(Tổ Quốc) - Gìn giữ, bảo tồn nhiều di sản văn hóa phi vật thể thuộc đồng bào các dân tộc thiểu số; Đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; Tổ chức Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2020 là những thông tin văn hóa đáng chú ý tại các tỉnh Cần Thơ, Long An và Bến Tre.
Cần Thơ: Nhiều di sản văn hóa phi vật thể thuộc đồng bào các dân tộc vẫn đang được gìn giữ, sử dụng thường xuyên
Theo báo cáo công tác bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố Cần Thơ cho thấy: qua kiểm kê, rà soát, nhiều di sản văn hóa phi vật thể thuộc đồng bào các dân tộc vẫn đang được gìn giữ, sử dụng thường xuyên (tiếng nói, chữ viết; Tập quán sinh hoạt tín ngưỡng như Lễ Sen Đôn ta (cúng Trăng), Lễ Cầu an của người Khmer; Lễ hội truyền thống như Chol Chnam Thmây, Lễ Ok Om Bok của người Khmer; Lễ Vía Thiên Hậu thành mẫu, Lễ Vía Quan Thánh Đế Quân của người Hoa……) Bên cạnh đó, một số di sản đang có nguy cơ bị mai một, thất truyền như: nghệ thuật trình diễn Dù Kê (Rom Yu – Kê) của người Khmer, Phong tục Lễ cưới của người Khmer, Kỹ thuật cắt may trang phục truyền thống của người Khmer…
Kết quả kiểm kê di sản văn hóa vật thể bước đầu ghi nhận 29 công trình cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng dân tộc thiểu số thuộc 02 đối tượng chính là dân tộc Khmer và dân tộc Hoa, gồm: 12 chùa của đồng bào dân tộc Khmer, 13 chùa, miếu và 4 nghĩa trang của người Hoa (Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu và Hẹ), trong đó có 05 di tích lịch sử - văn hóa của dân tộc Hoa và dân tộc Khmer, (02 di tích quốc gia: Quảng Triệu Hội Quán - Chùa Ông, quận Ninh Kiều; Hiệp Thiên Cung, quận Cái Răng và 03 di tích cấp thành phố: Linh Sơn Cổ Miếu, Chùa Cảm Thiên Đại Đế, Chùa PôthiSomrôn, quận Ô Môn). - Di sản sản văn hóa phi vật thể ghi nhận một số loại hình di sản của đồng bào dân tộc Khmer, Hoa trên địa bàn như: Lễ hội truyền thống, tập quán xã hội, nghệ thuật trình diễn dân gian, tri thức dân gian…
Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, thời gian qua đã có những chương trình, dự án ưu tiên công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa nói chung, di sản văn hóa dân tộc thiểu số nói riêng. - Việc tổ chức thực hiện các chương trình, dự án cho đồng bào dân tộc thiểu số đã từng bước nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn: nhiều di tích được tu bổ, tôn tạo, phục hồi theo trình tự quy định; các hình thức sinh hoạt tín ngưỡng, tập quán truyền thống tốt đẹp được bảo tồn, khôi phục…là cơ sở vật chất quan trọng cho hoạt động khai thác và phát huy giá trị du lịch địa phương.
Long An: Đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang
Việc thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 09/2/2018 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang (gọi tắt là Chỉ thị 05) trên địa bàn tỉnh Long An đã tạo nên nhiều chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động đối với cán bộ, nhân dân về thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang, nhiều cán bộ và nhân dân tự nguyện hưởng ứng, thực hiện hiệu quả, thông qua phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH) góp phần duy trì những nét đẹp văn hóa, thuần phong mỹ tục, phù hợp với đạo lý, tư tưởng nhân văn trong việc xây dựng nếp sống văn minh trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là chú trọng việc xóa bỏ các thủ tục, hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang.
Nhìn chung, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang của địa phương luôn gắn với phong tục, tập quán và những quy định của pháp luật, trong đó có những phong tục tập quán có từ lâu đời, công tác lãnh đạo, chỉ đạo luôn được sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền và ban ngành, đoàn thể địa phương, gắn liền với phong trào TDĐKXDĐSVH ở cơ sở, luôn coi trọng công tác tuyên truyền, đưa nội dung thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội vào quy ước ấp (khu phố) văn hóa; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; xã, phường, thị trấn văn hóa, huyện văn hóa, cùng cả nước góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII và Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI.
Bến Tre: Tổ chức Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2020
Sở VHTTDL tỉnh Bến Tre đã xây dựng kế hoạch phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bến Tre tổ chức "Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Bến Tre năm 2020". Đây là hoạt động dành cho các em học sinh trên địa bàn tỉnh Bến Tre nhằm khơi dậy niềm đam mê đọc sách đối với lứa tuổi thanh thiếu nhi, từ đó khuyến khích, thúc đẩy phong trào đọc sách trong thế hệ trẻ, hình thành thói quen và kĩ năng đọc sách cho học sinh, góp phần phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng. Thông qua Cuộc thi khẳng định vị trí, vai trò to lớn của văn hóa đọc trong việc nâng cao nội lực của người Việt Nam, đặc biệt là học sinh, sinh viên trong việc tiếp cận với thông tin và tri thức góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, hình thành lối sống lành mạnh cho thế hệ trẻ, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập.
Thời gian nhận bài thi vòng sơ khảo từ tháng 4/2020 đến hết ngày 01/6/2020. Ban Tổ chức sẽ chấm bài, phát giải và gửi bài đạt giải về Bộ VHTTDL trước ngày 20/7/2020.