• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bảo vệ bản quyền tác giả tốt tạo điều kiện để phát triển công nghiệp văn hóa

Văn hoá 14/11/2024 07:00

(Tổ Quốc) - Trong quá trình phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam thời gian qua, vai trò của bảo vệ quyền tác giả luôn được quan tâm khi tác động trực tiếp tới quá trình sáng tác của các tác giả (chủ sở hữu tác phẩm).

Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước có nhiều chính sách, cơ chế khuyến khích cho văn hóa phát triển. Một trong những cơ chế, chính sách được quan tâm chính là bảo vệ bản quyền tác giả của đội ngũ văn nghệ sĩ, những người sáng tạo nghệ thuật trong phát triển các lĩnh vực công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa.

Thực thi bản quyền tạo đà phát triển công nghiệp văn hóa

Chia sẻ những tiềm năng về văn hóa của TP. Hải Phòng, Tiến sĩ Trần Thị Hoàng Mai - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng cho hay, Hải Phòng là thành phố có nhiều di tích, di sản văn hóa với hơn 500 di sản được xếp hạng ở các cấp, trong đó có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 1 di sản thiên nhiên thế giới, 11 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và gần 1.000 di tích đã được kiểm kê… Giám đốc Sở khẳng định: "Đây là khối lượng di sản rất lớn của thành phố".

Bảo vệ bản quyền tác giả tốt tạo điều kiện để phát triển công nghiệp văn hóa - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Bà Trần Thị Hoàng Mai cho rằng, với khối lượng di sản lớn như thế này thì cần một nguồn kinh phí lớn hàng năm để tu bổ, tôn tạo. Thành phố may mắn khi Nghị quyết của HĐND mở ra cơ chế cho việc huy động thêm các nguồn kinh phí (ngoài ngân sách) để tu bổ, tôn tạo di tích, bà cho biết, "Đây là cơ sở để các địa phương, Ban quản lý di sản có thêm nguồn để huy động đến điều kiện để bảo tồn, phát huy giá trị di sản", đồng thời tạo cơ hội gắn kết, nâng cao trách nhiệm bảo vệ di sản, vốn rất quý, bằng các cách để mọi người biết đến.

Giám đốc Sở VHTT cũng nhắc tới các lĩnh vực tiềm năng khác của Hải Phòng, có thể phát huy thế mạnh trong quá trình phát triển các ngành CNVH tại địa phương.

Trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, Hải Phòng là một trong những địa phương vẫn giữ được các đơn vị nghệ thuật. Các đơn vị nghệ thuật vẫn thường xuyên sáng đèn tại Nhà hát Thành phố, đi biểu diễn tại các công trường, vùng sâu vùng xa… khi có các sự kiện văn hóa- chính trị lớn của thành phố như: Lễ hội Hoa phượng đỏ, du lịch biển Đồ Sơn… thu hút khách du lịch, quảng bá hình ảnh thành phố tới nhân dân cả nước, bạn bè quốc tế. 7 đơn vị cũng là các đại sứ văn hóa đem các chương trình nghệ thuật để giao lưu, quảng bá, giao lưu văn hóa tới các địa phương, với thế giới.

Về điện ảnh, thành phố có 7 rạp chiếu phim, các rạp thường xuyên phục vụ các đối tượng, thực hiện nhiệm vụ chính trị… đây là nguồn quan trọng để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, Giám đốc Sở VHTT nhìn nhận.

Trong lĩnh vực triển lãm, mỹ thuật, Trung tâm triển lãm mỹ thuật- điện ảnh thành phố Hải Phòng mỗi năm có ít nhất 15 triển lãm chuyên đề, trong tháng 11 có triển lãm đồ họa các nước ASEAN, các lượt khách tham quan triển lãm phong phú, lấy trung tâm triển lãm là địa điểm văn hóa để tìm đến, các trường học cũng tìm đến các Trung tâm Triển lãm Mỹ thuật để thấy được các hình ảnh văn hóa của các nước, thay đổi liên tục, tạo ra địa điểm văn hóa lý thú cho du khách và người dân thành phố.

Hội Nhiếp ảnh là 1/19 chi hội của LHCHVHNTTP, thường xuyên phát động các chủ đề để sáng tạo, Hải Phòng tự hào là địa phương có nhiều nhiếp ảnh gia nổi tiếng như Vũ Dũng, Đức Nghĩa… thu hút du khách, thông qua đó tạo được các hình ảnh, khoảnh khắc chỉ nghệ thuật nhiếp ảnh mới có được.

