• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bảo vệ người cao tuổi trước tội phạm mạng

Văn hoá 26/09/2023 15:45

(Tổ Quốc) - Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin& Truyền thông cho biết, tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam đang tăng khoảng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, một trong những mục tiêu mà tội phạm mạng đang hướng tới chính là đối tượng người cao tuổi.

Người cao tuổi dễ bị lừa qua mạng

Hồi tháng 7/2023, Công an phường Thạch Bàn tiếp nhận đơn trình báo của bà P. (SN 1951, ở quận Long Biên, Hà Nội) về việc bà P. có nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán bộ Công an. Đối tượng nói bà P. có liên quan đến đường dây mua bán ma túy và yêu cầu bà phải chuyển tiền để phục vụ điều tra. Do lo sợ nên bà P. đã chuyển gần 200 triệu đồng vào tài khoản của đối tượng. Sau đó bà phát hiện bị lừa nên đã đến cơ quan Công an trình báo.

Cũng một vụ việc khác tại Hà Nội, năm 2022, bà D (sinh năm 1957) - thủ quỹ Tiểu ban một cụm di tích ở Long Biên đã trình báo công an việc mình bị lừa 5,6 tỉ đồng. Trong đơn trình báo, bà D nói bị một đối tượng giả danh đại tá công an gọi điện đến đe dọa khiến bà sợ hãi. Bà D đã ra ngân hàng rút toàn bộ số tiền trong các sổ tiết kiệm với số tiền 5,6 tỷ đồng rồi chuyển vào tài khoản cá nhân, dẫn đến bị lừa toàn bộ số tiền này.

Bảo vệ người cao tuổi trước tội phạm mạng - Ảnh 1.

Người cao tuổi đang trở thành mục tiêu của lừa đảo trực tuyến (ảnh minh họa)

Theo các chuyên gia, người cao tuổi đang trở thành mục tiêu của lừa đảo trực tuyến. Báo cáo về xu hướng công nghệ 2022 của AARP (Hiệp hội Hưu trí của Mỹ) mới đây cho thấy, những người từ 65 tuổi trở lên đang có xu hướng sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng nhiều hơn để đọc tin tức, giải trí và liên lạc. Nhu cầu mua sắm trực tuyến và thanh toán online của người cao tuổi ngày một tăng cũng khiến họ trở thành mục tiêu mới của kẻ xấu.

Sau khi biết mình bị lừa, các nạn nhân thường cảm thấy tiêu cực, xấu hổ, chán nản nên càng giấu việc mình bị lừa.

Các trường hợp bị lừa phổ biến khác là đối tượng lừa đảo gọi điện thoại giả danh một đơn vị cung cấp sản phẩm, thông báo là người nghe trúng thưởng. Để nhận thưởng, cần thực hiện một vài thao tác như truy cập vào đường link. Với chiêu trò này, đánh vào sự cả tin của người nghe, khi người nghe ấn vào đường link thì các đối tượng lừa đảo sẽ lấy được số điện thoại của người nghe để thực hiện xâm nhập vào tài khoản ngân hàng.

Các chiêu trò lừa đảo, số người bị mắc bẫy qua mạng là rất cao. Mặc dù rất nhiều phương tiện truyền thông đã cảnh báo, song số người bị lừa, đặc biệt là người cao tuổi vẫn không có dấu hiệu dừng lại. Những vụ việc tương tự vẫn tiếp diễn ở nhiều nơi, với nhiều người, đặc biệt là người cao tuổi.

Theo các nhà nghiên cứu xã hội học, sở dĩ, tội phạm mạng thường chọn người cao tuổi để lừa đảo, thực hiện các hành vi phạm tội là bởi người cao tuổi thường thiếu thông tin.

Từ kết quả khảo sát và những tình huống diễn ra trong thực tế, các chuyên gia Cục An toàn thông tin thống kê, có 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam, nhắm vào các nhóm đối tượng khác nhau.

