(Tổ Quốc) - Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc là một vùng thiên nhiên kỳ thú với hình sông, thế núi hòa quyện vào nhau tạo nên một không gian linh thiêng và huyền bí. Trải qua bao thăng trầm của thời gian, vùng đất Côn Sơn - Kiếp Bạc vẫn còn giữ trong mình rất nhiều lớp trầm tích văn hóa vô cùng đặc sắc của các triều đại kế tiếp nhau.
Di tích đặc biệt quan trọng của quốc gia
Côn Sơn, Kiếp Bạc là hai di tích lịch sử đặc biệt quan trọng của quốc gia; thời Trần thuộc huyện Phượng Sơn, lộ Lạng Giang, thời Lê đổi thành huyện Phượng Nhỡn, thuộc thừa tuyên Bắc Giang, sau là trấn Kinh Bắc. Khu Di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc nay thuộc thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương.
Di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc thuộc địa bàn thành phố Chí Linh, được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt năm 2012. Nơi đây gồm quần thể các di tích lịch sử liên quan đến những chiến công lẫy lừng trong ba lần quân dân thời Trần đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII và trong cuộc kháng chiến 10 năm của nghĩa quân Lam Sơn chống quân Minh ở thế kỷ XV. Quần thể di tích nơi đây gắn liền với thân thế, sự nghiệp của các vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo cùng với nhiều danh nhân văn hóa của dân tộc: Trần Nguyên Đán, Pháp Loa, Huyền Quang… Điểm nhấn của khu di tích này là chùa Côn Sơn và đền Kiếp Bạc.
Chùa Côn Sơn thuộc phường Cộng Hòa, thành phố Chí Linh, là một trong những trung tâm Phật giáo của dòng thiền phái Trúc Lâm Đại Việt được Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông sáng lập ở thế kỷ XIII. Chùa kiến trúc theo kiểu chữ công, gồm Tiền đường, Thiêu lương, Thượng điện là nơi thờ Phật, trong đó có những tượng Phật từ thời Lê cao tới 3 mét.
Đền Kiếp Bạc thuộc địa phận hai thôn Dược Sơn và Vạn Kiếp, xã Hưng Đạo, thành phố Chí Linh, là nơi thờ phụng Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Kiếp Bạc là tên ghép của hai vùng Vạn Yên (làng Kiếp) và Dược Sơn (làng Bạc). Đây là di tích quan trọng thuộc khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc.
Khu vực đền Kiếp Bạc là một thung lũng trù phú ba phía có dãy núi Rồng bao bọc, một phía là Lục Đầu Giang. Núi tạo thành thế rồng chầu, hổ phục, sông tạo thành minh đường rộng rãi. Phía trước đền có cổng lớn có ba cửa ra vào nguy nga, đồ sộ. Trên trán cổng mặt ngoài có bốn chữ "Hưng thiên vô cực", dưới có 5 chữ "Trần Hưng Đạo Vương từ".
Có thể nói, mỗi cảnh sắc, hiện vật, dấu tích ở Kiếp Bạc đều gợi về bản hùng ca giữ nước vĩ đại của dân tộc ở triều đại Nhà Trần.
Hàng năm ở Côn Sơn – Kiếp Bạc có hai kỳ lễ hội truyền thống mùa xuân và mùa thu. Lễ hội mùa xuân kỷ niệm ngày viên tịch của Đệ tam Thánh tổ Huyền Quang tôn giả (ngày 23 tháng Giêng), lễ hội mùa xuân Côn Sơn có nhiều nghi lễ như: Lễ Mông Sơn thí thực, lễ tế trời đất trên Ngũ Nhạc linh từ, lễ rước nước, cùng nhiều trò chơi dân gian như: Đu tiên, chọi gà, cờ người, đấu vật… Lễ hội mùa thu tưởng niệm ngày mất của Đức Thánh Trần Hưng Đạo (ngày 20 tháng 8 Âm lịch) và ngày mất của Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi (ngày 16 tháng 8 Âm lịch). Lễ hội mùa thu đền Kiếp Bạc có nhiều nghi thức tế lễ và diễn xướng dân gian rất nổi tiếng như: Lễ rước cỗ tiến Thánh, Lễ hội quân trên sông Lục Đầu, lễ cầu an và hội hoa đăng trên sông Lục Đầu, tục hầu Thánh, lễ ban ấn của Đức Thánh Trần… Các trò chơi dân gian như: Đấu vật, đua thuyền, bắt vịt, nấu cơm thi, nhảy phỗng… Trong các kỳ lễ hội có hàng chục vạn du khách và nhân dân thập phương về dâng hương lễ bái.