Bà Trần Thị Hoàng Mai cho rằng, việc ngành VHTT nhìn nhận thực tế hết sức có ý nghĩa trong công tác tham mưu, xây dựng các kế hoạch phát triển ngành công nghiệp văn hóa cho địa phương, cho quốc gia, trong đó, công tác bản quyền cần được chú trọng. Bà cũng cho hay, thực hiện ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và thực thi về bản quyền, Hải Phòng đã triển khai các nội dung và bước đầu đã có kết quả thiết thực để tạo đà cho các ngành công nghiệp văn hóa có cơ hội phát triển.

Bảo vệ bản quyền tác giả tốt tạo điều kiện để phát triển công nghiệp văn hóa - Ảnh 2.

Thay đổi trong phong cách sáng tạo của giới trẻ hiện nay

Cập nhật quy định về chế độ nhuận bút đảm bảo quyền lợi cho người làm sáng tạo

Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa luôn gắn liền với vai trò của bảo hộ bản quyền, trong đó có nhuận bút, thù lao cho những người sáng tạo. Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có những cơ chế để khuyến khích đội ngũ văn nghệ sĩ, người sáng tạo nghệ thuật sáng tạo ra nhiều tác phẩm chất lượng tốt phục vụ công chúng.

Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI ngày 09/6/2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước (Nghị quyết số 33-NQ/TW) xác định nhiệm vụ "Phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa".

Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã xác định "hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ, bảo hộ và khai thác hiệu quả, hợp lý các tài sản trí tuệ do Việt Nam tạo ra".

Tiếp đó, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới cũng đặt ra nhiệm vụ trọng tâm về xây dựng hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng "lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp làm trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo".

Đặc biệt, trong Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam yêu cầu: các bộ liên quan theo thẩm quyền trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách cần thiết để hỗ trợ, khuyến khích và thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ động triển khai đối với một số lĩnh vực công nghiệp văn hóa cần ưu tiên phát triển mà Việt Nam có thế mạnh, như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, thiết kế…. Các Hội, Hiệp hội, tổ chức có liên quan thúc đẩy, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, sáng tạo những tác phẩm công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo, tổng hợp các ý kiến về những khó khăn, vướng mắc để đề xuất, kiến nghị. Cộng đồng doanh nghiệp phát huy vai trò trong việc thúc đẩy và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Chuyên gia, các cá nhân sáng tạo tiếp tục phát huy tâm huyết, khả năng sáng tạo những sản phẩm công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật của công chúng.

Trong quá trình ấy, Nghị định số 21/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định về nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác đã phát huy tác dụng khi thực hiện đảm bảo được quyền lợi cho các văn nghệ sĩ, các nhà sáng tác, những người sáng tạo trong các lĩnh vực liên quan.

Tuy nhiên, tính tới nay Nghị định này thực thi đã gần 10 năm. Trong bối cảnh công nghệ số đang phát triển mạnh mẽ, điều kiện sáng tạo, sáng tác thực tế đã có nhiều thay đổi... buộc các chính sách, cơ chế quản lý của Nhà nước phải có những thay đổi cho phù hợp với thực tiễn để làm sao đảm bảo quyền lợi cho những người làm sáng tạo, góp phần thúc đẩy phát triển văn học nghệ thuật, giúp các địa phương triển khai tốt hơn chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa.

Do đó, trong bối cảnh hiện nay cần làm rõ những bất cập và xem xét để sửa đổi, bổ sung cho Nghị định 21/2015/NĐ-CP như: cơ chế khuyến khích đội ngũ văn nghệ sĩ, người sáng tạo nghệ thuật tạo ra nhiều tác phẩm chất lượng tốt phục vụ công chúng. Quy định tiền bản quyền đối với sáng tạo tác phẩm do cơ quan sử dụng ngân sách nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu. Hiện nay cũng có quan điểm Nghị định nên quy định áp dụng theo các định mức kinh tế - kỹ thuật trong các lĩnh vực cụ thể và cũng có quan điểm cho rằng áp dụng theo định mức kinh tế - kỹ thuật là chưa bao hàm hết được công sức sáng tạo nghệ thuật của tác giả, không thể tính cơ học theo ngày công lao động hay số lượng, khối lượng nguyên liệu, vật liệu sử dụng…

Bên cạnh đó là các quy định về bố trí kinh phí ngân sách chi trả tiền bản quyền, cần xây dựng quy định để đảm bảo hài hòa giữa kinh phí ngân sách nhà nước được cấp và chi phí dành cho các sáng tạo trong lĩnh vực điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm. Hay việc bổ sung, sửa đổi các chức danh sáng tạo, cần làm rõ Tên chức danh sáng tạo, mô tả nội dung công việc, căn cứ định mức tiền bản quyền theo vai trò, mức độ đóng góp của chức danh...

Thùy Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