• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bảo tồn văn hóa dân tộc Mường trong nền Văn hóa Hòa Bình

Văn hoá 01/10/2024 15:45

(Tổ Quốc) - Lễ hội Khai hạ hay còn gọi là Lễ hội "Khuống mùa”, "Thuống tồng”, Lễ mở cửa rừng, là lễ hội dân gian truyền thống lớn nhất của người Mường Hòa Bình. Lễ hội gắn liền với nền sản xuất nông nghiệp lúa nước, mang nhiều dấu ấn của nền văn minh Việt cổ; là hoạt động văn hóa - tín ngưỡng không thể thiếu của đồng bào người Mường ở Hòa Bình, đặc biệt là ở 4 vùng Mường lớn của tỉnh trong mỗi dịp xuân về.

Đặc sắc lễ Khai hạ

Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường hay còn gọi là lễ hội Khuống mùa là lễ hội truyền thống đã có từ rất lâu đời và là lễ hội dân gian lớn nhất của người Mường, đặc biệt ở bốn vùng Mường lớn của tỉnh là Bi, Vang, Thàng, Động. Năm 2022, Lễ hội Khai hạ của người Mường Hòa Bình đã được Bộ VHTTDL ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Bảo tồn văn hóa dân tộc Mường trong nền Văn hóa Hòa Bình - Ảnh 1.

Tỉnh Hòa Bình xác định, bảo tồn văn hóa dân tộc Mường là nhiệm vụ quan trọng trong nền Văn hóa Hòa Bình

Đây là lễ hội gắn liền với nền sản xuất nông nghiệp lúa nước, mang nhiều dấu ấn của nền văn minh Việt cổ; là hoạt động văn hóa - tín ngưỡng không thể thiếu của đồng bào người Mường ở Hòa Bình mỗi dịp xuân về. Lễ hội mang ý nghĩa tôn kính các vị thần linh, tưởng nhớ những người đã có công lập đất, lập mường và cầu mong vạn vật phát triển thuận lợi, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc, những điều tốt đẹp đến với người dân, xóm bản.

Ở Hòa Bình, tùy từng vùng Mường mà lễ hội được tổ chức vào các ngày và địa điểm thực hiện nghi trình, nghi thức có sự khác nhau.

Đối với Lễ hội Khai hạ Mường Bi (Tân Lạc) được tổ chức vào ngày mồng 7, 8 tháng giêng hàng năm (tức ngày 6, ngày 7 tháng tư theo lịch Mường Bi) tại miếu thờ xóm Lũy, xã Phong Phú, nơi gắn liền với truyền thuyết về Quốc Mẫu Hoàng Bà và Tam vị Tản Viên Sơn Thánh. Đối với lễ hội Khai hạ Mường Vang được tổ chức vào ngày mồng 4 tháng Giêng tại miếu Áng Ka và tại mái đá làng Vành, xã Yên Phú (Lạc Sơn) vào ngày mồng 7 tháng Giêng. Lễ hội Khai hạ Mường Thàng (Cao Phong) tổ chức vào ngày mồng 5 - 6 tháng Giêng tại miếu Cả, xã Dũng Phong. Đối với phần lễ ở lễ hội Mường Động (Kim Bôi) tổ chức ngày mồng 3 tháng 5 âm lịch tại miếu Mường Chanh, xã Vĩnh Đồng. Mỗi địa điểm nơi diễn ra lễ hội đều gắn liền với lịch sử của các vị thần là người có công lập đất, lập mường.

Lễ hội Khai hạ được tổ chức với nhiều nghi trình, nghi thức độc đáo tạo nên nét riêng có. Đây là lễ hội có quy mô lớn trong vùng, với nhiều thành phần tham gia ở cả phần lễ và phần hội. Vì vậy công tác chuẩn bị cho lễ hội Khai hạ đều có sự phân công, cắt cử mọi việc rất cụ thể, chi tiết tới từng bộ phận, từng thành viên tham gia để khi thực hiện công việc được thuận lợi, suôn sẻ. Ngay từ những ngày cuối năm âm lịch, Ban Tổ chức lễ hội Khai hạ đã họp bàn phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, từng công việc từ dọn dẹp vệ sinh địa điểm diễn ra phần lễ, địa điểm diễn ra phần hội, vệ sinh kiệu rước, chuẩn bị trang phục, tập luyện đội văn nghệ, đội chiêng và tìm chọn lực lượng tham gia rước kiệu.

