉ ra rằng việc vinh danh di sản sẽ góp phần vào tầm nhìn về di sản văn hóa phi vật thể nói chung và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng về sự đa dạng văn hóa. Hồ sơ cũng làm rõ việc các thực hành này của di sản được cộng đồng những tín đồ thực hành, trao truyền, xây dựng, trùng tu điện thờ cũng như tích cực tham gia vào thực hành nghi lễ và lễ hội.  Đồng thời, hồ sơ chỉ rõ di sản cũng được sự quan tâm của Nhà nước và các cấp chính quyền. Hai thực hành của tín ngưỡng Thờ Mẫu là Nghi lễ hát Văn và Lễ hội phủ Dầy đã được công nhận trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.  Hồ sơ Việt Nam đệ trình được sự đồng thuận rộng rãi, tự nguyện, từ trước và đầy đủ của cộng đồng, đồng thời nằm trong danh mục kiểm kê quốc gia Việt Nam với sự tham vấn rộng rãi của cộng đồng địa phương, những tín đồ và thủ nhang đồng đền. 

+ Được biết, bà là người Việt Nam đầu tiên được bầu vào Ban tư vấn di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO. Xin bà cho biết về hoạt động của Ban này cũng như các thành viên, có quyền hạn và nghĩa vụ như thế nào?

Ban Tư vấn bảo gồm 12 thành viên do Ủy ban Liên chính phủ bầu chọn: Sáu chuyên gia về các lĩnh vực khác nhau của DSVHPVT của 6 quốc gia không thuộc UB Liên chính phủ và 6 tổ chức NGO được UNESCO chấp nhận đảm bảo đại diện về mặt địa lý và các lĩnh vực khác nhau của DSVHPVT. Ban tư vấn chịu trách nhiệm chính thẩm định các hồ sơ trong Danh dách đại diện, Danh sách khẩn cấp, các chương trình dự án phản ánh thực hành tốt nhất Công ước 2003, và tài trợ hơn 100 ngàn đô. Ban này có thẩm quyền đề xuất với UB Liên chính phủ, Công ước 2003 là vinh danh hay không vinh danh di sản, lựa chọn di sản là thực hành tốt nhất, và thông qua hay không thông qua những dự án xin tài trợ của Quỹ Di sản UNESCO trên 100 ngàn USD.

Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO ghi danh àm giàu thêm bức tranh đa dạng văn hóa của Việt Nam và của nhân loại

+ Theo bà, di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt cần được gìn giữ và trao truyền như thế nào?

Trong hồ sơ khoa học đệ trình UNESCO, chúng ta cũng đã làm rõ Nhà nước vinh danh các nghệ nhân như các cung văn giỏi có nhiều công trong việc sưu tầm, truyền dạy hát văn, và khuyến khích những thủ nhang, thanh đồng trong công tác bảo tồn, trao truyền những giá trị văn hóa dân gian của Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ; khuyến khích những nghệ nhân hát văn cao tuổi truyền dạy những bài hát, điệu hát văn cổ cho thế hệ trẻ; phục hồi một số nghi lễ dân gian vốn có trong lễ hội Phủ Dầy cũng như những lễ hội tôn vinh các vị thánh trong điện thần Mẫu Tam phủ. Đồng thời, chúng ta cần tổ chức các tọa đàm, trao đổi về Luật Di sản văn hóa, Công ước 2003 nhằm nâng cao nhận thức và ý nghĩa của di sản văn hóa phi vật thể giúp cho việc kết nối, sự bình đẳng, hài hòa giữa thủ nhang, bản hội. Cộng đồng và chính quyền địa phương cần thiết lập các chương trình giới thiệu và quảng bá rộng rãi về di sản Tín ngưỡng thờ Mẫu.

Những biện pháp bảo vệ trên phản ánh sự cam kết của Chính phủ, cộng đồng, nhóm người, các tổ chức, các nhà khoa học tham gia bảo vệ di sản.  Mục đích bao trùm lên tất cả của các biện pháp bảo vệ là đảm bảo sức sống của di sản, giảm thiểu những tác động như việc thương mại hóa nghi lễ, lễ hội và lợi dụng tín ngưỡng để “buôn thần bán thánh”.

+ Xin cám ơn bà về cuộc trò chuyện!

Dạ Minh (thực hiện)

Dạ Minh

NỔI BẬT TRANG CHỦ