Trong những năm qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cùng UBND tỉnh Hải Dương đầu tư kinh phí tu bổ Di tích và tổ chức nghiên cứu phục dựng lại các nghi lễ của Lễ hội Côn Sơn – Kiếp Bạc, Khu Di tích ngày càng khang trang khởi sắc. Ngày 18-6-2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 920/QĐ-TTg phê duyệt “Quy hoạch tổng thể bảo tồn Khu Di tích lịch sử văn hóa Côn Sơn- Kiếp Bạc gắn với phát triển du lịch thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương”. Ngày 10-5-2012, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 548/QĐ-TTg công nhận Khu Di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc là Di tích quốc gia đặc biệt.
Hành trình trở thành di sản thế giới
Trong nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị di sản, tỉnh Hải Dương đã phối hợp với UBND các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang đưa Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc tới danh hiệu Di sản thế giới.
Theo ông Lê Duy Mạnh, Phó Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, cùng với nỗ lực bảo vệ các di tích hiện hữu, Hải Dương đã nghiên cứu, phục dựng các công trình kiến trúc của di tích từng có trong lịch sử, dựa theo những tư liệu và kết quả khảo cổ học. Việc phục dựng đều tuân thủ chặt chẽ các quy định của Luật Di sản văn hóa và các tiêu chí xếp hạng Di sản thế giới của UNESCO.
Ông Lê Duy Mạnh chia sẻ, dự kiến khi được UNESCO ghi danh là di sản thế giới, Khu di tích Côn Sơn- Kiếp Bạc sẽ đón khoảng 4 triệu khách/năm. Điều này đòi hỏi địa phương phải đi trước đón đầu trong đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú. Vì vậy, Ban Quản lý khu di tích Côn Sơn- Kiếp Bạc đang phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, các bên liên quan xây dựng đề án đưa Côn Sơn- Kiếp Bạc thành khu du lịch quốc gia vào giai đoạn năm 2025-2030; đồng thời phối hợp cùng Viện Phát triển du lịch bền vững Việt Nam xây dựng đề án phát triển khu du lịch Côn Sơn- Kiếp Bạc đến năm 2030 định hướng 2045. Khi các đề án được phê duyệt, nhiều điểm hạn chế tại khu di tích sẽ được tháo gỡ, tạo đà phát triển.
Các chuyên gia cho rằng, việc Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc được công nhận là di sản thế giới có nhiều triển vọng và chỉ còn là vấn đề thời gian. Để chuẩn bị tốt cho việc tôn vinh, phát huy giá trị di sản sau khi được công nhận, thời gian tới, trách nhiệm của 3 tỉnh có di sản càng phải được nhân lên hơn bao giờ hết. Các địa phương cần tiến hành ngay những hành động cụ thể để chuẩn bị cho hoạt động về quản lý, bảo vệ, khai thác theo đúng quy định quốc tế cũng như luật pháp Việt Nam và định hướng phát triển bền vững mà UNESCO đặc biệt quan tâm.
Khi được công nhận, danh xưng Di sản thế giới sẽ góp phần để các di tích, dấu ấn di sản được giới thiệu, quảng bá rộng rãi hơn đến du khách trong nước, quốc tế, là tài nguyên quý cho phát triển du lịch của 3 tỉnh nói riêng, Việt Nam nói chung./.