Việc khó nhất khi tu bổ di tích Lam Kinh là di tích này gần như phế tích nên không thể nóng vội mà phải là cả một quá trình vừa nghiên cứu khoa học vừa tu bổ, tôn tạo.
Việc khó nhất khi tu bổ di tích Lam Kinh là di tích này gần như phế tích nên không thể nóng vội mà phải là cả một quá trình vừa nghiên cứu khoa học vừa tu bổ, tôn tạo.
Sự thăng trầm của xã hội và sự khắc nghiệt của thiên nhiên đã làm khu di tích Lam Kinh (Thanh Hóa) gần hoang phế. Cả một thời gian dài di tích bị lãng quên, cây, cỏ mọc rậm rạp, các bia đá bị lún nghiêng, nhiều con giống, tượng hầu bằng đá bị vỡ, rơi vãi ở các đồi, ruộng, các lăng bị sạt lở, sông Ngọc, hồ Tây bị cạn dần, sân và thềm rồng bị xâm phạm hư hỏng nhiều.
Trước thực trạng ấy, ngày 22-10-1994, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt tổng thể dự án khu di tích.
Lam Kinh là một di tích quan trọng, có giá trị về lịch sử, văn hóa, là nơi hội tụ nhiều yếu tố mà ít địa danh nào ở nước ta có được. Ðó là sự kiện khởi nghĩa Lam Sơn, nơi sinh ra và lớn lên của Anh hùng dân tộc Lê Lợi, nơi hội tụ của các nhà hào kiệt chống quân Minh, là sơn lăng của các đời vua Lê. Chính nơi đây đã để lại nhiều dấu tích kiến trúc thời Lê, cùng biết bao di sản văn hóa phi vật thể như lễ hội, dân ca, dân vũ của vùng văn hóa Lam Sơn.
Thực hiện Quyết định của Chính phủ, Bộ Văn hóa - Thông tin (trước đây) và UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo tiến hành thực hiện thi công dự án, song điều khó khăn nhất là cơ sở khoa học về tư liệu khu Lam Kinh, thư tịch, hình dáng kiến trúc cho đến các đồ tế lễ, thờ cúng trong khu điện, miếu thờ hầu như không có gì. Trên mặt đất chỉ còn lộ ra nền móng nhà, tường thành tảng đá kê chân cột của khu chính điện, v.v.
Với sự quan tâm của các bộ, ngành và địa phương, trong giai đoạn một, Ban Dự án trùng tu khu di tích đã tu bổ, tôn tạo được nhiều hạng mục như lăng mộ, bia ký Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông, Lê Túc Tông, Hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao, đền Lê Thái Tổ, đền Trung Túc Vương Lê Lai, đã khôi phục được các con giống, quan hầu bằng đá, cầu bạch, nhà bảo tàng trưng bày hiện vật, khu đón tiếp khách, v.v.
Giai đoạn hai đã hoàn chỉnh cơ bản quy hoạch cắm mốc xây dựng hàng rào bao quanh di tích bằng cây xanh và thép hình, giải phóng mặt bằng hơn 60 ha và trồng rừng bổ sung hơn 50 ha, khôi phục hồ Như Áng và hồ Tây, sông Ngọc, giếng cổ. Riêng hồ Tây đã góp phần thay đổi môi trường sinh thái và cách sống của dân ở khu vực ven hồ mà chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và đánh bắt tôm cá tự nhiên, dịch vụ, như bơi thuyền trên hồ, bán hàng lưu niệm, giúp nhiều lao động có việc làm ổn định.
Trong giai đoạn một và hai đã tiến hành bảy đợt khảo cổ học và trên cơ sở khảo cổ qua các tầng văn hóa mà các giáo sư, các nhà chuyên môn đã có căn cứ cho việc lập dự án tôn tạo khu di tích trong từng thời kỳ với phương châm là chậm nhưng chắc.
