(Tổ Quốc) - Ngày 30/8, tại Hà Nội, đã diễn ra hội thảo Bảo tồn và phát huy áo dài truyền thống – Kinh nghiệm của cộng đồng và nhà quản lý do Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, Câu lạc bộ Đình làng Việt và Ban quản lý Hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp tổ chức.
Chưa đạt đến mức độ "cách tân" gây tiếng vang
Sau gần một thập niên, công cuộc phục hưng áo dài truyền thống (còn gọi là áo ngũ thân/áo năm thân) của cộng đồng và cả đơn vị nhà nước thực hiện đến nay đã có nhiều thay đổi, số lượng người may, mặc áo dài truyền thống tăng nhiều so với trước. Việc phục hưng áo dài truyền thống không chỉ giúp người Việt bảo tồn giá trị di sản truyền thống mà còn phát huy bản sắc văn hóa, phục hồi được giá trị thẩm mỹ cũng như các bí quyết nghề may, phục hồi lại làng nghề thủ công truyền thống. Tuy vậy, kết quả đã đạt được chưa phải khả quan, nhiều thách thức đang đặt ra khi phần lớn đây mới chỉ là phong trào của cộng đồng.
Theo Giám đốc truyền thông Hoa niên – Năm tháng tươi đẹp Tôn Thất Minh Khôi, trong khoảng thời gian 5 năm trở lại đây, phong trào hồi sinh Việt phục dần phát triển mạnh mẽ với sự ra đời của nhiều thương hiệu Việt phục, kéo theo các dự án sản phẩm truyền thông đại chúng ứng dụng Việt phục ngày càng nhiều. Song song với sự phát triển của các hội nhóm thì sự quan tâm đặc biệt của phía các nhà lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế trong việc tạo lập đề án "Huế - Kinh đô áo dài" cũng đã tạo nên bước biến chuyển tích cực.
Trường hợp thành công nhất tính đến thời điểm hiện tại có thể kể đến MV Không thể cùng nhau suốt kiếp của nữ ca sĩ Hòa Minzy. Sản phẩm đã tạo nên làn sóng không nhỏ du lịch đến Huế, đông đảo du khách tìm đến những địa điểm gắn liền với cuộc tình Bảo Đại Hoàng đế và Nam Phương Hoàng hậu cũng như tạo ra "cơn sốt" check-in Việt phục tại các địa điểm trong di tích Huế. Theo sau đó, nhiều sản phẩm video ca nhạc của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng cũng đã sử dụng Việt phục - chủ yếu là áo dài ngũ thân trong các tạo hình như: Chim quý trong lồng (Văn Mai Hương, K-ICM); Vọng nguyệt (Hoàng Duyên); Chơi vơi (Phương Thanh)…
Có thể thấy, các sản phẩm âm nhạc của MV sử dụng Việt phục thay cho những dạng thức "cách tân phá cách" trước đó đang ngày càng nhiều. Những sản phẩm làm "đúng" đang ngày càng phủ sóng mạnh mẽ thay cho những sản phẩm làm "sai" trước kia. Khán giả đại chúng qua đó cũng có những phản ứng tích cực, mong muốn khoác lên mình những bộ Việt phục ở mọi miền Tổ quốc. Từ những bộ ảnh, những thước phim lan tỏa trên mạng xã hội cho đến các trào lưu chụp ảnh kỷ yếu, hay ngày cưới,... ngày càng nhiều các bạn trẻ chọn Việt phục trong mọi dịp. Thiết nghĩ đó là một kết quả tích cực sau nhiều năm tháng phát triển của các đơn vị, hội nhóm nghiên cứu và phục dựng Việt phục.
"Tuy nhiên, Việt Nam chỉ đang ở mức sử dụng các dạng thức trang phục "chuẩn" đưa vào trong các MV. Chúng ta vẫn chưa đạt đến mức độ "cách tân" gây tiếng vang như Hàn Quốc đang làm với những sản phẩm âm nhạc. Chúng ta vẫn còn giữ những "mực thước" khá nhiều với những bộ Việt phục. Vậy nên, mọi chuyện cũng cần có thời gian, chúng ta đang ở những bước đầu tiên trong việc dần "chuẩn hóa" các tạo hình lấy ý tưởng từ văn hóa truyền thống sau một thời gian rất dài đứt gãy văn hóa" – ông Tôn Thất Minh Khôi cho biết thêm.