Mỗi nhóm đối tượng ở từng độ tuổi, kẻ xấu thực hiện những hình thức dẫn dụ khác nhau, mục tiêu chung là lấy lòng tin, đánh cắp thông tin người dùng, sau đó chiếm đoạt tài sản. Trong đó, người cao tuổi thường gặp 15 hình thức lừa đảo thường xuyên như: lừa đảo "combo du lịch" giá rẻ; lừa đảo cuộc gọi video Deepfake; giả mạo biên lai chuyển tiền thành công; giả mạo trang thông tin điện tử, cơ quan, doanh nghiệp, bảo hiểm ngân hàng; giả danh Công an, kiểm sát viên, cán bộ tòa án gọi điện lừa đảo; đánh cắp thông tin CCCD đi vay tín dụng; lừa đảo chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng; lừa đảo dẫn dụ đầu tư, nhận bưu phẩm; lừa đảo tung tin giả về cuộc gọi mất tiền; lừa đảo cho số đánh đề…

"Mục tiêu mà các đối tượng lừa đảo hướng đến đang có sự dịch chuyển mạnh về nhóm người cao tuổi, trẻ em và người có thu nhập thấp… Trong đó, người cao tuổi là nhóm mà kỹ năng, khả năng nhận diện lừa đảo còn hạn chế nên các đối tượng lừa đảo tập trung chuyển hướng vào nhóm này. Đặc biệt, các đối tượng lừa đảo cũng đang hình thành tổ chức mạng lưới lừa đảo quốc tế tại các quốc gia lân cận Việt Nam như Lào, Campuchia với các hình thức, thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi"- đại diện Cục An toàn thông tin cho biết.

Tăng cường tuyên truyền

Về giải pháp, đại diện Cục An toàn thông tin cho rằng, bên cạnh việc phối hợp với các bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát động chiến dịch định danh tài khoản điện thoại, tài khoản ngân hàng thì Bộ TT&TT xác định việc cập nhật, phổ biến, nâng cao nhận thức cho người dân về các thức nhận diện hình thức lừa đảo trực tuyến là một nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên.

Ngoài truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, hiện Bộ TT&TT đang kêu gọi các tổ chức, các công ty truyền thông, mạng xã hội xây dựng các hình thức tuyên truyền phong phú, phù hợp, có thể tác động mạnh đến người dân, từng nhóm đối tượng trên các nền tảng khác nhau...

Bộ TT&TT cũng đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt bảo vệ người dân trên không gian mạng như phát triển các trang thông tin, xử lý tin nhắn rác, lừa đảo (chongthurac.vn); trang cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam (canhbao.khonggianmang.vn); cung cấp công cụ nhận diện lừa đảo trực tuyến, kỹ năng phòng, chống lừa đảo (congcu.khonggianmang.vn)…

Ngoài ra, Bộ Công an cũng nhiều lần khuyến cáo là lực lượng Công an làm việc không bao giờ yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản cá nhân. Cơ quan Công an muốn làm việc với người liên quan thì sẽ gửi thư mời và làm việc trực tiếp tại trụ sở. Người dân, đặc biệt là người cao tuổi cần phải nắm rõ qui trình này!.

Báo chí, truyền thông cũng liên tục phản ánh, cơ quan chức năng sử dụng biện pháp nhắn tin, cảnh báo, đề phòng các thủ đoạn lừa đảo qua mạng, qua điện thoại nhưng vẫn có người rơi vào bẫy của các đối tượng lừa đảo. Các đối tượng đánh vào sự thiếu hiểu biết, không minh mẫn của người già để ra tay lừa đảo.

Ngoài sự khuyến cáo của các cơ quan chức năng thì trong gia đình, những người thân cũng cần phổ biến thông tin, hình thức lừa đảo của các đối tượng cho những người thân trong gia đình mình biết để tránh rơi vào bẫy.

Theo các chuyên gia, các thành viên trẻ tuổi trong gia đình nên dành thời gian quan tâm đến người cao tuổi để nhận ra những yếu tố bất thường. Đồng thời, con cháu nên nói chuyện với người cao tuổi về những tình huống lừa đảo có thể gặp phải và cách phòng tránh./.

H. Hà


*Vụ Gia đình, Bộ VHTTDL thực hiện 


NỔI BẬT TRANG CHỦ