Về công việc tiếp theo của dự án, tiếp tục hoàn chỉnh cơ bản về xây dựng kiến trúc ba tòa miếu và các tòa miếu còn lại, đồng thời tiến hành xây dựng nghi môn theo thiết kế đã được phê duyệt. Trên cơ sở xây dựng xong về kiến trúc mà lập dự án nội thất đồ thờ của các tòa miếu để sớm thi công trong những năm tới và tiếp tục chuẩn bị cho lộ trình thực hiện dự án sân rồng, thềm rồng đá, đường nội bộ, tường thành bao quanh khu trung tâm di tích, đường Nam cầu Bạch, v.v.
Trong quá trình thực hiện dự án, việc khó nhất là di tích Lam Kinh gần như phế tích nên không thể nóng vội mà phải là cả một quá trình vừa nghiên cứu khoa học vừa tu bổ, tôn tạo.
Khác với nhiều di tích trong nước, các tư liệu về kiến trúc về đồ tế lễ, thờ cúng, binh khí ở Lam Kinh hầu như không có gì, do đó chuẩn bị cho dự án khu chính điện bao gồm kiến trúc của ba tòa nhà Quang Ðức, Súng Hiếu, Diễn Khánh và nội thất lễ nghi là hết sức khó khăn, đòi hỏi phải có những hội thảo khoa học, vì đây là một vấn đề rất nhạy cảm. Việc này có những ý kiến khác nhau, nhưng xu hướng chung là phục hồi theo kiến trúc của thời Lê.
Trong quá trình thực hiện dự án, những bất hợp lý về quy hoạch nảy sinh, nhất là sau khi khai quật khảo cổ học đã phát hiện thêm móng cầu phía Ðông trên sông Ngọc khu vực hồ Tây, khu phục vụ, tả vu, hữu vu và khu trung tâm chính điện, v.v. Do đó, việc điều chỉnh quy hoạch cho hợp lý với các điểm di tích là rất cần thiết.
Muốn đẩy nhanh được tiến độ tu bổ, tôn tạo cần có một tổ chức đủ mạnh nhất là cán bộ có chuyên môn sâu hiểu biết về lịch sử, kiến trúc, ngoại ngữ, bảo tàng, quản lý tuyên truyền quảng bá, v.v. Ðồng thời, đề nghị Nhà nước quan tâm đến một chế tài sát hợp với xây dựng cơ bản mang tính đặc thù văn hóa và hằng năm bổ sung kinh phí theo kế hoạch thi công của dự án.
Qua mười năm, nhiều hạng mục công trình của Lam Kinh đã được tu bổ, tôn tạo, phục hồi làm cho du khách có những ấn tượng đẹp về một địa danh lịch sử. Hiện tại, Nhà nước cần có kế hoạch vừa tiến hành tôn tạo, tu bổ, vừa phát huy tác dụng quảng bá giá trị lịch sử văn hóa của di tích trong thời kỳ đổi mới.
Tuy các hạng mục ở trung tâm đang phục hồi, tôn tạo, nhưng cả một quần thể của vùng văn hóa Lam Sơn, từ căn cứ hội thề Lũng Nhai đến núi Dầu, đền Lê Lai, đền Lê Thái Tổ và một hệ thống sơn lăng, cảnh quan hồ Tây, hồ Như Áng, sông Ngọc, các tòa miếu, v.v là những điểm tham quan, tưởng niệm tâm linh rất linh thiêng và phong phú cho du khách.
Ở Lam Kinh và vùng Lam Sơn còn có văn hóa phi vật thể như lễ hội, trò chơi, trò diễn, các làn điệu dân ca, các sự tích, kho tàng tư liệu quý giá. Vì thế, việc kết hợp cả hai mặt tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích Lam Kinh, gắn liền với lễ hội, nhằm phát huy giá trị lịch sử văn hóa trong mối quan hệ với các di tích khu vực như Thành nhà Hồ, suối cá Cẩm Lương, v.v là rất phù hợp.
Trên cơ sở quảng bá, tuyên truyền để góp phần mở rộng du lịch, tăng nguồn thu với phương châm lấy di tích nuôi di tích. Mặt khác, qua đây rất mong các tổ chức Nhà nước doanh nghiệp và cá nhân trong nước tham gia đầu tư xây dựng khu di tích xứng đáng với giá trị lịch sử văn hóa Lam Kinh, một địa danh trọng điểm trong hệ thống du lịch của cả nước.
Theo ND