Còn theo ông Đặng Bá Minh Công (Thành viên Câu lạc bộ Đình Làng Việt) cho biết: "Sự nở rộ, cạnh tranh giữa các thương hiệu đã góp phần định hình thị trường Việt phục, đưa áo dài truyền thống của Việt Nam ngày càng đến gần hơn với công chúng. Áo dài ngũ thân, áo tấc đã xuất hiện rộng khắp trong những bộ ảnh cưới, kỷ yếu niên khóa của học sinh… Tuy nhiên, dù đã được lan tỏa, nhưng vẫn còn một bất cập, hạn chế như: nhiều đơn vị sản xuất may mặc sai, cẩu thả, ít nhiều ảnh hưởng đến thị hiếu của người mặc; Chất liệu may áo dài ngũ thân đang được ưa chuộng (ước chừng 60-70%) chủ yếu là vải ngoại nhập (lụa, gấm, sa Trung Quốc, Hàn Quốc…), trong khi đó, chất liệu tơ lụa Việt Nam chưa thật sự chiếm ưu thế ở kiểu dáng trang phục này dù chất lượng tốt đến đâu. Phải chăng do giá thành còn cao, mẫu mã chưa phong phú?".
Các nhà thiết kế cần có sự liên kết với nhau
Trước thực trạng đó, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Thanh Hải cho biết: Áo dài là một di sản đặc biệt của dân tộc Việt Nam, và hiện nay áo dài thực sự là một ngành nghề thủ công đặc biệt để tạo nên những sản phẩm ấn tượng, góp phần vào phát triển công nghiệp văn hóa và thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương.
Vậy nên, để bảo tồn và phát triển áo dài truyền thống Việt Nam một cách hiệu quả nhất, ông Phan Thanh Hải cho rằng, cần phải có các đề án, dự án liên quan đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị áo dài. Trong đó, cần đặt ra những mục đích phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương cũng như khai thác được các tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững, nhìn rộng hơn là phù hợp với mục tiêu phát triển văn hóa của quốc gia, dân tộc.
Đặc biệt, cần có sự liên kết, xây dựng mạng lưới giữa những nghệ nhân, nhà thiết kế áo dài trong cả nước. Bên cạnh đó, cũng cần phải đào tạo những người thợ may, nhà thiết kế, người may áo dài chuyên nghiệp, hiểu rõ giá trị của chiếc áo dài và gắn kết, am hiểu về công việc thiết kế - cắt may. Khi có được sự phối hợp tư tưởng, nghệ thuật của nhà thiết kế với sự điêu luyện kỹ năng cắt may của người thợ giỏi sẽ tạo lập các giá trị thẩm mỹ mới, góp phần nâng giá trị của áo dài lên một tầm cao hơn.
Cùng với đó, cần nghiên cứu soạn thảo, ban hành các chính sách đãi ngộ, tôn vinh, khen thưởng và đề nghị phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước cho các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản áo dài. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các nghệ nhân lão thành truyền dạy những kỹ năng, bí quyết về nghề may áo dài trong các gia đình, dòng họ, nhà trường, câu lạc bộ... nhằm bảo vệ, gìn giữ giá trị di sản cho muôn đời sau.
Đồng quan điểm trên, Phó trưởng Ban quản lý Hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội Trần Thị Thúy Lan cũng nhấn mạnh đến việc cần phải tạo động lực và cơ hội kết nối, liên kết giữa các tổ chức và cá nhân, các nghệ nhân, thợ thủ công, các nhà nghiên cứu, các nhà thiết kế, đặc biệt là các nhà thiết kế trẻ trong quá trình sáng tạo và phát triển áo dài truyền thống. Cùng với đó, cần phải tiếp tục tăng cường công tác truyền thông về giá trị của áo dài truyền thống thông qua các hoạt động văn hóa đa dạng như: hội thảo, tọa đàm, trưng bày, triển lãm…
"Tôi mong rằng áo dài sẽ ngày càng được nâng niu gìn giữ trong đời sống văn hóa, xã hội, đồng thời tạo dấu ấn riêng với bạn bè quốc tế, trở thành nguồn tài nguyên của ngành du lịch, dịch vụ; trở thành một phần nguồn lực tinh thần, vật chất, tài sản... của cộng đồng, quốc gia, dân tộc" – bà Trần Thị Thúy Lan bày tỏ./.