(Tổ Quốc) - Bên cạnh một số thành tựu đạt được trong thời gian qua, việc bảo tồn, phát triển các di sản văn hóa được UNESCO ghi danh vẫn đang gặp không ít khó khăn.
Hiện Việt Nam có 8 Di sản thế giới được UNESCO công nhận. Trong số đó có 5 Di sản văn hoá, 2 Di sản tự nhiên và 1 Di sản hỗn hợp. Hai Di sản thiên nhiên gồm: Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng, Vịnh Hạ Long; Năm Di sản văn hóa là: Quần thể di tích Cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long và Thành nhà Hồ; Một Di sản hỗn hợp là Quần thể danh thắng Tràng An (đây là Di sản hỗn hợp đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam và Đông Nam Á và là một trong số ít 38 Di sản hỗn hợp được UNESCO công nhận).
Tổng thu phí tham quan vịnh Hạ Long giai đoạn 2017 – 2019 đạt trên 3.500 tỷ đồng, đóng góp hàng năm vào ngân sách nhà nước tỉnh Quảng Ninh (thu nội địa) từ 3,6 – 4%/năm17.
Theo ông Michael Croft, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, di sản thế giới luôn là điểm đến du lịch năng động và hấp dẫn nhất với sự gia tăng mạnh cả về số lượng du khách và doanh nghiệp du lịch, có sự thay đổi rõ rệt trước và sau khi di sản được ghi danh.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản vẫn còn nhiều điều đáng bàn. Đơn cử như ở Quảng Ninh đối với di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.
Địa phương này đã có rất nhiều nỗ lực trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản nhưng vẫn còn hiện hữu những mối lo, trong đó tại một số cuộc họp của Ủy ban Di sản thế giới đã bày tỏ lo ngại về việc bảo vệ môi trường sinh thái liên quan tới sự phát triển của các công ty xây dựng đô thị và các ngành công nghiệp ven thành phố Hạ Long cũng như sự gia tăng các phương tiện vẫn chuyển khách du lịch, tài vận tải. Chưa kể, việc khuyến khích các hoạt động phát triển bền vững, huy động sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp vào công tác bảo tồn vẫn chưa được chú trọng…
Trước thực trạng này, tỉnh Quảng Ninh xác định, với danh hiệu Di sản thiên nhiên thế giới- Vịnh Hạ Long đã góp phần quan trọng cho sự phát triển vượt bậc của vùng đất này và ngày càng có sức lan tỏa, chi phối ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh và hơn thế nữa, cùng với các Di sản Thế giới ở Việt Nam, trở thành điểm tựa và tạo đà cho sự phát triển nhanh, mạnh của ngành du lịch cả nước trong thời kỳ hội nhập.
Để đánh giá chính xác hiện trạng, Quảng Ninh đã mời đoàn giám sát của Tổ chức IUCN vào tiến hành khảo sát thực địa vùng lõi và vùng đệm của Di sản để làm căn cứ đưa ra những quyết định quan trọng, đồng thời giải trình, thuyết phục Ủy ban Di sản thế giới. Hàng loạt chính sách ở tầm chiến lược đã ra đời như: Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn 2050; Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Quảng Ninh, tầm nhìn đến 2030; Quy hoạch bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long… và hàng loạt dự án triển khai trong thực tế: 42 dự án thuộc 7 lĩnh vực bảo vệ môi trường ở Vịnh Hạ Long; quyết định chấm dứt hoạt động bốc xếp, chuyển tải hàng hóa rời Clinker, xi măng và dăm gỗ trên Vịnh nhằm ngăn ngừa, hạn chế các nguy cơ tác động đến cảnh quan và môi trường Vịnh từ các hoạt động kinh tế- xã hội…
Cùng đó, Quảng Ninh tập trung đầu tư, tu bổ có trọng tâm, trong điểm, tập trung chủ yếu vào các công trình phục vụ công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản như dự án tại khu vực động Thiên Cung, hang Đầu Gỗ, hang Sửng Sốt, Trung tâm văn hóa nổi Cửa Vạn… Các công trình này vừa góp phần đảm bảo các giá trị tự nhiên vừa làm tăng giá trị, tính hấp dẫn với du khách.
Hiện Quảng Ninh đã xây dựng các tour, tuyến kết nối từ Di sản tới các khu, điểm du lịch trong và ngoài tỉnh, trong khu vực nhằm thu hút và điều hòa lượng du khách tham quan Di sản, vừa đáp ứng nhu cầu của du khách, vừa giảm tải trong một thời điểm đối với Di sản…
Việc bảo tồn và phát huy giá trị là hai mặt gắn kết của di sản. 20 năm kể từ khi được Tổ chức UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, vịnh Hạ Long đã trở thành thương hiệu của du lịch Quảng Ninh nói riêng và của Việt Nam nói chung, là điểm đến được lựa chọn hàng đầu của du khách trong nước và quốc tế. Điều đó minh chứng cho sự nỗ lực của tỉnh Quảng Ninh trong việc quản lý, bảo tồn, gìn giữ và khai thác, phát huy tốt giá trị của Vịnh Hạ Long – Di sản thiên nhiên thế giới.
MỤC TIÊU BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VỊNH HẠ LONG TẦM NHÌN ĐẾN 2040
Các giá trị nổi bật toàn cầu, các thuộc tính cấu thành lên giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản TNTG vịnh Hạ Long được giám sát định kỳ và bảo vệ nguyên trạng theo đúng cam kết với quốc tế, luật pháp Việt Nam và thích ứng với biến đổi khí hậu; Chất lượng môi trường nước của vịnh Hạ Long và khu vực vùng đệm tiếp tục được quan trắc định kỳ, đảm bảo đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển; Các hoạt động kinh tế xã hội trên vịnh Hạ Long được quản lý đầy đủ bằng quy định pháp luật và được quản lý, giám sát bằng công nghệ hiện đại. Khu vực vùng đệm của Di sản được quy hoạch phát triển hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, kết hợp với các loại hình du lịch sinh thái trên vịnh Hạ Long tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch chất lượng cao, cao cấp của trung tâm du lịch quốc tế tỉnh Quảng Ninh và được thị trường thế giới ghi nhận. Vịnh Hạ Long tiếp tục là nền tảng, hạt nhân cho sự phát triển toàn diện, bền vững của tỉnh Quảng Ninh.