Lễ hội được chia làm hai phần gồm phần lễ và phần hội; trong đó phần lễ là hoạt động thờ cúng Thành Hoàng với các nghi trình, nghi thức ở mỗi vùng Mường có sự khác nhau. Xưa kia thì ở cả 4 Mường lớn và một số huyện khác đều có nghi thức rước kiệu hoặc cúng tại mó nước và xin rước nước; cúng tại ruộng xin rước mạ hoặc cúng tại ruộng để xin làm lễ cày, bừa đầu tiên… nhưng ngày nay do nhiều nguyên nhân nên phần rước kiệu chỉ còn ở lễ hội ở Mường Bi và Mường Thàng; cúng tại ruộng để xin làm lễ cày, bừa đầu tiên chỉ còn diễn ra tại huyện Tân Lạc và huyện Lạc Sơn. Phần hội là các hoạt động vui chơi, thi các trò chơi dân gian, biểu diễn các hình thức nghệ thuật dân gian. Được tổ chức ngay sau khi kết thúc phần lễ chức với các trò chơi dân gian như: Hội đánh Chiêng, hội ném còn, thi bắn nỏ, giã gạo, đánh cù, đánh mảng, kéo co, thi hát đối, hát sắc bùa hay còn gọi là "séc púa", thi các mâm cơm, trình diễn trang phục, thi người đẹp xứ Mường và phần thi đấu các môn thể thao…

Bảo tồn văn hóa dân tộc Mường trong nền Văn hóa Hòa Bình - Ảnh 2.

Nghi thức trong lễ hội Khai hạ của người Mường

Lễ hội có lịch sử lâu đời là nơi kết tinh, hội tụ nhiều di sản văn hóa, lịch sử. Trải qua các thế hệ, tuy có những lúc thăng, trầm nhưng đến nay, lễ hội đã được cộng đồng dân tộc Mường khôi phục ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Lễ hội đã phản ánh nhiều khía cạnh lịch sử của các vùng Mường lớn xưa ở Hòa Bình. Qua lễ hội và những di tích gắn với lễ hội, người ta có thể tìm hiểu được một phần quan trọng của lịch sử địa phương trong tập quán, phong tục của người Mường với những nghi trình, nghi thức đã có từ lâu đời. Có thể khẳng định, Lễ hội Khai Hạ dân tộc Mường chứa đựng trong đó nhiều giá trị di sản văn hóa có giá trị.

Bảo tồn văn hóa dân tộc Mường trong nền Văn hóa Hòa Bình

Người Mường có tổng dân số là 1.452.095 người, tập trung chủ yếu tại tỉnh Hòa Bình với số dân 549.026 người chiếm hơn 63% dân số toàn tỉnh. Trong quá trình sinh sống lao động sản xuất người Mường ở Hòa Bình đã sáng tạo ra những giá trị văn hóa độc đáo, thể hiện trong phong tục, tập quán, tín ngưỡng, ẩm thực, nghề thủ công truyền thống, dân ca, dân vũ, truyện cổ tích, tục ngữ, lễ hội, tri thức dân gian. Di sản văn hóa của người Mường Hòa Bình là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị văn hóa mới.

Hiện nay một số loại hình di sản văn hóa trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc Mường Hòa Bình đang có nguy cơ mai một, thất truyền. Trong khi đó, việc đầu tư cho công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Mường chưa tương xứng với giá trị của di sản. Nhiều di sản văn hóa có giá trị của dân tộc Mường chưa được đầu tư nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng; việc nghiên cứu lập hồ sơ đối với di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Mường đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia còn ít; công tác tuyên truyền, quảng bá giới thiệu di sản văn hóa dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình chưa hiệu quả; hạn chế trong công tác xã hội hóa huy động các nguồn lực đầu tư cho bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc Mường Hòa Bình…Do đó, việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể dân tộc Mường trên địa bàn tỉnh là hết sức cần thiết, đòi hỏi sự tham gia của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị và xã hội.

Bảo tồn văn hóa dân tộc Mường trong nền Văn hóa Hòa Bình - Ảnh 3.

Tỉnh Hòa Bình đã triển khai nhiều biện pháp để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Mường một cách hiệu quả

Trước thực tiễn đó, tỉnh Hòa Bình đã triển khai nhiều biện pháp để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Mường một cách hiệu quả.

Ông Nguyễn Phi Long, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình, cho biết mặc dù trong điều kiện tỉnh còn không ít khó khăn về nguồn lực song tỉnh vẫn sẽ coi đây là nhiệm vụ hết sức cấp bách, quyết liệt triển khai, huy động nguồn lực đầu tư, quản lí, bảo vệ, khai thác và phát huy giá trị, di sản văn hóa truyền thống, di sản văn hóa khảo cổ gắn với phát triển du lịch bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; đầu tư nguồn lực, cơ sở vật chất cho nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa của dân tộc Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình".

Được biết, năm 2023, tỉnh Hòa Bình đã ban hành Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình” giai đoạn 2023 - 2030 để tiếp tục nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa và truyền thống tốt đẹp của người Mường; các loại hình nghệ thuật trình diễn của dân tộc Mường, góp phần đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và hưởng thụ văn hóa tinh thần cho nhân dân, đồng thời quảng bá, giới thiệu về vùng đất, con người Hòa Bình, xây dựng những sản phẩm du lịch độc đáo để thu hút du khách trong nước và quốc tế./.




An An

NỔI BẬT TRANG CHỦ